Thứ nhất, về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền, Quy chế quy định nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng là tổ chức TGBHTG vẫn lâm vào trình trạng phá sản (mất khả năng thanh toán) hoặc NHNN có văn bản xác định Chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức TGBHTG mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền. So với quy định trước đây là khi tổ chức TGBHTG có Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấm dứt hoạt động và tổ chức đó mất khả năng thanh toán, quy định về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền nêu trên xảy ra sớm hơn, có nghĩa là quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền sẽ được BHTGVN bảo vệ sớm hơn, kịp thời hơn.
Thứ hai, về hồ sơ, thủ tục đề nghị chi trả tiền bảo hiểm, Quy chế đã quy định rõ ràng và đơn giản hơn về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức TGBHTG khi thực hiện. Theo quy định hiện hành, hồ sơ đề nghị chi trả tiền bảo hiểm chỉ còn 03 loại văn bản (trước đây là 06 loại văn bản), cụ thể: (i) Văn bản đề nghị trả tiền bảo hiểm (mẫu số 01/CTrBH); (ii) Danh sách người được bảo hiểm tiền gửi và số tiền bảo hiểm đề nghị chi trả tính đến ngày phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm; (iii) Bản sao văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng là tổ chức TGBHTG vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc văn bản xác định Chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức TGBHTG mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền. Quy chế còn quy định văn bản và danh sách đề nghị được gửi đồng thời bằng văn bản và file điện tử.
Thứ ba, về trách nhiệm của tổ chức tham gia BHTG, so với trước đây, Quy chế quy định nhiều nội dung nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức tham gia BHTG, cụ thể: (i) Phải gửi hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm cho BHTGVN trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ chi trả; (ii) Thực hiện đúng quy định của pháp luật, NHNN về bảo hiểm tiền gửi và các quy định có liên quan; (iii) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp lệ, hợp pháp, đầy đủ và chính xác của hồ sơ đề nghị trả tiền BHTG; (iv) Cung cấp đầy đủ hồ sơ, sổ sách, chứng từ và các văn bản, tài liệu có liên quan đến danh sách người được bảo hiểm theo yêu cầu của BHTGVN để phục vụ công tác kiểm tra và chi trả; (v) Xác nhận cho người được bảo hiểm tiền gửi khi sổ tiền gửi bị mất, rách, chắp vá không rõ ràng; hướng dẫn người được BHTG đối chiếu danh sách, số tiền bảo hiểm được chi trả và phản ánh các vướng mắc của người được BHTG đến BHTGVN; (vi) Phối hợp hỗ trợ BHTGVN xử lý các vướng mắc và khiếu nại của người được BHTG về chi trả bảo hiểm; (vii) Phối hợp với BHTGVN hoặc tổ chức được BHTGVN ủy quyền chi trả thực hiện tốt công tác chi trả; (viii) Báo cáo, đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan bảo vệ pháp luật nơi chi trả tiền bảo hiểm đảm bảo an ninh trật tự và an toàn tài sản trong thời gian chi trả tiền bảo hiểm; (ix) Xác nhận nợ với BHTGVN về số tiền phải trả cho người được BHTG.
Thứ tư, đối với người gửi tiền được bảo hiểm, Quy chế quy định rất cụ thể, rõ ràng liên quan đến các nội dung về: (i) Điều kiện để nhận tiền bảo hiểm; (ii) Giấy tờ hợp lệ, hợp pháp để nhận tiền bảo hiểm; (iii) Trình tự, thủ tục nhận tiền bảo hiểm tại địa điểm chi trả; (iv) Thời hạn nhận tiền bảo hiểm; (iv) Trách nhiệm của người được bảo hiểm tiền gửi, trong đó quy định về giấy tờ hợp lệ, hợp pháp để nhận tiền bảo hiểm bao gồm:
1. Chứng minh nhân dân (Căn cước công dân) hoặc hộ chiếu của người được BHTG phải còn thời hạn;
2. Trường hợp người nhận tiền từ sổ tiền gửi thuộc sở hữu chung của nhiều người, phải có văn bản thỏa thuận hợp pháp về việc phân chia số tiền bảo hiểm của các đồng sở hữu hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc phân chia số tiền bảo hiểm;
3. Trường hợp người thừa kế của người được BHTG và các trường hợp khác khi nhận tiền bảo hiểm, ngoài việc xuất trình sổ tiền gửi, giấy tờ tùy thân theo quy định của BHTGVN còn phải xuất trình các giấy tờ theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, về việc xác định số tiền được bảo hiểm, Quy chế quy định tổng số tiền gửi được bảo hiểm của một người là toàn bộ số dư các khoản tiền gửi được bảo hiểm của người đó (gồm cả tiền gốc và tiền lãi) tại một tổ chức TGBHTG tại thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm trừ (-) các khoản nợ (gồm cả tiền gốc và tiền lãi) tại tổ chức TGBHTG của người được bảo hiểm (nếu có).
Bên cạnh đó, tổng số tiền bảo hiểm được trả cho một người gửi tiền tại tổ chức tham gia BHTG tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm (hiện nay là 50 triệu đồng) và được xác định như sau: (i) Bằng toàn bộ số dư các hoản tiền gửi được bảo hiểm của một người (gồm cả tiền gốc và tiền lãi) nếu tổng số dư này nhỏ hơn hoặc bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm; (ii) Bằng đúng hạn mức trả tiền bảo hiểm (gồm cả tiền gốc và tiền lãi) lớn hơn hạn mức trả tiền bảo hiểm.
Điểm mới so với quy định trước đây là Quy chế có quy định cụ thể đối với việc xác định số tiền bảo hiểm được trả đối với trường hợp nhiều người sở hữu chung tiền gửi được bảo hiểm tại một tổ chức TGBHTG,cụ thể như sau:
1. Số tiền bảo hiểm được trả tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm cho một người, số tiền bảo hiểm sẽ được trả được chia theo thỏa thuận của các đồng sở hữu hoặc giải quyết theo quy định của pháp luật nếu giữa các đồng sở hữu không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận;
2. Trường hợp một trong các đồng sở hữu có khoản tiền gửi khác được bảo hiểm tại cùng một tổ chức TGBHTG thì tổng số tiền bảo hiểm được trả cho một đồng sở hữu không vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm. Như trước đây, Quy chế cũng quy định rõ người được BHTG có tổng số tiền gửi được bảo hiểm vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm thì phần vượt hạn mức này sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức TGBHTG theo quy định của pháp luật.
Thứ sáu, đối với BHTGVN, Quy chế quy định BHTGVN có trách nhiệm: (i) Tiến hành kiểm tra chứng từ, sổ sách để xác định số tiền chi trả trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm của tổ chức TGBHTG; (ii) Hoàn thành việc phê duyệt phương án chi trả cho người được BHTG trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra chứng từ, sổ sách để xác định số tiền chi trả; (iii) Chi trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG trong thời hạn 60 ngày kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ chi trả, thực hiện theo 02 hình thức hoặc kết hợp cả hai hình thức là chi trả trực tiếp và hoặc ủy quyền chi trả; (iv) Thông báo công khai về địa điểm, thời gian, phương thức trả tiền bảo hiểm trên 03 số báo liên tiếp của 01 tờ báo Trung ương, 01 tờ báo địa phương nơi đặt trụ sử chính, các chi nhánh của tổ chức TGBHTG và trên 01 báo điện tử của Việt Nam; niêm yết danh sách người được trả tiền bảo hiểm cùng các loại giấy tờ cần thiết khác tại địa điểm thông báo.
Điểm mới nổi bật là, Quy chế quy định BHTGVN phải chịu trách nhiệm thanh toán phí chuyển tiền cho người nhận tiền bảo hiểm trong trường hợp nhận tiền theo phương thức chuyển khoản, tức là người nhận tiền bảo hiểm ngoài việc thực hiện theo quy định về trình tự, thủ tục nhận tiền bảo hiểm tại địa điểm chi trả và các quy định về thanh toán chuyển khoản sẽ không phải chịu chi phí liên quan đến việc chuyển tiền như trước đây. Quy định mới này đã thể hiện được sự quan tâm của BHTGVN, cam kết bảo vệ tối đa quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.
Quy chế cóhiệu lực từ ngày 01/12/2016, thay thế Quyết định số 87/2001/QĐ-BHTG ngày 28/5/2001 của Tổng giám đốc BHTGVN về việc ban hành Quy định của BHTGVN về chi trả tiền bảo hiểm.