Tham dự khóa đào tạo có ông Phạm Bảo Lâm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT BHTGVN và các thành viên HĐQT; thành viên Ban điều hành; Kiểm soát viên; đại diện Ban Thường vụ Công đoàn, Đoàn Thanh niên cùng các học viên.
Khai mạc khóa đào tạo, Chủ tịch HĐQT BHTGVN Phạm Bảo Lâm cho biết, theo quy định của Luật Các TCTD sửa đổi (năm 2017), BHTGVN đã được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới nhằm tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD. Với mục đích xây dựng đội ngũ cán bộ đủ trình độ, năng lực, kỹ năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nêu trên, Ban lãnh đạo BHTGVN luôn chú trọng, quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực,đặc biệt là các cán bộ nghiệp vụ nói chung và cán bộ tham gia công tác kiểm soát đặc biệt nói riêng. “ Tôi mong rằng thông qua khóa đào tạo, các học viên sẽ được trau dồi, nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có kỹ năng, phương pháp đánh giá và xử lý TCTD yếu kém để có thể tham mưu, đề xuất các phương án phục hồi TCTD trong thời gian tới” - Chủ tịch Phạm Bảo Lâm nhấn mạnh.
Tại khóa đào tạo, các học viên đã được truyền tải 6 chuyên đề, trong đó các nội dung tập trung vào phương pháp xử lý TCTD yếu kém, phương án phục hồi; kinh nghiệm thực tiễn về xử lý các TCTD yếu kém. Đồng thời, trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao kỹ năng, kiến thức của mỗi cá nhân về đánh giá và xử lý TCTD yếu kém. Bên cạnh đó, các học viên cũng được hướng dẫn thực hành đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi đối với các tình huống cụ thể.
Giảng viên của khóa đào tạo, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia, đã trình bày những nội dung tổng quan về hệ thống tài chính Việt Nam; một số vấn đề cơ bản về cơ cấu lại hệ thống các TCTD; những kết quả cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2016-2025. Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực cũng nêu ra một số tồn tại, hạn chế; những mục tiêu, nhiệm vụ chính của quá trình cơ cấu lại TCTD giai đoạn 2021-2025, đồng thời gợi ý một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cơ cấu lại trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ khóa đào tạo, Báo cáo viên Nguyễn Thị Kim Thành – Phó Trưởng phòng Giám sát hoạt động của đoàn thanh tra – Cục Thanh tra Giám sát ngân hàng I đã có bài trình bày chi tiết về nội dung các phương pháp xử lý TCTD yếu kém – Quy trình thực hiện và lựa chọn phương án cơ cấu lại; cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin của các cơ quan trong mạng an toàn tài chính và vai trò của BHTGVN trong xử TCTD yếu kém.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Kim Thành cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong xử lý TCTD yếu kém, quy trình xây dựng phương án phục hồi và phê duyệt phương án phục hồi, quy trình thực hiện đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi; những kinh nghiệm thực tiễn của NHNN về xử lý QTDND và đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi…
Trong phần kinh nghiệm quốc tế về xử lý TCTD yếu kém, diễn giả từ Tổng Công ty BHTG Đài Loan (CDIC Đài Loan) đã chia sẻ kinh nghiệm của CDIC Đài Loạn trong xử lý tài sản của các TCTD, cũng như vai trò tích cực của tổ chức BHTG trong tiến trình này.
Về phía Chi nhánh BHTGVN tại TP. Hồ Chí Minh, ông Dương Quốc Long – Giám đốc Chi nhánh đã trình bày kinh nghiệm đánh giá tính khả thi phương án phục hồi đối với QTDND của Chi nhánh.
Phát biểu bế mạc khóa đào tạo, ông Đặng Văn Tới - Thành viên chuyên trách HĐQT BHTGVN đánh giá cao chất lượng khóa đào tạo và tinh thần học tập của các cán bộ tham dự. Ông Đặng Văn Tới đề nghị các học viên sau khóa đào tạo tiếp tục trau dồi, tự nghiên cứu, nâng cao năng lực; đồng thời vận dụng những kiến thức, thông tin đã được đào tạo vào công việc chuyên môn để đạt hiệu quả cao trong quá trình công tác. Đặc biệt, tăng cường kỹ năng nắm bắt tình hình, xử lý các tình huống đột biến cũng như phối hợp, hỗ trợ các TCTD được kiểm soát đặc biệt; qua đó góp phần giúp BHTGVN ngày càng nâng cao hiệu quả trong tham gia xử lý TCTD yếu kém và đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi TCTD.