Ông Đào Quốc Tính |
Đây là diễn đàn để các tổ chức thành viên chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về BHTG và tăng cường hợp tác quốc tế. Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với ông Đào Quốc Tính – Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc DIV.
Chủ đề chính của Hội thảo năm nay là gì, thưa ông?
Theo thông lệ, chủ đề của Hội thảo quốc tế phải đảm bảo thu hút được sự quan tâm của các tổ chức BHTG trong khu vực, quốc tế và đặc biệt là quốc gia đăng cai tổ chức có thể đóng góp được đáng kể kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến chủ đề đó.
Sau khi nghiên cứu về hệ thống tài chính-ngân hàng trong khu vực cũng như đối chiếu với thực tế tại Việt Nam, DIV với tư cách chủ nhà đăng cai tổ chức đã đề xuất chủ đề Hội thảo quốc tế năm nay là “Vai trò của tổ chức BHTG đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm vừa và nhỏ” và nhận được sự đồng thuận cao.
Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, loại hình tổ chức tham gia BHTG quy mô vừa và nhỏ xuất hiện tại rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như: Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy, tổ chức BHTG thể hiện rõ và đầy đủ vai trò nhất đối với tổ chức tham gia BHTG có quy mô vừa và nhỏ thông qua các nghiệp vụ: cấp chứng nhận tham gia BHTG, theo dõi, giám sát, cảnh báo sớm, tiếp nhận và xử lý, chi trả…
Đây cũng là chủ đề mà DIV có thể đóng góp những kinh nghiệm và sáng kiến nhất định, đặc biệt trong bối cảnh vừa qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực đã nâng tầm vai trò của DIV.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của BHTG đối với các tổ chức vừa và nhỏ tham gia bảo hiểm?
Tại Việt Nam, loại hình TCTD quy mô vừa và nhỏ có thể được hiểu là các QTDND và tổ chức tài chính vi mô (TCVM). Các TCTD quy mô vừa và nhỏ là những cấu phần quan trọng của hệ thống NH. Trong đó, DIV thể hiện vai trò xuyên suốt vòng đời của các TCTD tham gia BHTG nói chung.
Đối với các TCTD quy mô vừa và nhỏ, trước hết, chính sách BHTG là cơ chế hỗ trợ để các tổ chức này phát triển bền vững, an toàn. Bên cạnh đó, chính sách BHTG tạo nên niềm tin của người gửi tiền đối với các tổ chức tham gia BHTG quy mô vừa và nhỏ, giúp các tổ chức này cạnh tranh sòng phẳng với các TCTD lớn.
Cuối cùng, thiết kế của các tổ chức BHTG là phù hợp cho việc hỗ trợ và xử lý các tổ chức tham gia BHTG vừa và nhỏ. Bởi để xử lý các TCTD quy mô lớn, TCTD xuyên quốc gia đòi hỏi phải có thêm những cơ chế đặc thù.
Công tác chi trả của DIV được thực hiện kịp thời, đúng quy trình, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền |
DIV có những giải pháp thế nào trong việc đảm bảo an toàn cho hệ thống các TCTD, nhất là các tổ chức vừa và nhỏ?
Đối với các tổ chức tham gia BHTG, DIV thực hiện theo dõi, giám sát thường xuyên và kiểm tra định kỳ. Trong đó, nghiệp vụ giám sát tập trung vào việc phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động và việc chấp hành các quy định về BHTG cũng như tuân thủ quy định về an toàn hoạt động ngân hàng của các tổ chức này.
Đối với các tổ chức tham gia BHTG có vấn đề, DIV thực hiện giám sát chuyên sâu để theo dõi diễn biến tình hình, nắm vững thực trạng và biến động của các loại tiền gửi, đặc biệt là tiền gửi thuộc đối tượng bảo hiểm, từ đó chủ động có giải pháp hoặc báo cáo, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Bên cạnh nghiệp vụ giám sát, DIV thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG, kiểm tra chuyên sâu về tiền gửi được bảo hiểm đối với tổ chức tham gia BHTG nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm. Trên cơ sở đó, đề xuất biện pháp xử lý, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền cũng như phòng ngừa các hiện tượng gian lận, trục lợi BHTG.
Có thể nói, DIV là một trong các công cụ của NHNN, của Chính phủ trong việc đảm bảo an toàn cho hệ thống các TCTD. Nhất là thời gian tới, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD đã trao cho DIV nhiều nhiệm vụ mới nhằm hỗ trợ các TCTD, trong đó có TCTD quy mô vừa và nhỏ gặp vấn đề có thể phục hồi hoạt động bình thường.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn DIV sẽ tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu của các TCTD như thế nào?
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 đã trao thêm cho DIV một số vai trò đưa DIV tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD. Cụ thể, DIV được phép mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ trong quá trình cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt. DIV cũng trực tiếp hỗ trợ tài chính cho TCTD quy mô vừa và nhỏ gồm QTDND, tổ chức TCVM và công ty tài chính trong diện kiểm soát đặc biệt thông qua khoản vay đặc biệt theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, DIV phối hợp cùng Ban kiểm soát đặc biệt và các cơ quan có liên quan để đánh giá tính khả thi đối với phương án phục hồi QTDND, tổ chức TCVM và công ty tài chính. Đối với trường hợp TCTD không thể khôi phục hoạt động bình thường mà buộc phải cho phá sản, trong thời hạn 30 ngày kể từ khi Chính phủ quyết định chủ trương phá sản, DIV phối hợp cùng Ban kiểm soát đặc biệt, các cơ quan có liên quan và TCTD đó xây dựng phương án phá sản trình NHNN.
Tựu chung, các nhiệm vụ mà Luật giao cho DIV chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ cho sự phục hồi của các TCTD, đặc biệt là các TCTD quy mô vừa và nhỏ. Đồng thời thể hiện rõ vai trò của DIV là công cụ quan trọng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người gửi tiền.
Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế khi DIV phải thực hiện chi trả BHTG. Theo ông, Việt Nam có thể học hỏi hay áp dụng kinh nghiệm gì từ các tổ chức bảo hiểm quốc tế?
Tính đến nay, DIV đã thực hiện chi trả cho người gửi tiền tại 39 QTDND. Công tác chi trả được thực hiện kịp thời, đúng quy trình, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Qua các hoạt động thực tế, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm. Một là quá trình kiểm tra, giám sát đối với tổ chức tham gia BHTG, đặc biệt là các tổ chức tham gia BHTG có vấn đề phải được thực hiện chặt chẽ, chính xác nhằm xác định rõ các khoản tiền gửi được bảo hiểm, đảm bảo chi trả đúng, đủ, kịp thời, phòng ngừa gian lận, trục lợi BHTG.
Hai là chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng phương án dự phòng chi trả tiền gửi được bảo hiểm.
Ba là, trước và trong quá trình chi trả, cần đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách BHTG giúp ổn định tâm lý và duy trì niềm tin của người gửi tiền, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động của các TCTD khác, góp phần giữ vững an ninh, chính trị tại địa phương.
Bốn là, việc phối hợp với NHNN trước, trong và sau quá trình kiểm soát đặc biệt cũng như trong công tác chi trả BHTG là vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo an toàn hệ thống và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.
Năm là, luôn chú trọng nâng cao năng lực tài chính của DIV, đảm bảo khả năng thanh khoản để sẵn sàng chi trả BHTG khi cần thiết.
Qua chia sẻ kinh nghiệm từ các tổ chức BHTG quốc tế cũng như qua các nội dung thảo luận tại Hội thảo quốc tế và Hội nghị thường niên APRC16 tại Việt Nam lần này, DIV mong muốn nhận được những kinh nghiệm hữu ích, áp dụng thông lệ quốc tế với định hướng nâng cao hiệu quả công tác chi trả, đa dạng hóa các hình thức chi trả, xây dựng kế hoạch dự phòng chi trả trong thời gian nhanh nhất.
Xin cảm ơn ông!