Hội đồng khoa học gồm có TS. Đào Quốc Tính – Thành viên HĐQT – Tổng Giám đốc BHTGVN – Chủ tịch hội đồng và các thành viên: TS. Nguyễn Đình Lưu, TS.Vũ Văn Long, TS. Phạm Bảo Khánh – Phó Tổng Giám đốc; một số nhà khoa học: PGS. TS. Đào Minh Phúc – Tổng biên tập Tạp chí Ngân hàng; TS. Nguyễn Như Minh – Nguyên Phó Tổng giám đốc BHTGVN; đại diện lãnh đạo một số phòng, ban Trụ sở chính.
Trình bày trước Hội đồng khoa học, Ths. Ngô Quang Lương - Thành viên chuyên trách HĐQT, Chủ nhiệm đề tài “Hoàn thiện công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại BHTGVN” đã nêu sự cần thiết và giá trị thực tế của đề tài; mục đích, phương pháp và kết quả nghiên cứu. Với đề tài này, nhóm nghiên cứu đã khái quát được các cơ sở lý luận về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, quy trình đào tạo, chiến lược và các kinh nghiệm quốc tế; nêu ra thực trạng và giải pháp đối với hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại BHTGVN.
Đề tài này được Hội đồng khoa học đánh giá là có tính thiết thực, sẽ mang lại hiệu quả cao nếu triển khai vào thực tiễn tại BHTGVN.
Với đề tài “Phát triển bền vững hệ thống quỹ tín dụng nhân dân ở Việt Nam”, TS. Nguyễn Đình Lưu – Phó Tổng giám đốc, Chủ nhiệm đề tài đã nêu rõ được cơ sở lý luận về phát triển bền vững hệ thống QTDND; thực trạng tổ chức hoạt động của hệ thống QTDND ở Việt Nam và giải pháp phát triển bền vững hệ thống QTDND ở Việt Nam.
Hội đồng Khoa học đánh giá, đây là đề tài có tầm quốc gia, được nghiên cứu và xây dựng bài bản với các số liệu được tổng hợp qua nhiều năm nghiên cứu. Tính ứng dụng và thực tiễn của đề tài không chỉ dừng lại ở BHTGVN mà còn có thể ứng dụng ở các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. TS. Đào Quốc Tính cho rằng, đề tài này có thể nâng cấp lên thành đề tài cấp ngành, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của BHTGVN.
Đề tài nghiên cứu khoa học thứ ba do Ths. Lê Hùng Cường – Trưởng phòng Pháp chế làm chủ nhiệm có chủ đề: “Hoàn thiện quy định pháp luật về phá sản tổ chức tín dụng” đã nêu rõ được tính cấp thiết của đề tài, đặc biệt trong bối cảnh tái cấu trúc các tổ chức tín dụng đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Đề tài tập trung vào thực trạng quy định pháp luật về tổ chức tín dụng tại Việt Nam, trong đó nghiên cứu sâu vào các quy định pháp luật trước phá sản tổ chức tín dụng, kiểm soát đặc biệt, các biện pháp phục hồi và trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền... Đề tài nghiên cứu cũng kiến nghị Chính phủ và NHNN hoàn thiện quy định pháp luật về phá sản TCTD tại Việt Nam.
Đề tài này được Hội đồng khoa học đánh giá là đã đề cập được đến nhiều nội dung quan trọng của pháp luật về phá sản tổ chức tín dụng, đưa ra được các kiến nghị cụ thể.
Cả ba đề tài này đều được Hội đồng khoa học đánh giá cao, có thể hoàn thiện để áp dụng vào thực tiễn.