Báo cáo cho thấy có sự khác biệt giữa các quốc gia/ khu vực không chỉ trong quy định pháp lý đối với thẻ trả trước mà còn ở phạm vi và khái niệm, những điểm tương đồng với tiền gửi, quy định bảo mật, tác động đến chủ thẻ, chức năng và rủi ro của tổ chức phát hành và các yếu tố khác của thẻ trả trước.
Cụ thể, tại Nhật Bản, thẻ trả trước được quy định tại Đạo luật Dịch vụ Thanh toán. Các ngân hàng được phép phát hành thẻ trả trước theo Đạo luật ngân hàng như một hoạt động kinh doanh phụ trợ. Thẻ trả trước được coi là phương tiện thanh toán trả trước và về nguyên tắc không được phép đổi thành tiền mặt. Theo đó, thẻ trả trước không có đặc điểm tiền gửi, không đủ điều kiện tham gia BHTG.
Tại Hoa Kỳ, thẻ trả trước có giá trị được lưu trữ thường có thể quy đổi bằng tiền mặt theo quy định tại Đạo luật thống nhất về dịch vụ tiền tệ. Bất kể thẻ trả trước được phát hành ở đâu, tiền của chủ thẻ trả trước gửi vào ngân hàng đều được bảo hiểm dựa trên các quy tắc FDIC, số tiền bảo hiểm tiền gửi tối đa là 250.000 USD. Tổ chức BHTG sẽ công nhận chủ sở hữu của thẻ trả trước là chủ sở hữu của khoản tiền gửi trong tổ chức ngân hàng được bảo hiểm, nếu chủ thẻ đáp ứng được các yêu cầu theo quy định.
Tại Liên minh Châu Âu, thẻ trả trước được quy định bởi Chỉ thị về Tiền điện tử của Liên minh Châu Âu. Theo đó, thẻ trả trước không được tổ chức BHTG trực tiếp bảo vệ vì tiền điện tử không phải là một phương tiện tiết kiệm và không phải là một khoản tiền gửi.
Do có sự khác biệt giữa các quốc gia/ khu vực nên không thể áp dụng các biện pháp chung để giám sát, bảo vệ thẻ trả trước cũng như xác định mối quan hệ phù hợp của thẻ trả trước với BHTG. Các quốc gia/ khu vực được nghiên cứu đã và đang phát triển các cách thức riêng phù hợp theo khuôn khổ pháp lý của họ và các yếu tố liên quan khác. Do đó, cần một nghiên cứu chuyên sâu hơn về vấn đề này, trong đó có thể thực hiện tìm hiểu thực tế và phân loại thẻ trả trước được phát hành ở các quốc gia/ khu vực khác nhau và phân tích sâu hơn về các khía cạnh khác như xem xét các khuôn khổ pháp lý của các quốc gia/ khu vực và thẻ trả trước có được BHTG hay không, nếu có, cần xác định lý do và phạm vi bảo hiểm. Ngoài ra, cần nghiên cứu các biện pháp xử lý tổ chức phát hành thẻ trả trước bị đổ vỡ, vai trò, hiệu quả của tổ chức BHTG trong việc góp phần ổn định hệ thống tài chính. Đối với góc độ của tổ chức BHTG, cần xem xét những thách thức có thể xảy ra khi tổ chức phát hành thẻ trả trước đổ vỡ, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm.