Giáo dục đạo đức cách mạng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một di sản quý giá trong tiến trình lịch sử và là ngọn đèn sáng cho con đường phát triển của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng của Người về đạo đức cách mạng vẫn vẹn nguyên giá trị, đặc biệt là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển như vũ bão. Với ý nghĩa đó, công tác giáo dục lý luận chính trị nói chung, giáo dục đạo đức cách mạng nói riêng càng trở nên cần thiết, có ý nghĩa thiết thực trong việc rèn đức, luyện tài đối với cán bộ, đảng viên, người lao động trong Đảng, trong toàn hệ thống Doanh nghiệp Trung ương.
CMCN 4.0 đem đến cả cơ hội và thách thức
CMCN 4.0 xuất phát từ khái niệm "Industrie 4.0" trong một báo cáo của Chính phủ Đức năm 2013. "Industrie 4.0" kết nối các hệ thống và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa công nghiệp, kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong.
Theo Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới: "Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học".
CMCN 4.0 diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm: Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý. Những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, Cách mạng Công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong Nông nghiệp, Thủy sản, Y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Cuối cùng là lĩnh vực Vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano.
Ở Việt Nam, khái niệm CMCN 4.0 được nhắc đến muộn hơn, nhưng thực sự dành được quan tâm của Chính phủ, doanh nghiệp và toàn xã hội khi Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam. Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 - Nghị quyết toàn diện, tổng thể đầu tiên của Đảng về chủ trương, chính sách của Việt Nam tham gia cuộc CMCN 4.0. Theo đó, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là tất yếu khách quan. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phải coi viêc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Cuộc CMCN 4.0 mang lại cả cơ hội và thách thức. Đó là cơ hội để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội thông qua nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến cho các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế. Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng tiềm ẩn thách thức trên mọi mặt của đời sống - xã hội. Đặc biệt, khi sức lao động của con người bị thay thế bởi máy móc, nạn thất nghiệp gia tăng sẽ dẫn đến bất ổn về đời sống, chính trị. Bên cạnh đó, còn có những hệ lụy do thông tin không kiểm soát trên mạng Internet. Tận dụng những yếu tố mặt trái của CMCN 4.0, các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội đã bằng nhiều chiêu thức công kích chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng trên phương diện lý luận và thực tiễn.
Lợi dụng sự phát triển của máy tính, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và sự bùng nổ thông tin trên các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể:
Chúng đã lợi dụng tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, phủ nhận giá trị đích thực chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thông qua các trang web phản động, diễn đàn phản khoa học, chúng đưa ra những lý luận phi nghĩa, xuyên tạc, âm mưu tấn công học thuyết Mác - Lênin, nhằm hạ thấp uy tín, kể cả bôi nhọ đời tư và sự nghiệp cách mạng của các lãnh tụ cách mạng, thực hiện dã tâm phủ nhận, xóa bỏ toàn bộ chủ nghĩa Mác - Lênin trên toàn thế giới.
Lợi dụng một số sai lầm, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng, sự tha hóa biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, chúng tung ra các bài viết, phát tán tài liệu có nội dung kích bác, bôi xấu chủ nghĩa Mác-Lênin, tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với học thuyết Mác - Lênin, hòng cô lập, làm suy yếu tư tưởng Hồ Chí Minh và thực chất là để phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tiến tới phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh, mưu toan phá vỡ, phủ nhận và xóa bỏ nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng.
Triệt để lợi dụng lợi thế không bị ngăn cách bởi không gian địa lý để tăng tính cập nhật, lan tỏa các thông tin chống phá, chúng đã thông qua các mạng xã hội, người sử dụng internet ở Việt Nam, để tiếp tục đẩy mạnh chống phá, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta. Một trong các thủ đoạn đó, chính là đòi xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp; đòi “phi chính trị hóa” quân đội nhằm làm cho quân đội ta xa rời sự lãnh đạo của Đảng, tha hóa, biến chất, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, mất sức chiến đấu, không còn là quân đội của dân, do dân và vì dân… Vì vậy, việc giáo dục cách mạng cho cán bộ, Đảng viên, người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước, tại các đô thị lớn, nhất là giới trẻ trở nên hết sức cấp thiết.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng
Khi bàn về vai trò quan trọng của đạo đức, Hồ Chí Minh cho rằng, đạo đức là yếu tố không thể thiếu trong đời sống xã hội loài người và đối với cá nhân con người xã hội, ví như :
"Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính
Thiếu một mùa, thì không thành trời
Thiếu một phương, thì không thành đất
Thiếu một đức, thì không thành người”
(Tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” của Bác tháng 6/1949)
Vai trò trên lại càng quan trọng, chiếm vị trí hàng đầu trong những phẩm chất của người cách mạng, người cán bộ, đảng viên. Nếu người cách mạng mà không có đạo đức thì như "sông không có nguồn", như "cây không có gốc", dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Sự quan tâm của Hồ Chí Minh về đạo đức thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt từ cách mạng giải phóng dân tộc đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong Di chúc, Người vẫn dành một phần trang trọng để bàn về vấn đề đạo đức. Người không chỉ yêu cầu mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, mà còn dặn dò đảng viên phải quan tâm chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên".
Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ”. Vì vậy, để đến được xã hội tốt đẹp đó, cần phải có những chiến sĩ tiên phong - những chiến sĩ cách mạng chân chính, những con người thực sự biết “đau nỗi đau của đồng loại”, biết “đồng cam cộng khổ với quần chúng nhân dân”, với tầm nhìn chiến lược, với uy tín rộng rãi, với lòng can đảm, ý chí và nghị lực phi thường, sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thử thách, hiểm nguy để chiến đấu, hy sinh cho nền độc lập của dân tộc, cho sự tiến bộ của nhân loại.
Từ đó, Hồ Chí Minh chỉ rõ, đã là người cách mạng cần phải có sức mạnh, đó chính là sức mạnh của đạo đức cách mạng, vì “sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Hồ Chí Minh đề cao vai trò của đạo đức cách mạng, vì theo Người “có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình”; giúp mỗi người cộng sản khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, không lo kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hoá, v,v..
Quan tâm xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh luôn coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”và nếu xét mối quan hệ giữa đức và tài trong mỗi con người thì đạo đức chính là “gốc”. Do vậy, trong công tác giáo dục lý luận chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên nói chung, các thế hệ sinh viên nói riêng, thì giáo dục đạo đức cách mạng là nội dung quan trọng nhất, vì đó chính là yếu tố tạo nên cái “chất”, cái “gốc”, cái “nền tảng” vững chắc của người cách mạng.
Giáo dục đạo đức cách mạng trong thời đại CMCN 4.0
Trong những nội dung giáo dục lý luận chính trị, nếu giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin được xác định là nội dung trọng tâm, thì giáo dục đạo đức cách mạng được coi là nội dung cốt lõi, nền tảng cán bộ, đảng viên, người lao động tại tất cả các đơn vị trong bối cảnh hiện nay.
Trên tinh thần tiếp thu, kế thừa và vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận chính trị, trong đó có giáo dục đạo đức cách mạng để xây dựng lực lượng cách mạng kế cận - xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng, cần phải tập trung thực hiện:
Một là, nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý các cấp trong hệ thống các nhà trường, học viện, trường cao đẳng...; phát huy vai trò, trách nhiệm phối hợp giữa Đảng ủy các đơn vị và với các phòng ban chuyên môn. Phải coi công tác đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch là một bộ phận cơ bản, không thể thiếu trong các tài liệu, giáo trình, bài giảng lý luận chính trị. Đồng thời, trong điều kiện cho phép, phối hợp, chủ động tổ chức hội thảo, các buổi giao lưu, trao đổi, tọa đàm về đạo đức cách mạng trong giáo dục lý luận chính trị với sự tham gia của các chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực này, nhằm tăng cường bản lĩnh chính trị, năng lực đấu tranh của cán bộ, người lao động đối với các quan điểm sai trái, phản động.
Hai là, chú trọng nghiên cứu lý luận, các quan điểm, đường lối của Đảng, kịp thời phát hiện những vấn đề mới, mang tính đột phá để vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tiễn; coi trọng tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận, nhất là những mô hình mới, khó, cách làm hay, hiệu quả đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Quan tâm tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, người lao động học tập, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ ở trong và ngoài nước, để mỗi cán bộ, người lao động không chỉ nắm bắt được những luận điểm mới trong hệ thống những quan điểm, tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn vận dụng sáng tạo những luận điểm đó vào bài giảng gắn với thực tiễn cuộc sống, trau dồi chuyên môn và đạo đức cách mạng, sống, học tập, làm việc, ứng xử với nhau trên cơ sở các chuẩn mực đạo đức cách mạng.
Ba là, sử dụng, phát huy vai trò của các công cụ hỗ trợ với công nghệ, phương tiện hiện đại trong công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị nói chung, đạo đức cách mạng nói riêng. Phát huy ưu thế của đài phát thanh, intrernet, mạng nội bộ, báo chí, mạng xã hội, website chính thức của đơn vị… để tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tính chất cách mạng, khoa học, tiến bộ và sự cần thiết phải rèn luyện đạo đức cách mạng trong cán bộ, người lao động; giúp họ nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, nội dung, nguyên tắc, phương pháp xây dựng đạo đức cách mạng và tránh được sự giáo điều, máy móc, cảm tính, quy giản chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào một số nguyên lý, quy luật, phạm trù, nguyên tắc phương pháp luận khô khan; học không đi đôi với làm, thậm chí nói mà không làm... Qua đó, phòng và chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tự làm mất đi bản chất cách mạng, khoa học, sức sống của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong thực tiễn.
Bốn là, huy động và tăng cường sự tham gia của các tổ chức, cơ quan, lực lượng liên quan về công tác giáo dục lý luận chính trị, trong đó có giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, người lao động trước những luận điệu xuyên tạc, phản động để thiết thực đưa Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" trở thành nhu cầu tự thân của mỗi cá nhân, với nhiều hình thức và phương pháp đa dạng, phong phú. Cùng với đó, tăng cường giáo dục ý thức tự giác của mỗi cá nhân trong quá trình tự rèn luyện đạo đức cách mạng hằng ngày, thường xuyên, liên tục. Đồng thời, nâng cao ý thức về bản lĩnh, lòng tự trọng của cán bộ, người lao động khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng; kết hợp giữa kỹ năng tự bảo vệ và ý thức trách nhiệm trước tập thể, cộng đồng khi tham gia không gian mạng để không chỉ cập nhật, sử dụng thông tin đúng, chính xác mà còn đảm bảo phản ánh đúng sự thật khách quan, có chọn lọc, kiểm định, kiểm soát chặt chẽ thông tin.
Hoàng Thanh Lan