Công tác xây dựng, ban hành văn bản quản trị, điều hành của DIV phù hợp với văn bản pháp quy của Nhà nước để triển khai trong thực tiễn hoạt động là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của DIV. Tuy không phải là cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng yêu cầu đặt ra trong công tác xây dựng văn bản của DIV là rất cao, phải đảm bảo đúng chức năng, không chồng chéo, không trái với quy định của pháp luật, có hiệu lực thi hành đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG) trong cả nước, phù hợp với trình độ quản lý của các tổ chức tín dụng cũng như trình độ hiểu biết của người gửi tiền.
Chính vì vậy, DIV luôn tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng và ban hành văn bản quản trị, điều hành. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng, ban hành văn bản để phù hợp với Luật BHTG và các văn bản có liên quan là yêu cầu cấp bách cần triển khai ngay để đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành và hoạt động của DIV.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trên, ngày 04/8/2016 Hội đồng quản trị DIV đã có Quyết định số 542/QĐ-BHTG Ban hành Quy chế ban hành văn bản quản trị, điều hành của DIV. Quyết định này thay thế Quyết định số 423/QĐ-BHTG-HĐQT ngày 08/12/2014 của Hội đồng quản trị. Quy chế mới có một số điểm mới so với Quy chế cũ như sau:
Thứ nhất, bổ sung một điều (Điều 3) về giải thích từ ngữ cho cụ thể, rõ ràng, thống nhất
Trong đó có điểm cần lưu ý là quy định về trình cấp có thẩm quyền tại khoản 6: “Trình cấp có thẩm quyền là việc người chỉ đạo xây dựng trình Hội đồng quản trị đối với văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng quản trị; đơn vị chủ biên trình Tổng giám đốc (có xác nhận của người chỉ đạo xây dựng) đối với văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Tổng giám đốc”.
Thứ hai, sửa đổi trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện chương trình xây dựng văn bản
Trước đây các đơn vị, cá nhân (chủ biên, Phòng Pháp chế, Tổng giám đốc) có trách nhiệm báo cáo tiến độ xây dựng văn bản theo quý thì nay theo Quy chế mới các đơn vị, cá nhân phải báo cáo tiến độ theo tháng (chậm nhất ngày 05 hàng tháng, các đơn vị chủ biên có trách nhiệm gửi Phòng Pháp chế tình hình, tiến độ xây dựng văn bản được giao).
Quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của đơn vị chủ biên trong việc thực hiện chương trình xây dựng văn bản. Căn cứ vào báo cáo tiến độ hàng tháng của chủ biên, đơn vị tổng hợp sẽ theo dõi được văn bản xây dựng có đúng tiến độ so với kế hoạch soạn thảo ban đầu mà chủ biên đăng ký hay không (theo quy định, kế hoạch soạn thảo văn bản phải dự kiến tối thiểu các thời điểm: Xây dựng đề cương, xây dựng dự thảo văn bản, lấy ý kiến đối với dự thảo, gửi Phòng Pháp chế thẩm định dự thảo, trình cấp có thẩm quyền ký ban hành văn bản).
Thứ ba, bổ sung quy trình “xây dựng và trình phê duyệt đề cương sơ bộ của văn bản” vào quy trình soạn thảo văn bản
Theo quy định trước đây, đơn vị chủ biên chủ động trong việc nghiên cứu xây dựng đề cương, xây dựng dự thảo, không phải trình phê duyệt đề cương. Tuy nhiên, qua thực tiễn xây dựng văn bản, do không có sự định hướng của cấp có thẩm quyền trước khi xây dựng văn bản nên có một số văn bản đã xây dựng dự thảo văn bản qua nhiều bước, nhưng không phù hợp với định hướng xây dựng của cấp có thẩm quyền nên phải chỉnh sửa dự thảo và thực hiện lại quy trình xây dựng văn bản (như xin ý kiến lại của các đơn vị, Ban lãnh đạo...). Việc chỉnh sửa, xây dựng lại như vậy mất khá nhiều thời gian, dẫn đến chậm tiến độ ban hành văn bản.
Vì vậy, để khắc phục việc chậm tiến độ ban hành văn bản do không có sự định hướng của cấp có thẩm quyền trước khi xây dựng văn bản, Quy chế mới bổ sung quy trình “xây dựng và trình phê duyệt đề cương sơ bộ của văn bản” vào quy trình soạn thảo văn bản cho phù hợp. Theo đó, trước khi dự thảo văn bản, đơn vị chủ biên phải trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản phê duyệt đề cương của văn bản. Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo văn bản, đơn vị chủ biên có thể điều chỉnh nội dung, kết cấu của văn bản cho phù hợp, báo cáo người chỉ đạo xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Thứ tư, bổ sung một số quy định về thời gian trong quá trình xây dựng văn bản
Quy chế mới bổ sung một số quy định về thời hạn trong quá trình xây dựng văn bản để nâng cao trách nhiệm của chủ biên cũng như cá nhân, đơn vị liên quan trong việc xây dựng văn bản, gồm:
- Thời hạn lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan thuộc DIV: tối thiểu là 03 ngày làm việc đối với văn bản ít phức tạp, tối thiểu 05 ngày làm việc đối với văn bản phức tạp (điểm khoản 2 Điều 14);
- Thời hạn xin ý kiến Ban lãnh đạo là 07 ngày làm việc (khoản 3 Điều 15);
- Thời hạn cho ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền là 10 ngày làm việc (khoản 3 Điều 16);
- Thời hạn tiếp thu, chỉnh sửa, giải trình của chủ biên khi nhận được ý kiến của cấp có thẩm quyền là 05 ngày làm việc (khoản 4 Điều 16);
- Thời hạn chủ biên tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định là 05 ngày làm việc.
Thứ năm, bổ sung quy trình soạn thảo, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn
Quy chế mới bổ sung quy trình soạn thảo, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu quản trị, điều hành, hoạt động.
* Các trường hợp soạn thảo, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn gồm:
- Trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo quyết định của cấp có thẩm quyền;
- Trường hợp cần sửa đổi ngay theo quyết định của cấp có thẩm quyền để phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành;
- Trường hợp văn bản sửa đổi, bổ sung.
* Thời gian soạn thảo, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn ngắn hơn quy trình thông thường vì:
- Không phải trình duyệt đề cương;
- Lấy ý kiến cá nhân, đơn vị liên quan nếu xét thấy cần thiết và đồng thời xin ý kiến Ban lãnh đạo (quy trình thông thường thì sau khi xin ý kiến các đơn vị thuộc DIV, tổng hợp, chỉnh sửa mới xin ý kiến Ban lãnh đạo);
- Các bước trong từng quy trình có thời hạn ngắn hơn: lấy ý kiến đơn vị thuộc DIV và Ban lãnh đạo trong thời hạn tối đa 3 ngày (trong khi quy trình thông thường lấy ý kiến các đơn vị tối thiểu 3-5 ngày, xin ý kiến Ban lãnh đạo trong 07 ngày làm việc); tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến tối đa 05 ngày làm việc (quy trình thông thường là 15 ngày); thẩm định tối đa trong 03 ngày làm việc (quy trình thông thường là 07 ngày).
Kết luận
Trên đây là một số điểm mới của Quy chế ban hành văn bản quản trị, điều hành. Quy chế mới được ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và yêu cầu quản lý, nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cao trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong việc xây dựng văn bản.
Vì vậy, các đơn vị, cá nhân thuộc DIV có trách nhiệm tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản quy định tại Quy chế ban hành văn bản quản trị, điều hành của DIV ban hành kèm theo Quyết định số 542/QĐ-BHTG ngày 04/8/2016.