Thưa ông, tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực mà Chính phủ đã đạt được nhưng cũng rất nhiều ý kiến cảnh báo về khả năng lạm phát có thể quay trở lại. Quan điểm của ông về cảnh báo này như thế nào?
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường |
Tôi cho rằng, các ý kiến cảnh báo là thể hiện sự thận trọng, song trong bối cảnh hiện nay chưa đáng lo ngại. Vì theo tôi lạm phát phụ thuộc rất lớn vào một loạt các loại hàng hóa cơ bản. Thứ nhất là giá xăng. Nếu giá xăng dầu tăng quá cao nó sẽ tác động đến tất cả các loại hàng hóa khác. Tuy nhiên, giá xăng dầu nhiều khi lại không phụ thuộc vào sự kiểm soát của chúng ta mà phụ thuộc vào thị trường thế giới nên nếu nó đẩy lên quá cao thì dù chúng ta có tung quỹ bình ổn ra cũng không thể kéo giá xăng dầu xuống thấp. Rõ ràng đây là nhân tố tác động rất lớn khiến chỉ số giá khó kiểm soát.
Yếu tố thứ hai là chúng ta đang muốn đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2018, việc thu hút đầu tư tư nhân cũng đang được đẩy nhanh vì năm 2018 là năm bản lề để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi thu hút đầu tư tăng lên thì chúng ta phải bơm ra lượng tiền lớn, rõ ràng cung tiền trên thị trường cao hơn và cầu trên thị trường cũng tăng lên. Các yếu tố này cũng góp phần làm tăng giá tiêu dùng nhưng tăng này là tăng tích cực chứ không phải tăng tiêu cực.
Còn nếu trong trường hợp khi phải tăng nguồn tiền để cung cho thị trường mà Chính phủ không có nguồn và phải thông qua hệ thống ngân hàng để tăng cung tiền thì điều đó sẽ dẫn đến tăng lạm phát cơ bản.
Nên ở đây cần phân biệt 2 yếu tố tăng giá và tăng lạm phát cơ bản. Có thể lạm phát cơ bản của năm 2018 không vượt quá các số như trước đây, nhưng có thể chỉ số tăng giá sẽ cao hơn.
Tôi không nghĩ như vậy. Bởi nhìn vào thực tế thời gian qua và hiện nay, NHNN Việt Nam đang điều hành rất tốt CSTT. Và chính việc này giúp cho tỷ lệ lạm phát cơ bản những năm qua rất thấp, rất ổn định mặc dù chỉ số giá thay đổi nhưng hệ số lạm phát cơ bản không thay đổi nhiều. Với cách làm như thế, cộng với hiện nay chúng ta đang thực hiện kiểm soát đầu tư công rất chặt chẽ, thì tôi cho rằng sẽ không có chuyện Chính phủ có thể yêu cầu NHNN phát hành thêm tiền hay Chính phủ vay tiền kho bạc nhà nước để đầu tư một cách tràn lan.Trong các phương án này, ông đánh giá như thế nào về khả năng Chính phủ sẽ tăng cung tiền thông qua hệ thống ngân hàng?
Tôi cho rằng Chính phủ hoàn toàn có thể không cần dùng đến CSTT để đẩy cung tiền mà lạm phát cơ bản cũng sẽ duy trì tốt. Tôi hoàn toàn tin tưởng lạm phát cơ bản của năm 2018 sẽ được duy trì tốt và Chính phủ cũng cần tiếp tục cương quyết giữ được lạm phát cơ bản.
Còn nếu như vì tác động khách quan, giá xăng dầu thế giới tăng lên hoặc tổng đầu tư xã hội tăng lên, các NĐT vào nhiều thì có thể làm cho giá một số mặt hàng và chỉ số giá thay đổi. Nhưng tôi cho rằng, chỉ số giá dù có thay đổi nhưng không làm hệ số lạm phát thay đổi nhiều lắm bởi trong trường hợp này nếu tổng cung nhiều hơn và tổng cầu cũng nhiều hơn thì chỉ số giá có thể thay đổi tăng lên.
Ông có nhận định gì về kinh tế những tháng cuối năm và theo ông CSTT cần được điều hành như thế nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng?
Tôi cho rằng, kinh tế 2018 có lẽ không phải quá khó khăn. Nền kinh tế của chúng ta đang trên đà phát triển rất tốt, đặc biệt như các ngành nông nghiệp, dịch vụ, phát triển du lịch có xu hướng tăng lên. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là nhóm FDI đang trên đà ổn định, thậm chí tăng trưởng mạnh hơn nên những yếu tố đó cho thấy tăng trưởng 2018 không có những thách thức quá nhiều, mặc dù thị trường xuất khẩu của nước ta có ảnh hưởng bởi chính sách bảo hộ thông qua các rào cản thương mại. Các nước có xu hướng bảo hộ nhiều hơn nhưng việc bảo hộ này không phải nay mới xuất hiện mà đã có từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trong quá trình này chúng ta đang rất tích cực trong việc chủ động mở rộng thị trường và cải thiện chất lượng, mẫu mã hàng hóa… Những yếu tố này đang là yếu tố rất thuận lợi cho phát triển kinh tế năm 2018 này.
Trong bối cảnh thuận lợi như vậy, chắc chắn cầu về tiền của năm 2018 sẽ nhiều hơn năm 2017. Tôi cho rằng, trong trường hợp như vậy đòi hỏi NHNN cần phải tiếp tục kiên định phương châm trước đây là ổn định giá trị đồng tiền, ổn định tỷ giá. Việc chống đô la hóa, vàng hóa thời gian qua là rất thành công của NHNN. Tuy nhiên, điều hành về cung tiền đối với các NHTM cũng đòi hỏi NHNN phải hết sức mềm dẻo để không tạo ra khan hiếm tiền, bởi nếu NHTM khan hiếm tiền sẽ đẩy lãi suất huy động tăng lên và sẽ có nguy cơ người ta bán vốn vay cho các DN tăng lên. Điều này là rất nguy hiểm. Nên việc cung tiền của NHNN trong những trường hợp cho thấy NHTM có cầu tiền cao thì NHNN phải xử lý kịp thời để không làm tăng lãi suất huy động vốn và kéo theo đó là không tăng lãi suất cho vay.
Một yếu tố khác kèm theo đó là NHNN cần đẩy mạnh giải quyết nợ xấu. Bởi nếu giải quyết nợ xấu tốt, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi thị trường bất động sản đang được cải thiện thì việc giải quyết nợ xấu cũng đầy triển vọng.
Xin cảm ơn ông!