Tại hầu hết các nước công nghiệp phát triển hàng đầu, lạm phát tăng chậm trong những năm gần đây, mặc dù lãi suất thấp kỷ lục và các biện pháp nới lỏng tiền tệ không có tiền lệ. Đối với các nhà tạo lập chính sách, lạm phát thấp đang trở thành vấn đề khó xử, đòi hỏi phải đánh giá lại hiệu quả của các biện pháp nới lỏng tiền tệ để đưa ra giải pháp cần thiết.
Các ngân hàng trung ương (NHTW) lo ngại, lạm phát giảm xuống mức quá thấp sẽ dẫn đến giảm phát, một hiện tượng rất khó giải quyết thông qua chính sách tiền tệ. Giá cả thấp hoặc giảm sẽ khiến khách hàng trì hoãn kế hoạch mua sắm, làm gia tăng mức độ suy giảm kinh tế vốn đang rất trầm trọng. Ngay cả khi không có giảm phát, lạm phát quá thấp có thể là tín hiệu của nhu cầu rất yếu ớt, ảnh hưởng xấu đến thu nhập của người lao động, lợi nhuận của doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Nhìn chung, lạm phát thấp trong nhiều năm qua đang khiến các nhà tạo lập chính sách lo lắng, trong khi hiệu quả của các biện pháp đối phó còn thấp.
Tại Mỹ, lạm phát trong tháng 11/2013 chỉ tăng 1,2% so cùng kỳ năm trước. Vì thế, kết thúc cuộc họp diễn ra trong 2 ngày 17-18/12/2013, NHTW Mỹ (Fed) đã thông báo giảm chương trình nới lỏng định lượng QE3 xuống còn 75 tỉ USD/tháng, một nỗ lực để duy trì lãi suất thấp và tăng giá trị các loại tài sản. Nhờ chính sách lãi suất thấp và các chương trình nới lỏng định lượng, thị trường lao động được cải thiện nhanh với tỉ lệ thất nghiệp giảm đáng kể, nhưng tăng trưởng kinh tế còn khiêm tốn, lạm phát dưới mục tiêu 2% trong suốt 2 năm qua.
Tình hình tại châu Âu có vẻ trầm trọng hơn, khi lạm phát tháng 11/2013 tại khu vực đồng tiền chung Euro là 0,9%. Chủ tịch NHTW châu Âu (ECB), Mario Draghi cho biết, lạm phát thấp tại khu vực đồng Euro có thể kéo dài.
Theo dự báo của ECB, lạm phát năm 2015 sẽ dao động quanh mức 1,3%, thấp xa so với mục tiêu 2%. Chủ tịch Draghi cho rằng, khu vực euro không rơi vào tình trạng giảm phát như trường hợp Nhật Bản, ECB đã nới lỏng chính sách tiền tệ quyết đoán hơn so với động thái của Nhật Bản trong những năm 1990 và hành động mau lẹ hơn trong việc giải quyết các vấn đề tại các ngân hàng. Tháng 11/2013, ECB đã giảm lãi suất chủ chốt xuống 0,25% do lo ngại lạm phát thấp sẽ dẫn đến giảm phát.
Tuy nhiên, giá cả hàng tiêu dùng giảm thấp trên toàn khu vực 17 nước Eurozone. Lạm phát tháng 11/2013 vào khoảng 1,5% tại CHLB Đức và Austria (Áo), nhưng giảm thấp tại hầu hết các nước thành viên còn lại. Tại Italia và Tây Ban Nha, lạm phát tháng 11/2013 lần lượt là 0,7% và 0,3% so cùng kỳ năm trước. Sự khác biệt về lạm phát gây khó khăn trong việc chống giảm phát trên toàn khu vực này…
Ngoài Eurozone, lạm phát thấp đã khiến các NHTW Thụy Điển và Hungari phải giảm lãi suất nhằm đẩy mạnh tín dụng và ngăn chặn đà giảm giá. Trong những năm qua, lạm phát cao khiến NHTW Anh (BoE) đau đầu, cô lập quốc gia này khỏi các nước phát triển chủ chốt. Tuy nhiên, lạm phát đã giảm nhẹ từ 2,2% trong tháng 10/2013 xuống 2,1% trong tháng 11, mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm qua, cao hơn mục tiêu đề ra là 2%. Trong đó, giá thành sản xuất và giá nguyên vật liệu thô lần lượt giảm 0,8% và 1% so cùng kỳ năm trước.
Lạm phát giảm dường như đang buộc BoE phải cam kết duy trì lãi suất thấp kỷ lục trong lịch sử 0,5% nhằm thúc đẩy kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế khá cao đã đẩy lùi lo ngại về áp lực giảm phát.
Trong tháng 11/2013, lạm phát tại Nhật Bản tăng lên mức 1,2%, mức cao nhất trong 5 năm qua. Trong đó, chỉ số giá cả hàng tiêu dùng lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) tăng 0,6%, đây là mức cao nhất trong 15 năm qua. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn khiêm tốn, các chỉ số tăng trưởng, việc làm và lạm phát cải thiện chậm so với kỳ vọng.
Trong năm 2013, đồng yên đã mất giá 16% so với USD, mức trượt giá sâu nhất trong số 16 đồng tiền chủ chốt, mà nguyên nhân là do BoJ tiếp tục các chương trình nới lỏng tiền tệ, trong khi NHTW Mỹ lại cân nhắc cắt giảm chương trình kích thích định lượng QE3 khi kinh tế phục hồi.
Trong khi lạm phát thấp là mối lo ngại tại nhiều nước phát triển, một số nước đang phát triển như Ấn Độ, Brazil, Indonesia, thì Nga lại phải đối mặt với áp lực lạm phát ngày càng tăng, báo hiệu nhu cầu bắt đầu gia tăng sau hai năm trầm lắng.
Tại Ấn Độ, giá cả các mặt hàng hóa bán buôn trong tháng 11/2013 đã tăng lên 7,52%, mức cao nhất trong 14 năm qua, cao hơn ngưỡng mục tiêu đề ra của NHTW Ấn Độ là 5%. Trong đó, giá cả hàng tiêu dùng còn tăng cao hơn và đạt kỷ lục 11,24% trong tháng 11/2013. Các chuyên gia phân tích cho rằng, nguyên nhân của tình trạng lạm phát triền miên tại Ấn Độ là do cơ sở hạ tầng yếu kém đã làm tăng chi phí sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Thêm vào đó, sự mất giá của đồng rupee cũng làm tăng giá cả hàng hóa nhập khẩu.
Tại Trung Quốc, lạm phát đã giảm xuống mức 3,5% trong năm 2013 từ tỉ lệ 8% trong 5 năm trước đây. Một số chuyên gia kinh tế nhận định, tình trạng đầu tư quá mức tại các doanh nghiệp nhà nước và năng lực sản xuất dư thừa có thể đẩy giá cả xuống mức thấp hơn. Trong khi hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc đã đẩy giá cả hàng tiêu dùng tại các nước phương Tây giảm mạnh trong những năm gần đây, tình trạng nguồn cung sản phẩm công nghiệp dư thừa quá mức sẽ đẩy giá cả trong một số lĩnh vực giảm mạnh. Khi kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thô cũng sẽ giảm, đẩy mặt bằng giá cả giảm theo.
Nhìn chung, diễn biến lạm phát khác nhau đang buộc từng NHTW phải có động thái chính sách khác nhau nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong nước, có thể dẫn đến tình trạng xung đột lợi ích và bất đồng quan điểm, đòi hỏi các nhà tạo lập chính sách phải thấu hiểu hoàn cảnh của quốc gia khác.