Hội nghị do Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chủ trì, với sự tham dự của các Vụ, Cục chức năng thuộc NHNN, chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố, đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra (C45) và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) thuộc Bộ Công an và lãnh đạo các tổ chức tín dụng (lãnh đạo tại Hội sở chính và Giám đốc Chi nhánh loại 1 trên toàn quốc).
Hội nghị được tổ chức với quy mô toàn quốc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của ngành Ngân hàng đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng. Một số nội dung quan trọng được các đại biểu tham dự bàn thảo và đưa ra giải pháp: Đảm bảo an ninh, an toàn kho quỹ của hệ thống ngân hàng; tình hình và các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong hoạt động ngân hàng; tình hình và các giải pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động thanh toán thẻ; các vấn đề an toàn trong quản lý hoạt động tiền gửi tiết kiệm.
Trong bối cảnh năm 2016 và nửa đầu năm 2017, tình hình tấn công mạng trên thế giới và trong nước gia tăng, NHNN đã kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động giao dịch tiền mặt, giao dịch tiền gửi tiết kiệm, đảm bảo an toàn, an ninh mạng và thanh toán thẻ, đảm bảo an toàn kho quỹ, trụ sở ngân hàng. Qua thống kê, đánh giá, hệ thống thanh toán của Việt Nam vẫn được đảm bảo an toàn, số lượng, tỷ lệ sự cố và vụ việc gian lận xảy ra ít, chỉ là hy hữu.
Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình an ninh, tội phạm trên thế giới và trong nước gia tăng, tội phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng ngày càng diễn biến phức tạp. Các vụ việc mất an toàn xảy ra trong hoạt động ngân hàng thời gian gần đây làm thất thoát tài sản của Nhà nước, của tổ chức tín dụng và khách hàng, đe dọa tính mạng của cán bộ, nhân viên ngân hàng, ảnh hưởng đến uy tín và an toàn của hệ thống ngân hàng.
Vì vậy, cần xác định công tác đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng là nhiệm vụ trọng tâm, có tầm quan trọng đặc biệt trong tình hình hiện nay. Trên cơ sở đó, NHNN xác định cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản như sau:
(i) Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, quy chế, quy định của NHNN cũng như các quy trình, quy định nội bộ của từng tổ chức tín dụng, đảm bảo chặt chẽ, minh bạch, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, từng bộ phận trong các hoạt động nghiệp vụ.
(ii) Tăng cường giáo dục cán bộ, nhân viên trong hệ thống ngân hàng nâng cao phẩm chất đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật, các quy định, quy trình nội bộ của đơn vị, nâng cao tinh thần cảnh giác, ngăn ngừa mọi diễn biến phức tạp có thể xảy ra ảnh hưởng đến cán bộ, tài sản và uy tín hoạt động ngân hàng.
(iii) Coi trọng trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của bộ phận kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện kịp thời sai phạm trong các giao dịch hoạt động ngân hàng.
(iv) Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin, điều kiện phương tiện làm việc, đảm bảo phục vụ tốt cho công tác đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng; triển khai áp dụng các thông lệ, chuẩn mực quốc tế trong đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng.
(v) Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao.
(vi) Đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm bắt những kiến thức cần thiết về tài chính, ngân hàng, các quy định của pháp luật trong giao dịch ngân hàng, những thủ đoạn của bọn tội phạm, từ đó nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa rủi ro, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng.