Tại Việt Nam, khoảng 70% dân số đang sống ở các vùng nông thôn, là lực lượng lao động chủ yếu tham gia vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thương mại nhỏ. Việc tiếp cận nguồn tín dụng chính thức của các đối tượng này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do phần lớn hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ tập trung ở thành thị và các khu công nghiệp. Vì vậy, sự ra đời của hệ thống QTDND là hết sức cần thiết và có ý nghĩa về kinh tế - xã hội. Đây là mô hình do các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập với mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và phục vụ tiêu dùng nông thôn. Lợi thế của QTDND được tối đa hóa dành cho các thành viên của mình thông qua các món tiết kiệm (lãi suất thường cao hơn NHTM) và các món vay (thành viên dễ tiếp cận nguồn vốn của QTDND do thủ tục đơn giản và nhanh gọn).
QTDND được biết đến như là địa chỉ cung cấp vốn cho các đối tượng có năng lực tài chính yếu, khó tiếp cận được nguồn vốn của các NHTM. QTDND cũng là kênh huy động vốn nhàn rỗi tại chỗ để cấp vốn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần quan trọng vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, mở rộng dịch vụ ngành nghề, tạo công ăn việc làm cho người dân, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi và đẩy lùi một số tệ nạn ở nông thôn.
Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng là một lĩnh vực nhạy cảm với các “tin đồn”, và hoạt động của các QTDND cũng không ngoại lệ. Việc thiếu thông tin, hoặc thông tin chưa đầy đủ tới người dân, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa… làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động huy động vốn nhàn rỗi tại chỗ của các QTDND, do sự e ngại về an toàn trong hoạt động của loại hình dịch vụ tài chính ngân hàng đặc biệt này.
Để người dân có thêm thông tin về BHTG, với sự hỗ trợ của Chi nhánh NHNN và Chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã trên địa bàn, Chi nhánh BHTGVN khu vực ĐBSCL và một số QTDND ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã tổ chức các sự kiện tuyên truyền, phổ biến về quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền ngay tại địa bàn QTDND hoạt động. Tại các sự kiện này, người dân được cung cấp các thông tin về hoạt động của QTDND dưới sự kiểm tra, giám sát toàn diện và chặt chẽ của NHNN, sự hỗ trợ từ Ngân hàng Hợp tác xã, đặc biệt là đánh giá của chính quyền địa phương về vai trò của QTDND đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nơi mình sinh sống.
Gửi tiền tại các QTDND, ngoài việc được nhận lãi suất cao hơn các NHTM, thì quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền về BHTG cũng được bảo đảm như khách hàng gửi tiền tại các NHTM. Mặt khác, bà con gửi tiền tại các QTDND đều là thành viên của QTDND, là người cùng sở hữu, quản lý QTDND. Chính vì vậy, để đảm bảo tiền gửi của mình an toàn, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, việc tích cực hợp tác với cơ quan quản lý Nhà nước giám sát chặt chẽ quá trình hoạt động của QTDND là vô cùng cần thiết.
Mang tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm tại các QTDND còn là giúp bà con láng giềng có vốn làm ăn, đẩy lùi nạn tín dụng “đen”, tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo, ổn định trật tự xã hội, góp phần phát triển kinh tế địa phương thông qua việc mở mang dịch vụ, ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Thực tế cho thấy, từ nguồn vốn tín dụng do bà con tin tưởng gửi tại các QTDND đã giúp nhiều người vươn lên làm giàu chính đáng, cùng nhau xây dựng thành công mô hình nông thôn mới.