Siết chặt quản lý TCTD yếu kém, hỗ trợ phục hồi hoạt động
Nội dung đầu tiên đưa ra là việc nhận diện các trường hợp yếu kém. Cụ thể, một TCTD được coi là yếu kém và được NHNN đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt trong các trường hợp: mất khả năng thanh toán; có nguy cơ mất khả năng chi trả; có nguy cơ mất khả năng thanh toán, bao gồm cả trường hợp nợ không có khả năng thu hồi hoặc mô hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro hoặc Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) vi phạm pháp luật; khi số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất; hai năm liên tục bị xếp loại ở mức xếp loại thấp nhất theo quy định của NHNN; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của NHNN trong thời hạn 1 năm liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn 4% trong thời hạn 6 tháng liên tục; trường hợp khác trên cơ sở kiến nghị của Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng hoặc theo đề nghị của TCTD.
Liên quan đến vấn đề rủi ro pháp lý cá nhân trong hoạt động ngân hàng, dự thảo luật trên cũng đưa hẳn một điều về miễn trừ trách nhiệm đối với người tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.Cụ thể, dự thảo đưa ra hướng miễn trừ, khi tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, cán bộ, công chức Ngân hàng Nhà nước, thành viên ban kiểm soát đặc biệt, nhân sự của tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia hỗ trợ không chịu trách nhiệm pháp lý về kết quả của việc thực hiện các phương án xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.Tiếp đó, dự thảo đưa rabốn biện pháp chính, trực tiếp và gián tiếp hỗ trợ xử lý nợ xấu và nguồn vốn mà tổ chức tín dụng yếu kém được áp dụng một hoặc một số biện pháp: được bán nợ xấu không đủ điều kiện hoặc nợ xấu có tài sản bảo đảm đang bị kê biên theo quy định pháp luật cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); được miễn hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo phương án phục hồi đã được phê duyệt, nhưng tối đa không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt; được hạch toán dần vào chi phí đối với phần chênh lệch giữa giá bán nợ/khoản phải thu/khoản đầu tư góp vốn với giá trị ghi sổ của các khoản trên phù hợp với tình hình tài chính của tổ chức tín dụng yếu kém theo phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng tối đa không quá 10 năm; được vay đặc biệt với lãi suất 0% theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.
Dự thảo cũng luật hóa hai biện pháp xử lý ngân hàng yếu kém đã được sử dụng trong thời gian qua.Đó là việc mua lại bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là ngân hàng thương mại nhằm tránh ảnh hưởng an toàn hoạt động của hệ thống; khi tổ chức đó có giá trị thực của vốn điều lệ nhỏ hơn 0 đồng, hoặc có tổ chức tín dụng đề xuất mua tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.Khi không có tổ chức tín dụng đề xuất mua, thì Ngân hàng Nhà nước sẽ mua bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém thuộc diện bị mua lại bắt buộc (sau khi không khắc phục được tình trạng âm vốn điều lệ…). Đồng thời, sau khi NHNN thực hiện mua lại bắt buộc, một tổ chức tín dụng đủ điều kiện sẽ được chỉ định đóng vai trò Tổ chức tín dụng hỗ trợ, tham gia quản trị, điều hành, triển khai kế hoạch khôi phục hoạt động của TCTD bị mua lại. Đồng thời, TCTD hỗ trợ cũng được hưởng một số chính sách ưu đãi.
Dự thảo chi tiết các nội dung phục hồi hoạt động sau khi mua bắt buộc, như phương án tăng vốn và thời hạn thực hiện phương án tăng vốn; phương án hoạt động kinh doanh trong từng giai đoạn phù hợp với thực trạng; phương án cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành; phương án xử lý các tồn tại, yếu kém về tài chính, nợ xấu, tài sản bảo đảm và các biện pháp khắc phục các vi phạm pháp luật; phương án xử lý tiền gửi của khách hàng là pháp nhân; tiền gửi và tiền vay của tổ chức tín dụng khác…
Đáng chú ý, theo nội dung dự thảo luật trên, nhiều biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém được mua bắt buộc được đưa ra, trong đó liên quan đến việc cấp vốn, tái cấp vốn và chính sách cho vay hỗ trợ nguồn với lãi suất 0% từ NHNN.
Nâng cao vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, bảo vệ quyền lợi người gửi tiền
Dự thảo Luật hỗ trợ tái cơ cấu TCTD và xử lý nợ xấu nêu rõ vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) trong quá trình tái cơ cấu TCTD.
Theo Dự thảo Luật, BHTGVN sẽ trực tiếp phối hợp với Ban kiểm soát đặc biệt được thành lập theo chỉ đạo của NHNN đánh giá phương án phục hồi của TCTD yếu kém. Cụ thể, đối với phương án phục hồi của tổ chức tín dụng yếu kém là quỹ tín dụng nhân dân Ban kiểm soát đặc biệt phối hợp với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đánh giá. Đối với phương án phục hồi của TCTD yếu kém là tổ chức tài chính vi mô, Ban kiểm soát đặc biệt phối hợp với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đánh giá.
Bên cạnh việc tham gia đánh giá Phương án phục hồi của TCTD yếu kém, BHTGVN còn đóng vai trò là cơ quan hỗ trợ tài chính cho TCTD yếu kém là quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô. Theo đó, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được vay đặc biệt của BHTGVN với mức lãi suất 0% theo Phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng tối đa không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt.
Đối với TCTD yếu kém được chỉ định xử lý pháp nhân dưới hình thức phá sản, theo Dự thảo, Chính phủ quyết định mức cho vay đặc biệt theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước để chi trả số tiền gửi cá nhân còn lại sau khi đã được BHTGVN chi trả cũng như quy định cơ chế xử lý đối với số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được từ ngân sách nha nước.
Dự thảo cũng loại trừ các đối tượng khi chi trả tiền gửi cá nhân bao gồm: Người quản lý, người điều hành; Cổ đông lớn, cổ đông sáng lập; thành viên góp vốn (trừ thành viên góp vốn của quỹ tín dụng nhân dân) và người có liên quan của những đối tượng này.
Toàn văn [Dự thảo]