Thực tiễn hoạt động ngân hàng cho thấy tình trạng bất ổn trong kinh doanh ngân hàng có khả năng lan truyền nhanh và có tác hại nghiêm trọng đối với hoạt động ngân hàng ở một địa phương, một quốc gia và có thể ảnh hưởng ở phạm vi rộng hơn. Nhu cầu đảm bảo ổn định và phát triển bền vững hoạt động ngân hàng nảy sinh cơ chế thực thi chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG). Triển khai hiệu quả hoạt động BHTG mang lại lợi ích cho người gửi tiền, ngân hàng và nền kinh tế. Mặc dù vậy, hoạt động BHTG cũng có những hạn chế cần được nhận thức đầy đủ và có biện pháp kiểm soát chặt chẽ.Trong quá trình triển khai hoạt động BHTG – một trong các giải pháp tối ưu thúc đẩy ổn định hoạt động ngân hàng thông qua việc phòng tránh đổ vỡ có tính dây chuyền - một số rủi ro từ đó cũng phát sinh, có thể kể đến: Rủi ro đạo đức, Rủi ro chọn nhầm đối tượng và Rủi ro của tổ chức BHTG.
Rủi ro đạo đức
Rủi ro đạo đức do cơ chế BHTG tạo nên là việc cư xử bất cẩn hoặc trục lợi khi tiếp cận hay thực hiện các dịch vụ ngân hàng của các đối tác thụ hưởng chính sách BHTG.
Một biểu hiện của cư xử thiếu đạo đức đó là khi người gửi tiền được bảo hiểm hoặc tin tưởng là được bảo hiểm, họ sẽ ít quan tâm tới việc thu thập thông tin để kiểm soát hoạt động của ngân hàng nơi gửi tiền. Do đó, một số ngân hàng yếu kém có thể huy động tiền gửi với mức lãi suất không tương xứng với mức độ rủi ro mà ngân hàng đó có thể gây nên.
Mặt khác, cư xử thiếu đạo đức cũng có thể phát sinh do hiện tượng các ngân hàng khi tham gia BHTG cho rằng sẽ không bao giờ đổ vỡ ngân hàng, dẫn đến việc chấp nhận rủi ro cao hơn, từ đó ngân hàng sẽ giảm vốn và dự trữ gây khó khăn hơn trong việc giải quyết các vấn đề về thanh khoản, đặc biệt là khi xảy ra khủng hoảng. Nhiều đối tượng khác cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp của hoạt động BHTG và vì vậy, có thể có liên quan tới rủi ro về cư xử thiếu đạo đức.
Rủi ro đạo đức sẽ ảnh hưởng tới quy luật cung cầu về tiền gửi và làm nguy hại tới tính ổn định hoạt động ngân hàng.
Rủi ro lựa chọn nhầm đối tượng
Rủi ro gây nên chi phí chi trả BHTG xuất phát trước tiên từ phía tổ chức tham gia BHTG. Tổ chức BHTG có thể dựa trên nhiều phương pháp để xác định được phần nào rủi ro từ phía các tổ chức tham gia BHTG. Bên cạnh đó, chính sách BHTG có đặc thù không loại trừ tuyệt đối thụ hưởng nên một số lớn các tổ chức tham gia BHTG có mức độ rủi ro thấp, có uy tín và có tiềm lực tài chính có xu hướng không muốn tham gia BHTG. Ngược lại, những ngân hàng yếu, hoạt động rủi ro cao thường cần sự bảo trợ của BHTG để tăng uy tín và phòng tránh rủi ro (chuyển rủi ro của họ sang cho tổ chức BHTG). Chính việc không có đầy đủ thông tin về các ngân hàng và không thể kiểm soát tất cả hoạt động của khách hàng ngay cả khi các ngân hàng thuộc đối tượng tham gia BHTG khiến tổ chức BHTG vấp phải rủi ro lựa chọn nhầm đối tượng tham gia BHTG.
Rủi ro chọn nhầm đối tượng tham gia BHTG gây khó khăn cho tổ chức BHTG về tài chính và phá vỡ cơ chế cộng đồng tương trợ, cơ chế đảm bảo sự bền vững của hoạt động BHTG. Để phòng tránh rủi ro lựa chọn nhầm đối tượng, các quốc gia triển khai hoạt động BHTG thường có qui định tham gia BHTG là bắt buộc đối với tất cả các tổ chức có hoạt động huy động tiền gửi.
Rủi ro của tổ chức BHTG
Tổ chức BHTG được đánh giá là tổ chức hoạt động hiệu quả khi đạt được những mục tiêu cơ bản của hoạt động BHTG đã đề ra. Để thực hiện được các mục tiêu đó, ba khía cạnh sau đây của tổ chức BHTG cần được đảm bảo: (i) Mô hình tổ chức, (ii) Vốn hoạt động, và (iii) Vai trò và chức năng của tổ chức BHTG. Việc không đảm bảo ba yếu tố này của một tổ chức BHTG sẽ được coi là rủi ro của tổ chức BHTG.
(i) Rủi ro về mô hình tổ chức
Rủi ro về mô hình tổ chức phản ánh tình trạng xây dựng mô hình tổ chức BHTG không phù hợp và gây khó khăn cho quá trình thực hiện hiệu quả vai trò và chức năng đề ra. Nghiên cứu của Choi (2000) cho biết để tổ chức BHTG hoạt động có hiệu quả, tổ chức đó phải chiếm được niềm tin của công chúng, vì vậy, ở chừng mực nhất định, tổ chức BHTG cần được thành lập theo hình thức là tổ chức công, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Với cách tổ chức như vậy, chi phí về hoạt động BHTG mà người gửi tiền, tổ chức huy động tiền gửi và người đóng thuế phải chịu sẽ được giảm tối đa.
Bên cạnh hình thức tổ chức công, ở một số nước hoạt động BHTG có thể được thành lập theo hình thức sở hữu tư nhân hoặc liên doanh giữa nhà nước và tư nhân. Ở các nước có hệ thống ngân hàng phát triển lâu đời, việc thực thi các kỷ cương thị trường có tính tự giác cao, mỗi ngân hàng có vốn tự có lớn, có môi trường pháp lý đầy đủ cho cạnh tranh bình đẳng, Ngân hàng Trung ương hoạt động độc lập với điều hành của chính phủ của quốc gia đó thì tổ chức BHTG có thể phù hợp với mô hình sở hữu phi chính phủ dưới hình thức là một tổ chức hoạt động theo hình thức hiệp hội.
(ii) Rủi ro về thiếu vốn hoạt động
Vốn hoạt động của tổ chức BHTG cần được đảm bảo đầy đủ để cho phép tổ chức BHTG duy trì bộ máy vận hành hiệu quả, thực hiện kịp thời các hoạt động hỗ trợ đối với tổ chức tham gia BHTG và thực hiện chi trả kịp thời cho người gửi tiền khi có ngân hàng bị đóng cửa và mất khả năng thanh toán. Khi các ngân hàng phải đóng cửa thì trách nhiệm tài chính đặt ra đối với tổ chức BHTG lại cấp bách và nặng nề hơn, phải thực hiện chi trả tiền bảo hiểm.
Trong trường hợp tổ chức BHTG không đủ khả năng tài chính để thực hiện trách nhiệm chi trả tiền bảo hiểm kịp thời cho người gửi tiền, tình trạng khó khăn của ngân hàng và tổ chức BHTG sẽ đe doạ sự ổn định của nhiều ngân hàng khác. Người gửi tiền sẽ hoang mang và ảnh hưởng tới tâm lý của cộng đồng người gửi tiền nói chung. Hậu quả có thể sẽ dẫn đến việc hoảng sợ, rút tiền gửi ồ ạt, dẫn đến khó khăn cho nhiều ngân hàng và dẫn đến đóng cửa ngân hàng hàng loạt. Trước tình trạng đó, tổ chức BHTG bị đóng cửa cũng là điều khó tránh khỏi. Sự kiện đóng cửa của các chương trình BHTG tại tám bang ở Mỹ trong những năm 1907-1930 là ví dụ điển hình về hiện tượng các tổ chức BHTG thiếu vốn để chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền.
iii) Rủi ro về vai trò và chức năng của tổ chức BHTG
Việc qui định không đầy đủ hoặc thiếu tính hiệu lực trong việc thực thi vai trò và chức năng của tổ chức BHTG sẽ làm cho tổ chức đó không đạt được mục tiêu hoạt động đã đề ra. Hiện tượng đó chính là biểu hiện của rủi ro về vai trò và chức năng của tổ chức BHTG. Nếu tổ chức BHTG chỉ đơn thuần thực hiện việc quản lý quỹ để thực hiện việc chi trả BHTG sẽ không thể đạt được mục tiêu của họ khi có khủng hoảng ngân hàng.
Với mục tiêu nâng cao niềm tin công chúng đối với hoạt động ngân hàng, công cụ chính sách BHTG thực thi bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền theo 2 hình thức, bảo vệ trực tiếp và bảo vệ gián tiếp. Bảo vệ trực tiếp được thực hiện thông qua chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi khi tổ chức tham gia BHTG mất khả năng thanh toán và chấm dứt hoạt động. Bảo vệ gián tiếp được thực hiện thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, cảnh báo tổ chức tham gia BHTG để đảm bảo kiểm soát rủi ro trong hoạt động của tổ chức tham gia BHTG. Chính vì vậy, trên cơ sở những kinh nghiệm quốc tế về các rủi ro được định vị đối với tổ chức BHTG, BHTGVN có thể tham khảo để triển khai hiệu quả chính sách BHTG, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền và duy trì an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng.
TS. Nguyễn Thị Kim Oanh
Phạm Phúc Đăng Khoa
Tài liệu tham khảo
1. Choi J. B. (2000), Structuring a Deposit Insurance System from the Asian Perspective.
2. Cull R. (1998), The Effect of Deposit Insurance on Financial Depth: A Cross – Country Analysis
3. Federal Deposit Insurance Corporation (FDIC) (1998), A Brief History of Deposit Insurance in the United States
4. https://ww5.fdic.gov/hsob/hsobrpt.asp
5. Garcia G. G. H. (2000), Deposit Insurance: Actual and Good Practices, Occasional paper 197, International Monetary Fund, Washington DC
6. Nguyễn Thị Kim Oanh (2004), Bảo hiểm tiền gửi: Nguyên lý, thực tiễn và định hướng, Nhà Xuất bản Lao động – Xã hội