Tham dự hội thảo có ông Đặng Văn Tới và bà Phạm Bảo Khánh - Thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị; ông Vũ Văn Long và ông Nguyễn Lĩnh Nam - Phó Tổng Giám đốc; ông Ngô Tuấn Khanh - Kiểm soát viên cùng đại diện các phòng, ban Trụ sở chính, Chi nhánh BHTGVN tại Hà Nội và 7 điểm cầu Chi nhánh BHTG khu vực.
Theo báo cáo tại hội thảo, giai đoạn từ năm 2019-2021, BHTGVN đã triển khai nghiên cứu và nghiệm thu 20 đề tài (trong đó Trụ sở chính thực hiện 13 đề tài và 7 đề tài của các Chi nhánh BHTG khu vực). Nhìn chung, các đề tài đều có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao, phù hợp với định hướng, mục tiêu hoạt động của BHTGVN. Nhiều đề tài đã được ứng dụng trong các mảng nghiệp vụ quan trọng, đóng góp cho việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển BHTG.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Lĩnh Nam – Phó Tổng Giám đốc BHTGVN đánh giá, hoạt động nghiên cứu ứng dụng thời gian qua đã được triển khai tích cực, hiệu quả. Các đề tài tập trung nghiên cứu, phân tích vấn đề tồn đọng và đề xuất giải pháp đối với các hoạt động nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, xử lý các QTDND…
Cũng theo ông Nguyễn Lĩnh Nam, việc tích cực triển khai công tác nghiên cứu ứng dụng hướng tới hoàn thiện bộ máy quản trị điều hành, nâng cao năng lực tài chính; từ đó giúp BHTGVN tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu các TCTD và tăng cường vai trò phối hợp của BHTGVN với các cơ quan liên quan thuộc NHNN. “Những kết quả nghiên cứu này đều mang lại đóng góp lớn cho việc nâng cao chất lượng công tác, hỗ trợ đề xuất sửa đổi Luật BHTG, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm phát huy chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN” – ông Nguyễn Lĩnh Nam nhấn mạnh.
Hội thảo đã nghe công bố kết quả và báo cáo 2 trong số 7 đề tài đã được bảo vệ thành công năm 2021, bao gồm: “Ứng dụng Phương pháp chi phí tối thiểu trong việc xử lý QTDND được kiểm soát đặc biệt ở Việt Nam” do TS. Phạm Bảo Khánh làm chủ nhiệm; “Giải pháp triển khai hoạt động mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ của BHTGVN nhằm cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt” do TS. Vũ Văn Long làm chủ nhiệm. Hai đề tài tập trung nghiên cứu hệ thống cơ sở lý luận, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá thực trạng và đề xuất những giải pháp, khuyến nghị giúp BHTGVN có cơ sở áp dụng mô hình chi phí tối thiểu và triển khai hoạt động mua trái phiếu dài hạn.
Sau phần trình bày, các đại biểu đã thảo luận với rất nhiều ý kiến được nêu ra, tập trung chủ yếu vào việc xây dựng và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng các đề tài.
Kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Lĩnh Nam đề cao quyết tâm nâng cao hơn nữa cả số lượng và chất lượng các hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng của BHTGVN trong những năm tiếp theo. Đồng thời, bày tỏ mong muốn những đề tài đã được bảo vệ thành công sẽ sớm được ứng dụng vào việc sửa đổi Luật BHTG, góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế của hệ thống pháp luật trước đó và bổ sung những quy định cải tiến, tiệm cận với thông lệ quốc tế về BHTG.