Tham dự hội thảo về phía Việt Nam có ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN),đại diện Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng - NHNN, đại diện một số Vụ, Cục thuộc NHNN, đại diện một số cơ quan, ban, ngành ở Trung ương.Về phía IADI có ông Kasunori Mikuniya – Chủ tịch IADI, Thống đốc Tổng công ty BHTG Nhật Bản; ông David Walker – Tổng thư ký IADI; lãnh đạo APRC. Hội thảo quốc tế còn ghi nhận sự tham dự của các đại biểu từ các tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) quốc tế là thành viên của APRC cũng như IADI.
Về phía DIV, có ông Nguyễn Quang Huy – Phó Chủ tịch APRC-IADI, Chủ tịch HĐQT và các thành viên HĐQT; ông Đào Quốc Tính – Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc và các thành viên Ban Điều hành; các Kiểm sát viên; đại diện lãnh đạo các phòng, ban tại Trụ sở chính và Chi nhánh.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN khẳng định, với vai trò là cơ quan quản lý khu vực ngân hàng Việt Nam, NHNN ủng hộ và đánh giá cao việc APRC – IADI đã lựa chọn Việt Nam là nơi tổ diễn ra Hội nghị và DIV là cơ quan đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên APRC lần thứ 16 và Hội thảo Quốc tế. Đây sẽ là cơ hội tốt để DIV, các cơ quan quản lý, giám sát tài chính Việt Nam tăng cường kết nối với cơ quan BHTG các nước, đồng thời tạo diễn đàn để các đại biểu tham dự trao đổi, cập nhật kinh nghiệm phát triển hệ thống BHTG hiệu quảcủa các nước trong khu vực cũng như thảo luận về biện pháp triển khai các nội dung, sáng kiến hợp tác của APRC và IADI.
Phó Thống đốc cho biết, hiện tổng vốn tự có toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam đạt hơn 700.000 tỉ đồng (khoảng hơn 31 tỉ USD) và tổng tài sản toàn hệ thống đạt hơn 10 triệu tỉ đồng (trên 400 tỉ USD, gấp 2 lần GDP Việt Nam năm 2017).Trong sự phát triển chung của hệ thống tài chính - ngân hàng, các TCTD và nhỏ mà tiêu biểu là hệ thống QTDND đã phát triển nhanh chóng với 1.177 QTDND hoạt động ở 57/63 tỉnh khắp Việt Nam có tổng tài sản trên 100.000 tỉ đồng (trên 4,5 tỉ USD). Do đó, việc tăng cường sự hỗ trợ của tổ chức BHTG đối với các TCTD vừa và nhỏ là hết sức cần thiết.
Ông Nguyễn Quang Huy – Chủ tịch HĐQT DIV phát biểu khai mạc
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Huy - Chủ tịch HĐQT DIV bày tỏ vinh dự là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị thường niên và Hội thảo quốc tế Ủy ban Châu Á Thái Bình Dương. Ôngnhấn mạnh, đây là một sự kiện quan trọng đối với các tổ chức BHTG trong khu vực nói riêng và Hiệp hội BHTG quốc tế nói chung.Ông Nguyễn Quang Huy cũng chia sẻ, tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, có rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có loại hình tổchức tham gia bảo hiểm vừa và nhỏ tương tự QTDNDtạiViệt Nam như Ấn Độ, Philippines, Indonesia,… Tại các nước này, hệ thống tổ chức tín dụng vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các sảnphẩm, dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp phát triển nông thôn, hướng đến phát triển kinh tế quốc gia bền vững.Đối với các tổ chức tham gia BHTG vừa và nhỏ, các tổ chức BHTG thể hiện đầy đủ chức năng và nhiệm vụ của mình. Tại Việt Nam, số lượng tổ chức tham gia BHTG là QTDND chiếm tới 1.177 tổ chức trên tổng số 1.275 tổ chức tham gia BHTG (trên 92% số tổ chức tham gia BHTG tại Việt Nam), và đó cũng chính là lý do DIV – với tư cách thành viên đăng cai tổ chức Hội thảo đã đề xuất lựa chọn chủ đề “Vai trò của tổ chức BHTG đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm vừa và nhỏ” (Small and Medium–sized Indured Institutions – What We Can Do for Them)
Ông Katsunori Mikuniya – Chủ tịch IADI, Thống đốc Tổng công ty BHTG Nhật Bản (DICJ) phát biểu đề dẫn hội thảo cho biết, nếu như tại Việt Nam có hơn 1000 QTDND thì ở Nhật Bản, tính đến tháng 03/2018 có 565 tổ chức tham gia BHTG, trong đó có 148 tổ chức tín dụng hợp tác, 261 ngân hàng Shinkin (mô hình tương tự như QTDND) và 105 ngân hàng địa phương. Chủ tịch IADI nhấn mạnh, theo những gì ông đã trải qua, các cuộc khủng hoảng diễn ra theo nhiều cách khách nhau, cũng như các vấn đề khó lường thường xuất hiện đồng thời. Trong thời gian bình lặng cũng như giữa thời điểm khủng hoảng, đều có những khó khăn riêng đối với các tổ chức BHTG. Do đó, các tổ chức BHTG cần học hỏi từ quá khứ cũng như học hỏi lẫn nhau, tự trau dồi và rèn luyện bản thân giữa thời gian bình lặng với tầm nhìn tương lai. Hội thảo quốc tế lần này và các hoạt động của IADI là vô cùng quý giá và ý nghĩa đối với các tổ chức BHTG, đặc biệt càng bộc lộ rõ giá trị khi khủng hoảng ập tới.
Ông Katsunori Mikuniya phát biểu tại hội thảo
Trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế APRC– IADI, ngay sau phiên khai mạc, các đại biểu đã bước vào phiên thảo luận đầu tiên bàn về vai trò của tổ chức BHTG với các tổ chức tham gia bảo hiểm vừa và nhỏ dưới sự điều hành của ông Nguyễn Lĩnh Nam – Phó Tổng giám đốc DIV và các diễn giả: ông Fauzi Ichsan – Tổng giám đốc Tổng công ty BHTG Indonesia (IDIC); bà Josefina J. Velilla – Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty BHTG Philippines (PDIC); ông Kuanyshbek Abzhanov – Phó Chủ tịch Quỹ BHTG Kazakhstan (KDIF).
Ông Nguyễn Lĩnh Nam, ông Fauzi Ichsan, bà Josefina J. Velilla
và ông Kuanyshbek Abzhanov tại phiên làm việc đầu tiên
Phiên làm việc thứ hai của hội thảo tập trung vào các nghiệp vụ: kiểm tra, giám sát và hỗ trợ đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm vừa và nhỏ với sự tham gia của ông Jungsuk Suh – Trưởng nhóm, Phòng quản lý rủi ro Ngân hàng tiết kiệm, Tổng công ty BHTG Hàn Quốc (KDIC); ông Gerry Sociedade – Trưởng phòng, Văn phòng điều hành & Hợp tác quốc tế, Tổng công ty BHTG Canada (CDIC); bà Phạm Bảo Khánh – Phó Tổng giám đốc BHTG Việt Nam (DIV) và người điều hành là bà Maisha Goss-John – Cố vấn cấp cao Tổng công ty BHTG Liên bang Mỹ (FDIC).
Đại diện các tổ chức BHTG chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm về các nghiệp vụ BHTG đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm vừa và nhỏ
Phiên làm việc thứ ba – cũng là phiên làm việc cuối cùng thuộc mảng chủ đề liên quan tới vai trò của tổ chức BHTG với các tổ chức tham gia bảo hiểm vừa và nhỏ đặt trọng tâm vào quá trình xử lý, chi trả, thanh lý và quản lý tài sản của các tổ chức tham gia bảo hiểm vừa và nhỏ yếu kém. Các diễn giả tham gia trình bày tại phiên này gồm ông Takamasa Hisada – Phó Thống đốc, Tổng công ty BHTG Nhật Bản (DICJ); bà Ying Ying Lin - Trưởng phòng Xử lý, Tổng công ty BHTG Trung ương (CDIC); ông Nikolay Evstratenko - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cơ quan BHTG Nga (DIA). Ông Gerry Sociedade - Trưởng phòng, Văn phòng điều hành & Hợp tác quốc tế, Tổng công ty BHTG Canada (CDIC) điều hành phiên thảo luận này.
Các đại biểu đã đặt câu hỏi cho diễn giả nhằm trao đổi,
làm rõ thêm nhiều vấn đề liên quan tới nghiệp vụ BHTG
Các tổ chức BHTG luôn sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống
Sáng 17/4/2018, Hội thảo tiếp tục dành 2 phiên bàn về việc phát triển hệ thống BHTG hiệu quả thông qua thúc đẩy, đánh giá các hệ thống BHTG theo bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả. Việc tăng cường áp dụng bộ nguyên tắc cơ bản là một trong những mục tiêu hàng đầu của IADI, đã được đề cập đến trong Chiến lược phát triển của IADI giai đoạn 2016-2019. Chương trình hỗ trợ kỹ thuật tự đánh giá (SATAP) là một trong những sáng kiến của IADI nhằm thực hiện mục tiêu trên. Các chủ đề của 2 phiên này bao gồm: “Thúc đẩy áp dụng Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả” và “Kinh nghiệm thực hiện chương trình tự đánh giá tuân thủ Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả (SATAP) tại một số quốc gia”.
Ông David Walker – Tổng thư ký IADI nhấn mạnh, để thúc đẩy việc áp dụng Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả, việc đánh giá tuân thủ Bộ Nguyên tắc là vô cùng quan trọng và hữu ích. Đây cũng là công cụ thiết thực đối với các quốc gia trong quá trình triển khai, đánh giá hoặc chủ động cải cách hệ thống BHTG.
Ông David Walker – Tổng thư ký IADI phát biểu tại Hội thảo
Theo ông David Walker, tính đến cuối năm 2017, có 27 nước trên thế giới đã tiến hành đánh giá tuân thủ Bộ nguyên tắc cơ bản của IADI (hoặc đã thực hiện đánh giá Khu vực tài chính - FSAP). Tuy nhiên, việc đánh giá Bộ nguyên tắc phụ thuộc vào các vấn đề: Tính chất phức tạp và đa chiều; sự đa dạng về mặt nhiệm vụ của hệ thống BHTG; việc xếp hạng có đánh giá; kiểm soát chất lượng và tính nhất quán của các đánh giá.
Sau phát biểu đề dẫn của ông David Walker, các đại biểu bắt đầu các phiên thảo luận của ngày làm việc thứ hai. Nội dung phiên thảo luận thứ 4 tập trung vào việc thúc đẩy việc áp dụng Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả dưới sự điều hành của bà Yvonne Fan - Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu và Hướng dẫn của IADI, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Tổng công ty BHTG Trung ương (CDIC) cùng các diễn giả: ông Rafiz Abdullah - Tổng giám đốc Tổng công ty BHTG Malaysia (PDIM); ông Ronald Rulindo - Chuyên gia cao cấp Tổng công ty BHTG Indonesia (IDIC) và bà Maisha Goss-Johns - Cố vấn cấp cao Tổng công ty BHTG Liên bang Mỹ (FDIC).
Các diễn giả thảo luận về việc thúc đẩy áp dụng
Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả
Phiên thảo luận thứ 5 diễn ra dưới sự điều hành của ông David Walker – Tổng thư ký IADI, với phần chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chương trình SATAP tại một số quốc gia của các diễn giả: ông Sung Youn - Trưởng nhóm, Phòng Hợp tác quốc tế, Tổng công ty BHTG Hàn Quốc (KDIC); bà Josefina J. Velilla - Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty BHTG Philippines (PDIC) và bà Phan Thị Thanh Bình - Trưởng phòng NCTH&HTQT, DIV.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Nguyễn Quang Huy – Chủ tịch HĐQT DIV, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Á - Thái Bình Dương - IADI nhấn mạnh, 5 phiên làm việc tích cực của Hội thảo quốc tế APRC 2018 đã kết thúc với nhiều nội dung thiết thực, bổ ích do các diễn giả đại diện cho một số tổ chức BHTG khu vực trình bày, cụ thể: Vai trò của công tác giám sát, kiểm tra hay hỗ trợ các tổ chức tham gia BHTG vừa và nhỏ; Kinh nghiệm chi tiết về xử lý, chi trả, thanh lý và quản lý tài sản; Thúc đẩy việc áp dụng Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả và Kinh nghiệm thực hiện chương trình SATAP tại một số quốc gia. Đây chắc chắn sẽ là những bài học quý báu cho các tổ chức BHTG khu vực tham khảo và áp dụng phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế, hệ thống tài chính – ngân hàng và mô hình BHTG tại từng quốc gia.
“Việc áp dụng Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của IADI là một xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay và chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của IADI trong phổ biến và thúc đẩy triển khai Bộ nguyên tắc tại các tổ chức BHTG thành viên. Bên cạnh đó, thông qua công tác tự đánh giá tuân thủ Bộ nguyên tắc, chúng tôi - các tổ chức BHTG, sẽ luôn chủ động, linh hoạt và cập nhật được những xu thế về chính sách BHTG để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền và góp phần vào sự đảm bảo an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng cũng như nền kinh tế vĩ mô” - ông Nguyễn Quang Huy nhấn mạnh.
Tích cực trao đổi kinh nghiệm xây dựng mô hình BHTG hiệu quả