Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Sacombank trả lời phóng viên Thời báo Ngân hàng về lãi suất cho vay trong quy định cho vay mới của Thông tư 39.
Thị trường đang có những cách hiểu khác nhau trong quy định cho vay hộ kinh doanh theo Thông tư 39 mà NHNN mới ban hành. Ông nhìn nhận như thế nào?
Những ngày gần đây, tôi nhận thấy nhiều khách hàng của chúng tôi đang có những băn khoăn liên quan đến Thông tư 39 và gây ra những hiểu nhầm không đáng có. Nhất là cách tiếp cận Thông tư 39, một số người hiểu rằng, với thông tư này, các NH sắp tới đây sẽ không đáp ứng vốn cho hộ kinh doanh. Tuy nhiên, đây là sự nhầm lẫn vì theo thông tư quy định, các NH tuy không còn cho vay hộ kinh doanh nhưng cá nhân có kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh hoặc là tự doanh vẫn được các NH cho vay vốn.
Hay nói một cách cụ thể hơn, Sacombank cho một người có sạp ở ngoài chợ vay vốn. Về lý thuyết, người chủ sạp này được gọi với cái tên là hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, khi duyệt hồ sơ cho vay, Sacombank cho người chủ sạp đó vay theo hình thức là cá nhân đi vay chứ không phải là hộ kinh doanh đi vay. Còn cụm từ “hộ kinh doanh” chỉ là yếu tố để NH phân loại và kiểm tra xem việc cá nhân đó kinh doanh như thế nào, tiến trình thu hồi nợ ra sao mà thôi.
Như vậy, việc quy định cho vay mới theo Thông tư 39 có tác động ra sao đến hoạt động cho vay của các NHTM?
NHNN muốn làm rõ tính hợp lý cho các pháp nhân và cá nhân trong hoạt động cho vay tại các NHTM. Thực tế, các hộ kinh doanh không phải là một pháp nhân và cũng không được tính là một doanh nghiệp tự doanh mà họ chỉ được vay theo hình thức cá nhân. Theo đó, nếu cứ gượng ép đưa hộ kinh doanh trở thành DN tư nhân hay DNNVV rồi nói rằng NHTM sẽ không cho vay các khách hàng này là một sự hiểu nhầm không đáng có.
Về thuật ngữ thỏa thuận lãi suất trong quy định cho vay mới có thể gây tâm lý lãi suất cho vay tăng khi thực hiện quy định đi vào thực thi, ông nghĩ sao?
Cụm từ thỏa thuận lãi suất mà NHNN sử dụng với mục đích trả lại đúng cái tên “thuận mua-vừa bán” cho một nền kinh tế cạnh tranh. Đành rằng, NHTM nào cho vay cũng phải có quy định nhưng trước đây, việc áp trần lãi suất khiến các NHTM vướng phải một số quy định, nên việc cho vay cứ bị ách tắc ở nhiều chỗ như: cho vay qua thẻ, cho vay tín chấp, thấu chi...
Nếu vẫn sử dụng hình thức áp trần lãi suất hay cho vay có lãi suất quy định thì NHTM sẽ rơi vào trường hợp không cho vay được đối với những người có nhu cầu vốn. Vì lúc đó, người vay sẽ so sánh rằng tại sao lãi suất cho vay công bố chỉ dưới 10%/năm trong khi vay qua thẻ lên tới 20-30%/năm… và cho rằng NHTM cho vay cao quá.
Trong khi đó, người vay chưa có thông tin về việc cho vay qua phát hành thẻ là vay tín chấp rủi ro rất cao, các NHTM phải tính toán mức lãi suất hợp lý cho từng khách hàng vay để hạn chế nợ xấu. Hay người kinh doanh nhỏ khi đi vay món nhỏ sẽ chịu lãi suất cao hơn so với người kinh doanh lớn vay món lớn. Bởi chi phí vận hành một món vay NHTM phải chi ra dù nhỏ hay lớn đều như nhau…
Nay NHNN quy định rõ một số lĩnh vực các NHTM có thể áp dụng lãi suất thỏa thuận để gỡ khó cho cả bên cho vay lẫn người đi vay. Còn việc lãi suất cho vay dù có thỏa thuận cũng không thể nào cao được vì các NHTM đang phải cạnh tranh rất gay gắt trong nền kinh tế thị trường. Đồng thời, trong Thông tư 39, NHNN quy định rõ nội dung thỏa thuận về lãi suất cho vay bao gồm mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay.
Nói như vậy, năm 2017 rõ ràng thị trường có thể kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ ổn định và không tăng để hỗ trợ người vay?
Tôi không khẳng định lãi suất cho vay sẽ tăng sau khi các NHTM chính thức áp dụng Thông tư 39 vào tháng 3 tới đây chỉ vì cụm từ “lãi suất thỏa thuận”. Còn đối với xu hướng lãi suất cho cả năm 2017 sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Theo quan điểm cá nhân, tôi đánh giá năm 2017 nếu việc kinh doanh khởi sắc, thị trường ấm lên thì tăng trưởng tín dụng cá nhân cũng sẽ tăng cao. Trong đó, lãi suất cho vay sẽ khá ổn định, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ trở về thời kỳ của năm 2008-2009…
Xin cảm ơn ông!