Trong hai ngày 16 và 17/4/2018 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề “Vai trò của tổ chức BHTG đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm quy mô vừa và nhỏ” và Hội nghị thường niên lần thứ 16 của Ủy ban châu Á – Thái Bình Dương (APRC) – Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) do BHTG Việt Nam (DIV) đăng cai tổ chức.
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo IADI, APRC, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Về phía Việt Nam, có sự tham dự của Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú.
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo |
Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch HĐQT DIV Nguyễn Quang Huy - Phó Chủ tịch APRC bày tỏ vinh dự khi DIV được chọn là đơn vị chủ nhà tổ chức Hội nghị thường niên và Hội thảo quốc tế APRC - một sự kiện quan trọng đối với các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và IADI nói chung, sau 11 năm kể từ sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2007.
Nhìn lại quá trình phát triển của hệ thống các TCTD tại Việt Nam trong thời gian qua, ông Nguyễn Quang Huy đánh giá, hệ thống các TCTD ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò huyết mạch trong nền kinh tế, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội. Trong đó phải kể đến vai trò của các tổ chức tài chính vừa và nhỏ, điển hình là các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND). Sau khi được tái cơ cấu và tổ chức lại, hệ thống các QTDND tại Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc huy động nguồn vốn phục vụ thành viên phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Hiện có tới 1.177 QTDND tham gia BHTG trong tổng số 1.275 tổ chức tham gia BHTG (chiếm tỷ trọng trên 92%). Việc tham gia BHTG đã giúp nâng cao vị thế, củng cố niềm tin cho hệ thống QTDND phát triển hoạt động. Sự lớn mạnh của các QTDND đã góp phần lành mạnh hóa các quan hệ tài chính ở các vùng nông thôn và giải quyết nhu cầu vốn tại chỗ cho sản xuất kinh doanh, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Khẳng định, cũng như nhiều tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới, DIV có vai trò vô cùng quan trọng đối với các QTDND, ông Huy cho biết, DIV đã đồng hành cùng hệ thống QTDND từ khi bắt đầu hoạt động, trong giai đoạn hoạt động bình thường và khi gặp khó khăn…
Trong bối cảnh quá trình tái cơ cấu các TCTD tại Việt Nam đang diễn ra một cách toàn diện, đặc biệt sau khi Luật sửa đổi Luật các TCTD được ban hành, DIV đã có cơ sở pháp lý để có thể tham gia sâu, rộng hơn, hỗ trợ hữu hiệu hơn đối với hoạt động của QTDND, đặc biệt là cho vay hỗ trợ, giải quyết nhu cầu về thanh khoản, giúp ổn định kịp thời hoạt động của QTDND khi lâm vào khó khăn.
Chính vì vậy, lãnh đạo DIV thêm lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa Hội nghị thường niên lần thứ 16 và Hội thảo quốc tế APRC 2018 là cơ hội để đại biểu tham dự chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong việc hỗ trợ, giám sát và xử lý các tổ chức tham gia BHTG quy mô vừa và nhỏ để từ đó đề xuất chính sách nhằm nâng cao vai trò của tổ chức BHRG đối với những tổ chức này.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, trong những năm vừa qua và hiện nay, DIV đã và đang trở thành công cụ quan trọng trong việc giám sát, tham gia quản lý nhằm mục tiêu ổn định an toàn hệ thống. Trong bối cảnh đó, Phó Thống đốc tin tưởng rằng hội thảo quốc tế với chủ đề “Vai trò của tổ chức BHTG đối với các tổ chức tham gia BHTG quy mô vừa và nhỏ” được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần này chắc chắn sẽ có nhiều nội dung hữu ích đối với DIV. Đây cũng là cơ hội tốt cho việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm được tổng kết và đánh giá từ thực tiễn của Việt Nam với các tổ chức BHTG trong cả khu vực.
Chia sẻ thêm thông tin với các diễn giả quốc tế, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Chính phủ và NHNN Việt Nam đang tích cực triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, trong đó xác định vai trò ngày càng quan trọng của DIV trong việc xử lý các TCTD yếu kém có quy mô nhỏ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các TCTD, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, từ đó đảm bảo ổn định xã hội.
Trong thời gian tới, NHNN Việt Nam sẽ tiếp tục tư vấn cho Chính phủ để ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện để DIV đóng góp nhiều hơn vào quá trình tái cấu trúc hệ thống các TCTD và tăng cường công cụ giám sát an toàn hệ thống các TCTD, nhất là các TCTD vừa và nhỏ.
“Trước cơ hội và thách thức trong việc triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, tôi hy vọng DIV sẽ phát huy nội lực và tranh thủ thời cơ để nâng cao vai trò, vị thế của mình trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, phát triển thành một tổ chức bảo hiểm tiền gửi hiệu quả, hiện đại, ngày càng hội nhập sâu rộng và tiến gần hơn với thông lệ và chuẩn mực quốc tế”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú bày tỏ và khẳng định: “Với vai trò Ngân hàng Trung ương, chúng tôi luôn cam kết dành sự quan tâm ủng hộ toàn diện cho hoạt động của DIV nói riêng và chương trình hành động hợp tác của IADI nói chung”.
Theo chương trình, Hội nghị sẽ diễn ra trong vòng 2 ngày, bao gồm 5 phiên, trong đó 3 phiên về các vấn đề liên quan tới hoạt động của tổ chức BHTG đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vừa và nhỏ, cụ thể là những vấn đề như giám sát, kiểm tra, hỗ trợ, xử lý, thanh lý các tổ chức này. Hội thảo cũng giành 2 phiên bàn về việc phát triển hệ thống BHTG hiệu quả thông qua thúc đẩy, đánh giá các hệ thống BHTG theo bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả. Việc tăng cường áp dụng bộ nguyên tắc cơ bản là một trong những mục tiêu hàng đầu của IADI, đã được đề cập đến trong Chiến lược phát triển của IADI giai đoạn 2016-2019. Chương trình hỗ trợ kỹ thuật tự đánh giá (SATAP) là một trong những sáng kiến của IADI nhằm thực hiện mục tiêu trên.
Được biết, thời gian qua đã có một số nước thực hiện SATAP, trong đó có Việt Nam. Kết quả của chương trình này mang lại nhiều lợi ích cho DIV nói riêng và hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam nói chung. Đây là cơ hội giúp DIV tự đánh giá chính sách bảo hiểm tiền gửi và hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo “Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả” được cập nhật mới nhất hồi tháng 11/2014, từ đó giúp đưa ra những khuyến nghị và đề xuất với Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ nhằm củng cố chính sách bảo hiểm tiền gửi cũng như hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Thứ hai, những đánh giá và khuyến nghị trên sẽ góp phần giúp DIV hoàn thiện bản “Chiến lược phát triển DIV đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Vì sự cần thiết và tính thời sự của chương trình SATAP như vậy, đây cũng là một nội dung quan trọng cần đưa vào Hội nghị lần này.