Phòng chống gian lận BHTG – góc nhìn từ kinh nghiệm quốc tế
Theo Ủy ban nghiên cứu Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI), gian lận trong BHTG dùng để chỉ (các) hành vi (có thể) gây phát sinh các khoản chi trả tiền bảo hiểm bất hợp pháp cho một cá nhân đáng lý ra họ không được hưởng.
Gian lận trong BHTG xảy ra khi nhân viên ngân hàng ghi nhận khống giao dịch từ tài khoản không được bảo hiểm của một pháp nhân hoặc cá nhân tới tài khoản được bảo hiểm của cá nhân khác (trước thời điểm đóng cửa ngân hàng); hoặc hành vi tách các khoản tiền trên hạn mức bảo hiểm và chuyển vào các tài khoản được bảo hiểm của cá nhân khác (với sự hỗ trợ từ nhân viên của các ngân hàng phá sản).
Một hình thức gian lận khác là việc giả mạo hồ sơ người được bảo hiểm. Kiểu gian lận này thực hiện bằng cách đưa vào danh sách người gửi tiền giả hoặc không liệt kê những khoản nợ ngân hàng của người gửi tiền được bảo hiểm khi lên danh sách chi trả BHTG. Kiểu gian lận này có thể được thực hiện bởi cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền khi lên danh sách gửi cho cơ quan bảo hiểm để thực hiện các khoản chi tới người được bảo hiểm.
Việc ghi nhận khống các khoản tiền gửi trong sổ sách của các ngân hàng phá sản nhằm mục đích chiếm đoạt tiền từ quỹ BHTG cũng bị coi là gian lận. Hành vi này có thể được thực hiện bởi các nhân viên ngân hàng hoặc các giám sát viên/ ủy viên được chỉ định.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng gian lận trong BHTG. Tuy nhiên có thể kể đến một số nguyên nhân chính sau:
- Do việc loại trừ một số nhóm người gửi tiền không được bảo hiểm;
- Do những kẽ hở pháp luật và thực hiện pháp luật không nghiêm, thiếu sự kiểm tra, kiểm soát và xử lý nên nhiều người nảy sinh hành vi gian lận;
- Thiếu hiểu biết về trách nhiệm pháp lý đối với gian lận: Nhiều người nhận thức còn mơ hồ về BHTG và họ cho rằng quỹ BHTG giống như quỹ phúc lợi, nên có nhiều trường hợp cố tình làm sai sự thật để được hưởng quyền lợi bảo hiểm;
- Chậm trễ trong việc đóng cửa ngân hàng cũng có thể tạo điều kiện cho hành vi gian lận.
Dựa trên kinh nghiệm một số công ty BHTG tham gia khảo sát do IADI thực hiện, một số biện pháp phòng chống gian lận điển hình đã được liệt kê như sau:
- Thiết lập các yêu cầu, tiêu chuẩn cho bộ phận IT của các thành viên trực thuộc hệ thống BHTG và đặc biệt là các cơ sở dữ liệu tiền gửi, kiểm tra định kỳ việc ghi sổ các thông tin liên quan đến tiền gửi;
- Đặt ra các chỉ báo rủi ro gian lận (“cờ đỏ”) để hỗ trợ phát hiện kịp thời khoản tiền gửi phi pháp;
- Trao cho các cơ quan bảo hiểm quyền được xem xét giao dịch liên quan đến tài khoản gửi tiền, bao gồm cả giao dịch với các tài khoản không được bảo hiểm trước hạn đóng cửa ngân hàng;
- Trao cho các cơ quan bảo hiểm quyền được từ chối khoản chi bảo hiểm tiền gửi cho những người gửi mà hồ sơ có dấu hiệu sai phạm[1];
- Tăng cường nhận thức của người dân, bao gồm giáo dục để họ hiểu rõ hơn về những hành vi phạm pháp,… nhờ đó siết chặt kỷ luật trên thị trường và trách nhiệm của nhân viên ngân hàng và người gửi tiền;
- Xử lý nghiêm những cá nhân có dính líu, hỗ trợ cho gian lận bảo hiểm tiền gửi.
Thực tiễn công tác phòng chống gian lận BHTG tại Việt Nam và một số khuyến nghị
Tính đến ngày 31/5/2016, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đang theo dõi 3 triệu tỷ đồng tiền gửi cá nhân tại 1.252 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm: 92 ngân hàng thương mại, ngân hàng Hợp tác xã, 1.156 quỹ tín dụng nhân dân và 3 tổ chức tài chính vĩ mô. Trong 16 năm qua, BHTGVN đã chi trả cho 1.793 người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân bị giải thể bắt buộc, kiểm tra, giám sát định kỳ đối với 100% tổ chức tham gia BHTG, việc chấp hành quy định pháp luật về BHTG.
Với nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của ngành ngân hàng nói chung và BHTGVN nói riêng là tái cơ cấu TCTD thì việc xử lý các TCTD yếu kém, trong đó đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền là một trong những nguyên tắc cốt lõi trong chỉ đạo của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Thực tiễn cho thấy, việc xác định chính xác số tiền gửi và người gửi tiền được bảo hiểm trong trường hợp có sự kiện chi trả rất quan trọng để vừa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, giữ vững sự ổn định hệ thống nhưng cũng phải hạn chế những kẽ hở dẫn tới gian lận trong chi trả tiền bảo hiểm. Một trong những giải pháp đó là cần tăng cường khả năng tiếp cận thông tin về người gửi tiền tại TCTD gặp khó khăn.
Thời gian qua, một loạt các văn bản liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức tham gia BHTG theo Luật BHTG đã được BHTGVN ban hành. Theo đó, việc kiểm tra tiền gửi được bảo hiểm tại QTDND tập trung vào kiểm tra hạch toán, quản lý tài khoản tiền gửi được bảo hiểm, hồ sơ tài liệu, sổ sách, chứng từ liên quan đến tiền gửi được bảo hiểm nhằm đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật liên quan đến công tác huy động vốn.
Các yếu tố liên quan đến việc tuân thủ các thủ tục nhận, hạch toán tiền gửi được yêu cầu kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo theo đúng quy định của NHNN; hay như việc yêu cầu các đơn vị này gửi sao kê tiền gửi khách hàng theo định kỳ hàng tháng cho BHTGVN. Trên cơ sở đó, có thể xác định số tiền dự kiến chi trả. Trong trường hợp nếu có sự kiện chi trả, việc xác minh, tổng hợp, sẽ không mất nhiều thời gian và đảm bảo tính chính xác cao.
Sau một thời gian triển khai kiểm tra chuyên sâu về tiền gửi được bảo hiểm tại các QTDND, một số vi phạm liên quan đến công tác huy động tiền gửi đã được BHTGVN phát hiện, cụ thể: Chưa thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước về chế độ chứng từ kế toán, hạch toán, kiểm soát, luân chuyển chứng từ, nguyên tắc thu chi tiền mặt, một số trường hợp thông tin về người gửi tiền còn thiếu hoặc chưa chính xác, chưa thực hiện đúng quy định của nhà nước về quản lý giấy tờ có giá, đặc biệt là việc quản lý theo dõi ấn chỉ trắng, và điều này dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng thẻ tiền gửi trắng để huy động ngoài sổ sách…
Mặc dù công tác kiểm tra chuyên sâu về tiền gửi được bảo hiểm tại QTDND mới được triển khai nhưng đã giúp BHTGVN phát hiện kịp thời nhiều trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật, kiến nghị các đơn vị được kiểm tra có biện pháp khắc phục kịp thời, bổ sung những tài liệu còn thiếu cũng như chấn chỉnh việc tuân thủ các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Dự thảo Quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm đang được gấp rút soạn thảo và dự kiến ban hành trong năm 2017. Theo đó, tổ chức tham gia BHTG phải gửi báo cáo theo định kỳ số dư tiền gửi và người gửi tiền được bảo hiểm cho BHTGVN. Với yêu cầu này, BHTGVN sẽ dễ dàng hơn trong việc nắm bắt thông tin tương đối chính xác về tiền gửi được bảo hiểm tại từng tổ chức tham gia BHTG. Trong trường hợp có sự kiện chi trả sẽ dễ dàng dự kiến trước được số tiền bảo hiểm phải chi trả để có chuẩn bị tốt nhất. Đồng thời, hạn chế được những sai sót, hoặc bất cẩn dẫn đến hành vi gian lận trong BHTG.
Từ kinh nghiệm của một số nước trong việc phòng chống gian lận BHTG, một số khuyến nghị cần được các cơ quan quản lý, xây dựng chính sách quan tâm như sau:
- Thiết thiết lập hệ thống công nghệ thông tin, kết nối giữa các tổ chức tham gia BHTG với BHTGVN để chủ động trong việc giám sát, theo dõi các biến động về tiền gửi và người gửi tiền được bảo hiểm. Đồng thời, xây dựng một kho dữ liệu tập trung về tiền gửi để hỗ trợ cho công tác kiểm tra tại chỗ trong việc thu thập thông tin, xây dựng kế hoạch kiểm tra.
- Tăng cường nhận thức của người dân về chính sách BHTG thông qua công tác truyền thông, qua đó siết chặt kỷ luật thị trường và trách nhiệm của nhân viên ngân hàng cũng như người gửi tiền.
Nguyễn Lệ Thu – Đặng Thi Thanh Hoài
Chi nhánh BHTGVN tại TP Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
http://fshandbook.info/FS/glossary-m/handbook/Glossary/S?definition=G2656;
http://www.iadi.org/docs/Dealing_with_parties_March_2015_FINAL_Version.pdf;
http://.div.gov.vn/Default.aspx?tabid=296&CtrName=detail&ArticleId=6618&CatID=3&PageInde;
/Default.aspx?tabid=296&CtrName=detail&ArticleId=6317&CatID=0
Đánh giá và đề xuất qua công tác kiểm tra tiền gửi được BH tại QTDND (Bản tin BHTG số 35 Quý I – 2017).
[1]Ví dụ như Công ty bảo hiểm Canada (CDIC), không có luật hay quy định cụ thể nào để hỗ trợ việc ngăn chặn gian lận bảo hiểm. Tuy nhiên, Đạo luật CDIC chỉ rõ cơ quan này chỉ phải chi trả cho những cá nhân “có đủ minh chứng liên quan đến khoản tiền gửi tại CDIC ”.