Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các Tổ chức tín dụng đang được Kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIV thảo luận, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) sẽ được giao thêm một số nhiệm vụ như tham gia đánh giá phương án phục hồi, thực hiện cho vay hỗ trợ đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng quy mô nhỏ… Nhân dịp này, phóng viên Thời báo Ngân hàng có bài phỏng vấn ông Nguyễn Quang Huy – Chủ tịch Hội đồng quản trị BHTGVN xung quanh một số vấn đề nói trên.
Xin ông cho biết đôi nét về nguồn lực tài chính của BHTGVN?
Nguồn vốn của BHTGVN được tích lũy dựa trên 4 cấu phần, gồm: vốn điều lệ do Nhà nước cấp, nguồn thu từ phí BHTG hàng năm, nguồn thu từ hoạt động đầu tư vốn tạm thời nhàn rỗi và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật. Trong đó, nguồn thu phí BHTG đóng góp một phần lớn vào nguồn lực tài chính của BHTGVN.
Hiện nay, việc thu phí BHTG đang được thực hiện như thế nào, thưa ông?
BHTGVN đang thu phí từ các tổ chức tham gia BHTG với mức phí đồng hạng là 0,15% tính trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG.
Luật BHTG được Quốc hội Khóa XIII thông qua năm 2012 đã quy định cách tính và thu phí BHTG trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức tham gia BHTG. Xin ông cho biết, việc chuyển đổi phương pháp thu phí được thực hiện như thế nào?
Theo khảo sát thường niên của Hiệp hội BHTG Quốc tế (IADI) năm 2014, có khoảng trên 60% tổ chức BHTG chỉ áp dụng thu phí đồng hạng, gần 30% chỉ áp dụng thu phí phân biệt (hay còn gọi là thu phí BHTG trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức tham gia BHTG), và khoảng 10% áp dụng song song cả 2 hình thức phí trên. Mỹ là một trong những nước đã áp dụng phương pháp thu phí phân biệt, trong khi một số nước khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan… hiện vẫn đang thu phí đồng hạng.
Thu phí phân biệt có ưu điểm là đảm bảo tính công bằng đối với các tổ chức tham gia BHTG, vì tổ chức nào hoạt động tốt hơn và rủi ro thấp hơn sẽ được hưởng mức phí thấp hơn và ngược lại, từ đó sẽ khuyến khích các tổ chức tham gia BHTG củng cố và nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro. Rủi ro đối với nguồn vốn của tổ chức BHTG cũng được giảm bớt khi hạn chế phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
Tuy nhiên, để áp dụng thu phí phân biệt, mọi quốc gia đều phải có những tính toán cẩn trọng với một lộ trình chuyển đổi phù hợp. Tại một số quốc gia đã áp dụng hệ thống phí BHTG phân biệt, thời gian từ khi chuẩn bị xây dựng đến khi áp dụng thường cần từ 3 tới 5 năm.
Vậy, hiện nay BHTGVN đã triển khai như thế nào trong việc hướng tới phương pháp thu phí này, thưa ông?
Quá trình xây dựng hệ thống phí BHTG mới phải trải qua nhiều bước: nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực tế Việt Nam, xin ý kiến các cơ quan liên quan, xin ý kiến các tổ chức tham gia BHTG và tính thử…
Giai đoạn vừa qua, BHTGVN đã tích cực nghiên cứu, đề xuất nhằm xây dựng lộ trình hợp lý trong việc triển khai hệ thống phí BHTG phân biệt trên cơ sở rủi ro. Cụ thể, BHTGVN đã và đang hoàn thiện việc nghiên cứu, xây dựng đề án và tính thử, đánh giá sơ bộ tác động của việc áp dụng hệ thống phí BHTG phân biệt, qua đó đề xuất với NHNN các phương án phù hợp. Chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng theo chỉ đạo của NHNN và Chính phủ để hoàn thiện đề án này một cách cẩn trọng, tính toán đầy đủ, tránh gây ra những tác động trái chiều lên thị trường.
Xin ông cho biết, để áp dụng việc thu phí trên cơ sở đánh giá, xếp hạng tổ chức tham gia BHTG, cần lưu ý những điểm lớn nào?
Để áp dụng thu phí BHTG phân biệt trên cơ sở rủi ro, việc đánh giá, xếp loại các tổ chức tham gia BHTG có ý nghĩa quan trọng. Quá trình này phải đảm bảo minh bạch, cơ bản phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế trên cơ sở dữ liệu đầu vào do các tổ chức tham gia BHTG cung cấp và các tổ chức tham gia BHTG được quyền có ý kiến về việc xếp loại đối với tổ chức của mình.
Đối với phương pháp tính phí, bên cạnh rủi ro của từng tổ chức tham gia BHTG, cần tính toán mức phí trong tương quan với tầm ảnh hưởng của rủi ro đó đối với toàn hệ thống để đưa ra mức phí khác biệt rõ rệt. Như vậy mới có thể đảm bảo được sự công bằng, duy trì kỷ luật thị trường, đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức tham gia BHTG có thể khắc phục, xử lý rủi ro và cải thiện các chỉ số an toàn nhưng không tạo ra áp lực quá lớn về tài chính lên các tổ chức này.
Bên cạnh đó, tổ chức BHTG cần chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực cần thiết nhằm đảm bảo quản trị tốt hệ thống tính và thu phí phân biệt, đặc biệt là nguồn nhân lực và công nghệ thông tin.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc chuyển đổi từ phí đồng hạng sang phí phân biệt phải tính tới và xử lý tốt các tác động trái chiều. Quá trình này nên được thực hiện khi tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái an toàn, lành mạnh và ít rủi ro.
Xin cảm ơn ông!