Khi kỳ nghỉ lễ năm 1913 đến gần, có một điều ngăn cách giữa cựu Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson và kỳ nghỉ ở vịnh Mexico. Quốc hội Mỹ vẫn đang tranh cãi về dự luật thành lập Cục dự trữ liên bang (Fed). Wilson đe dọa sẽ tổ chức họp Quốc hội trong cả kỳ nghỉ Giáng sinh cho tới khi dự luật được đặt lên bàn làm việc của ông để chờ ký.
100 năm sau, Fed vẫn phủ bóng đen lên kỳ nghỉ cuối năm với cuộc họp về chương trình mua trái phiếu với khối lượng lớn chưa từng có. Để hỗ trợ nền kinh tế, trong những năm gần đây, Fed đã giành mua vào hơn 3.000 tỷ USD trái phiếu thông qua 3 vòng nới lỏng định lượng (QE).
Rất nhiều người, trong đó có cả cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker, lo ngại rằng điều này sẽ gây nên hậu quả tiêu cực.
Fed ra đời
Nỗi lo sợ này không phải là điều mới mẻ. Ngay sau khi nước Mỹ được thành lập, Quốc hội đã hai lần có ý định thành lập một NHTW, nhưng nỗ lực này đã thất bại do vấp phải sự phản đối về việc tập trung quyền lực tài chính. Năm 1907, một công ty tín thác sụp đổ, khiến tiền bị rút ra ồ ạt khỏi các ngân hàng trên toàn nước Mỹ. Sự việc này hối thúc phải tìm ra một giải pháp cho tình trạng bất ổn của thị trường tài chính.
Quốc hội Mỹ đã thành lập một ủy ban với người đứng đầu là Thượng nghị sĩ đến từ đảng Cộng hòa Nelson Aldrich. Ủy ban này sẽ tham khảo ý kiến của các lãnh đạo ngân hàng và học hỏi kinh nghiệm từ các NHTW Anh, Đức và Pháp.
Ủy ban đề nghị thành lập một hiệp hội tư nhân gồm các ngân hàng được phép phát hành tiền tệ riêng cho các thành viên phải đối mặt với dòng vốn bị rút ra. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ đến từ đảng Dân chủ lo sợ rằng một NHTW được điều hành bởi các lãnh đạo ngân hàng sẽ kiểm soát toàn bộ nguồn cung tiền theo cách quá chặt chẽ, tín dụng dành cho các doanh nghiệp bị thắt chặt. Họ cho rằng chính phủ sẽ có thể thúc đẩy tính tự do nếu như chính phủ quản lý NHTW.
Trong quá trình chạy đua vào ghế Tổng thống năm 1912, Wilson – khi đó là nghị sĩ đảng Dân chủ - đã tấn công kế hoạch của Aldrich. Khi đã trúng cử và trở thành Tổng thống, ông chỉ đạo Quốc hội viết lại kế hoạch và giảm thiểu tầm ảnh hưởng của các lãnh đạo của 12 ngân hàng địa phương tạo nên mạng lưới của Fed. Ông cũng bổ sung thêm một hội đồng được bổ nhiệm bởi Tổng thống để giám sát 12 ngân hàng này.
Tiền tệ của Fed sẽ là nghĩa vụ của chính phủ chứ không phải của các ngân hàng. Do đó, những người lãnh đạo ngân hàng không đồng tình với cơ chế này. Tuy nhiên, Wilson vẫn kiên định với kế hoạch của mình và ký vào dự luật mà từ đó Fed ra đời vào ngày 23/12/1913.
Dẫu vậy, phạm vi hoạt động của Fed vẫn còn bị hạn chế. Nhiệm vụ của Fed chỉ đơn giản là cung cấp một “đồng tiền linh hoạt”. Khi các ngân hàng thiếu tiền mặt, họ có thể vay tiền từ Fed thông qua “cửa sổ chiết khấu”. Hệ thống này khiến Fed lâm vào thế bị động trước nhu cầu của nền kinh tế.
Ở thời điểm này, không ai hi vọng Fed có thể sử dụng quyền kiểm soát với nguồn cung tín dụng để định hình nền kinh tế.
Fed đầy quyền năng
Tuy nhiên, mọi thứ sớm thay đổi hoàn toàn. Trong những năm 1920, Fed bắt đầu mua và bán trái phiếu trên thị trường mở để điều chỉnh nguồn cung tín dụng vốn luôn biến động.
Trong suốt thời kỳ Đại khủng hoảng, Fed lại trở về thế bị động, hạn chế hoạt động trên thị trường mở và cho phép hàng ngàn ngân hàng sụp đổ. Nguyên nhân của hiện tượng này vẫn là điều gây nhiều tranh cãi, tuy nhiên có một điều chắc chắn: các ngân hàng không yêu cầu tín dụng và do đó Fed không làm điều đó, khiến thị trường tiền tệ bị thắt chặt bất chấp giá cả và sản lượng đều sụt giảm.
Năm 1932, cựu Tổng thống Franklin Roosevelt đắc cử và thực hiện đại tu toàn bộ hệ thống tài chính. Ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư hoàn toàn tách biệt, cơ chế bảo hiểm tiền gửi ra đời và Fed có nhiều quyền lực hơn đối với nền kinh tế. Fed có thể cho nhiều định chế tài chính vay tiền và nhận nhiều loại tài sản đảm bảo hơn. Ủy ban thị trường mở ra đời, có ảnh hưởng lớn đến “điều kiện tín dụng của nước Mỹ”.
Fed giúp nền kinh tế Mỹ thịnh vượng trong những năm 1950 và 1960. Tuy nhiên, quá chú trọng vào thị trường việc làm khiến Fed quên mất lạm phát. Tỷ lệ lạm phát tăng vọt lên mức hai con số trong những năm 1970. Tình trạng này buộc Quốc hội phải quy định lại hai nhiệm vụ của Fed vào năm 1977: ổn định giá cả và tạo việc làm.
Năm 1979, Volcker trở thành Chủ tịch Fed và đã thành công khi chiến đấu với lạm phát. Người kế nhiệm ông là Alan Greenspan đã duy trì tình trạng lạm phát ở mức thấp và thỉnh thoảng có những đợt suy thoái. Trong bối cảnh khủng hoảng ngân hàng lu mờ, “cửa sổ chiết khấu” của Fed không còn được sử dụng.
Đi ngược lịch sử?
Cuộc tranh luận hiện nay về vai trò của Fed có khá nhiều điểm tương đồng với những cuộc tranh luận năm 1913 và 1930. Khủng hoảng tài chính khiến những yếu điểm của hệ thống tài chính bộc lộ và dân chúng nổi giận với các ngân hàng.
Trong bối cảnh Tổng thống Obama ủng hộ tăng cường vai trò của chính phủ trong điều hành kinh tế và đặc biệt là hệ thống tài chính, Fed có nhiều quyền lực hơn bao giờ hết. Để chống lại khủng hoảng, Fed giải cứu các ngân hàng đầu tư, một công ty bảo hiểm… Fed cũng cắt giảm lãi suất xuống mức gần 0 và khi không còn giảm lãi suất được nữa, các vòng nới lỏng định lượng được sử dụng.
Đi kèm với đó cũng là nhiều trách nhiệm hơn. Đạo luật Dodd – Frank cho phép Fed quản lý không chỉ các ngân hàng mà bất kỳ định chế tài chính nào được coi là “quan trọng đối với toàn hệ thống’. Bằng cách chọn Janet Yellen là người kế nhiệm chức chủ tịch của Ben Bernanke, ông Obama mong muốn Fed sẽ tạo ra được nhiều việc làm hơn.
Dẫu vậy, không phải ai cũng vui mừng với điều này. Nhiều người cho rằng các gói QE sẽ tạo nên bong bóng tài sản hơn là việc làm. Volcker lo ngại rằng Fed có quá nhiều quyền hành và đã lạm dụng chúng. Gánh nặng trên vai Fed quá lớn.
Nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa đang chờ đợi ngày mà Washington giảm bớt quyền lực của Fed và tăng quyền lực của vàng. Một dự luật đang được các nghị sĩ đảng Cộng hòa đề cử với mục đích tước bỏ trách nhiệm của Fed đối với thị trường lao động, hạn chế khả năng mua trái phiếu của Fed và trao nhiều quyền hơn cho 12 chi nhánh địa phương.
Họ đang đi ngược lại dòng chảy của lịch sử. Cách đây 1 thế kỷ, Wilson tranh đấu để NHTW hỗ trợ toàn bộ nền kinh tế chứ không phải chỉ riêng phố Wall. Và, sau mỗi cuộc khủng hoảng, người tiền nhiệm của ông đều rút ra kết luận nước Mỹ cần Fed ngày càng to lớn hơn và hùng mạnh hơn.