Các thị trường cũng đang tiếp tục phát triển về quy mô với 7,6 nghìn tỷ USD trái phiếu chưa thanh toán tại 9 nền kinh tế tính đến cuối tháng 3, tăng 2,1% so với quý trước và 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất theo quý trong khi Indonesia là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất theo năm. Các nền kinh tế châu Á mới nổi được định nghĩa bao gồm: Trung Quốc; Hồng Kông – Trung Quốc;Indonesia; Hàn Quốc; Malaysia; Philippines; Singapore; Thái Lan và Việt Nam.
Nhu cầu tăng lên khiến lợi tức trái phiếu đã giảm tại hầu hết các nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm nay. Trong đó, giảm mạnh nhất tại Indonesia và Việt Nam. Trong khi đó với bối cảnh lạm phát tăng, lợi tức trái phiếu tại Philippines đã tăng trong giai đoạn này .
“Hầu hết các thị trường trái phiếu ở các nền kinh tế châu Á mới nổi đã hồi phục lại xu hướng tăng trưởng. Mặc dù vậy, các trái phiếu của Thái Lan có thể đi ngược lại xu hướng này do những bất ổn chính trị gần đây” - Ông Iwan J. Azis, Trưởng Văn phòng Hội nhập Kinh tế khu vực của ADB nhận định.
Mặc dù có những cải thiện, Báo cáo cảnh báo rằng các thị trường vẫn có thể đi xuống do ảnh hưởng của việc Mỹ giảm quy mô chương trình mua trái phiếu; tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc suy giảm hay các biện pháp mà Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tiến hành để đối phó lại với nguy cơ giảm phát. “Châu Á chỉ có thể giảm nhẹ tác động của những rủi ro này bằng cách đi đầu trong việc thực thi tốt hơn các quy định và hoạt động giám sát hệ thống tài chính”, Báo cáo khuyến nghị.
Tại Việt Nam, việc phát hành với khối lượng lớn trái phiếu Chính phủ đã khiến thị trường trái phiếu này có tốc độ phát triển nhanh nhất trong số các nền kinh tế Đông Á mới nổi trong quý I năm 2014, tăng 23% so với quý trước và 17,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức kỷ lục 35 tỷ USD. Trong khi đó, thị trường trái phiếu công ty giảm 12,6% so với quý trước và 43,1% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 600 triệu USD.