Cũng 500 triệu đồng nhưng gửi ngân hàng vào đầu tháng trước, chị Mai chỉ hưởng lãi tầm 2,7 triệu đồng mỗi tháng, trong khi hiện giờ là hơn 3,1 triệu đồng.
Sáng giữa tuần, chị Thu Mai đến chi nhánh một ngân hàng cổ phần trên đường 3/2, quận 10 (TP HCM) để gửi số tiền tiết kiệm 500 triệu đồng (tháng trước chị đã gửi một sổ với số tiền tương tự). Khách hàng này không giấu vẻ vui mừng khi cũng bằng ấy tiền nhưng gửi vào đầu tháng trước với kỳ hạn 12 tháng, chị chỉ được hưởng lãi suất 6,5%, tức tầm 2,7 triệu đồng một tháng. Nay số tiền được gần 3 triệu đồng mỗi tháng do lãi suất lên 7% một năm.
Bà Kim - cán bộ hưu trí tại quận 3 cũng bộc bạch: "Những người về hưu sống nhờ vào khoản tiền lãi gửi tiết kiệm là chủ yếu. Tuy mức tăng lên không nhiều nhưng nó cũng là một khoản đáng kể đối với chúng tôi".
Giai đoạn cuối năm Âm lịch, thực tế các ngân có động thái điều chỉnh tăng lãi suất huy động để hút khách gửi tiền. Cuối tuần trước, Ngân hàng Đông Á đã tăng lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn. Mạnh nhất là kỳ hạn 6 tháng với mức điều chỉnh 1,2%, lên 6,7%. Hiện tại, lãi suất cao nhất của DongA Bank là 7,5% với các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.
Cùng ngày, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank cũng áp biểu lãi suất huy động mới. Theo đó, khách hàng gửi từ 12 và 13 tháng được hưởng lãi suất 7%, tăng 0,1% so với trước. Những ai gửi trực tuyến sẽ được cộng thêm 0,1%, lên 7,1%. Như vậy, so với đầu tháng 12/2016, lãi suất của ngân hàng này đã tăng 0,5-0,6% sau hai lần điều chỉnh.
Hôm 5/1, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đã áp dụng biểu lãi suất mới với mức tăng 0,1-0,2% tùy kỳ hạn. Hiện lãi suất cao nhất của ngân hàng này là 7,5% với kỳ hạn 13 tháng khi khách gửi số tiền lớn. Trước đó vào giữa tháng 12/2016, Eximbank đã từng tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn một tháng lên 4,6% một năm, 3 tháng lên 5% mỗi năm và 6 tháng là 5,6%.
Ngoài ra, thị trường giai đoạn đó cũng ghi nhận việc điều chỉnh lãi suất của nhiều ngân hàng khác như TPBank, Techcombank... với mức cộng thêm 0,1-0,3% mỗi năm cho tiền gửi VNĐ ở một số kỳ hạn ngắn.
Về mặt chính sách, chủ trương chung của Ngân hàng Nhà nước và các nhà băng thương mại là cố gắng hạ lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Những tháng trước đó, lãi suất tiền gửi liên tục đi xuống. "Tuy nhiên, mấy tuần gần Tết Nguyên đán, có thể do nhu cầu chi lương thưởng của doanh nghiệp tăng cao, cũng như xu hướng rút tiền mua sắm Tết của người dân xuất hiện nên một số ngân hàng có động thái tăng lãi suất tiền gửi để thu hút khách gửi tiền, nhằm cân đối lại nguồn vốn", lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV đánh giá.
Dự báo về diễn biến lãi suất trong thời gian tới, các chuyên gia ngân hàng cho rằng, sẽ tiếp tục đứng ở mức cao và rất khó hạ. Bởi nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của các ngân hàng vẫn ở mức cao.
Trong hội nghị tổng kết ngành ngân hàng TP HCM ngày 17/1, Thống đốc Lê Minh Hưng nhìn nhận hệ thống tài chính Việt Nam hiện vẫn là nguồn cung ứng vốn cho nền kinh tế. 51% tổng tín dụng cấp ra là vốn trung, dài hạn nhưng tại các ngân hàng, chỉ có 12-15% tổng vốn huy động là có kỳ hạn tương đương.
Theo Thống đốc, cơ quan quản lý đã có lộ trình sửa đổi, tới đây sẽ xem xét vấn đề sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở các tổ chức tín dụng nghiêm túc hơn, tránh việc nhà băng chịu rủi ro cao khi bị các yếu tố bên ngoài tác động.
Thống đốc cũng thừa nhận, lãi suất đang đứng trước áp lực bởi ở giữa nhiều mục tiêu và đôi khi các mục tiêu này còn mâu thuẫn nhau. Vì vậy trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ dùng công cụ để kiểm soát ổn định mặt bằng, các nhà băng thương mại tập trung tiết giảm chi phí và giữ ổn định hoặc giảm lãi suất thời gian tới...