Theo Vụ Chính sách tiền tệ , Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), mặc dù có áp lực tăng nhưng với việc thực hiện linh hoạt các giải pháp điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động được giữ ổn định, qua đó giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong điều kiện lạm phát gia tăng. Đồng thời, với việc điều hành linh hoạt các công cụ để hỗ trợ thanh khoản, NHNN đã chỉ đạo các TCTD thực hiện các biện pháp cân đối vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình, góp phần giảm áp lực lãi suất cho các TCTD.
Hạ lãi suất khi đã đủ điều kiện
Cụ thể, mặt bằng lãi suất huy động sau khi tăng 0,2-0,3%/năm trong 3 tháng đầu năm thì đã ổn định trở lại, và từ ngày 26/9, một số TCTD lớn đã điều chỉnh giảm từ 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng được các TCTD này công bố ở mức 0,3-0,5%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 4,2-4,3%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm, kỳ hạn từ 5 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm, và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm.
Các chuyên gia nhận định, động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các TCTD nêu trên là giải pháp tích cực, kịp thời nhằm triển khai định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã được Thống đốc NHNN cụ thể hóa cho ngành ngân hàng tại Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 27/5/2016 tiết giảm chi phí để phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các ngân hàng cho thấy sự quyết liệt của NHNN trong việc hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Giới chuyên gia cho rằng, việc 4 "ông lớn" trong ngành ngân hàng cắt giảm lãi suất đầu vào do đang dư thừa vốn, thanh khoản tốt. Do đó, họ có thể thỏa thuận với khách hàng để giảm lãi suất huy động trong một thời gian nhằm thực hiện yêu cầu, chủ trương của NHNN. Còn việc tiên phong này có tạo ra được xu hướng chung trên thị trường hay không còn tùy thuộc vào cơ cấu nguồn vốn của từng ngân hàng. “Quyết định tăng hay giảm lãi suất hiện nay là bình thường, tùy theo tình hình thanh khoản của mỗi ngân hàng. Ngân hàng nào thừa tiền thì giảm lãi suất, thiếu tiền thì lại tăng”, Giám đốc chi nhánh một ngân hàng cho hay.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại (NHTM) khẳng định, việc 4 ngân hàng thương mại quốc doanh hạ lãi suất không phải do “bị ép”, mà chủ yếu là do hiện nay đã có đủ điều kiện giảm lãi suất. Trước hết là thanh khoản hệ thống dồi dào, biểu hiện là lãi suất liên ngân hàng và lãi suất của kênh tín phiếu kỳ hạn 14 ngày đang thấp kỷ lục
Nỗ lực giảm lãi suất đã ở mức cao nhất
Sau động thái giảm lãi suất huy động của các TCTD lớn, thị trường kỳ vọng vào việc giảm lãi suất cho vay như một nguyên lý thông thường.
Mặc dù lãi suất huy động đã giảm nhẹ, song nhiều NHTM thừa nhận, lãi suất cho vay trước mắt chỉ có thể giảm đối với các lĩnh vực ưu tiên, các doanh nghiệp tốt, chứ chưa thể giảm đại trà. Còn để mặt bằng lãi suất cho vay toàn thị trường giảm sâu thêm, theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế, cần có thêm nhiều yếu tố như: lạm phát giảm, đẩy nhanh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém để không tái diễn cạnh tranh lãi suất…
Trên thực tế, hiện nay chênh lệch lãi suất cho vay/huy động mà các ngân hàng duy trì đang ở mức khá thấp. Vì vậy, để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng cũng phải tính toán căn cơ. Do chính ngân hàng hiện cũng phải duy trì mức lợi nhuận hợp lý để có nguồn lực xử lý nợ xấu, phục hồi sức khỏe của mình.
Ông Trương Văn Phước đánh giá, động thái giảm lãi suất huy động là cần thiết và qua đó, tạo điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay như là nguyên lý thông thường.
Khi đề cập đến vấn đề bao giờ lãi suất tiền vay giảm, ở mức nào, quy mô ra sao, một chuyên gia cho rằng: Tất cả nỗ lực của NHNN trong việc tạo điều kiện giảm lãi suất đã ở mức cao nhất. Và ở một góc độ nào đó, dư địa chính sách đã tương đối bão hòa, ngoại trừ một vài yếu tố kỹ thuật như giảm quy mô và lãi suất dự trữ bắt buộc; tuy nhiên, chưa đến mức quá cần để sử dụng công cụ này.
Phó Tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô lớn tại TP. HCM nhận định, giảm lãi suất cho vay thời điểm này rất khó khi nhu cầu vốn bắt đầu tăng mạnh từ nay đến cuối năm. Chưa kể, lãi suất cho vay hiện có dấu hiệu nhích lên sau khi nhiều NHTM đã tăng lãi suất đầu vào trong mấy tháng qua. Do đó, giữ lãi suất cho vay không tăng đến cuối năm đã là một thành công của các ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và sẽ khó có làn sóng giảm lãi suất tiền gửi đồng loạt ở các ngân hàng vào thời điểm này.
Theo báo cáo của Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), đối với lãi suất cho vay, từ cuối tháng 4/2016, các NHTM nhà nước và một số NHTM cổ phần đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.