Sửa Luật Bảo hiểm tiền gửi là một trong những ưu tiên hàng đầu
Trong thời gian qua, việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi đã nhiều lần được đề cập tới ở các cấp lãnh đạo cao nhất. Quốc hội chỉ đạo tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý, tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách tiền tệ, ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng và hoạt động ngân hàng, trong đó có Luật Bảo hiểm tiền gửi tại Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Trước đó, Đề án tái cơ cấu cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã đề cập tới nội dung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi và một số Luật khác. Có thể nói, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong năm 2022 cũng như các năm tiếp theo.
Ông Vũ Văn Long – Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho biết, năm 2022 là năm có tính bản lề đối với hoạt động của cơ quan này nói riêng và đối với chính sách bảo hiểm tiền gửi nói chung. Năm qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi để Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ. Ngay khi Chiến lược được Thủ tướng xem xét, phê duyệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ sẵn sàng các bước triển khai. Đồng thời, nhằm hướng tới việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chủ động tổng kết quá trình thực thi Luật, phối hợp chặt chẽ với các Vụ, Cục chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước nhằm thống nhất các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Cũng trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1479/QĐ-TTg 2022 về kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước giai đoạn 2022-2025. Theo đó, Nhà nước tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Điều này cho thấy tầm quan trọng của chính sách bảo hiểm tiền gửi – một chính sách đặc thù nhằm phục vụ mục tiêu công, qua đó thể hiện quan điểm kiên định, thống nhất của Chính phủ trong việc bảo vệ người gửi tiền, góp phần ổn định hệ thống các TCTD, tăng cường niềm tin công chúng, giảm thiểu đột biến rút tiền gửi, tạo cơ chế chính thức để xử lý các tổ chức nhận tiền gửi gặp sự cố và tham gia quá trình xử lý khủng hoảng tài chính. Hiện Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Đồng bộ, hiệu quả trong triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi
Ông Vũ Văn Long – Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho biết, hiện cơ quan này đang bảo vệ cho tiền gửi tại 1283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô. Các tổ chức này đều được cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, được tính và thu phí theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các hoạt động nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam như đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, kiểm tra, giám sát, tham gia kiểm soát đặc biệt… đều đã được triển khai một cách đồng bộ.
Theo thống kê ước tính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, tính đến hết năm 2022, tổng nguồn vốn của cơ quan này đã đạt gần 96 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt gần 90 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là nguồn lực tài chính để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền cũng như tham gia tích cực, chủ động vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Sự tăng trưởng vượt bậc nói trên có được là do hoạt động đầu tư bài bản, đảm bảo khả năng sinh lời cũng như bảo toàn nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi. Năm 2022, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoàn thành vượt mức đối với kế hoạch doanh thu của Ngân hàng Nhà nước giao.
Trong năm 2022, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoàn thành kiểm tra tại chỗ đối với 276 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đạt 100% kế hoạch kiểm tra định kỳ. Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện kiểm tra tại chỗ đối với 53 quỹ tín dụng nhân dân theo Chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Không chỉ có vậy, toàn bộ các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được giám sát từ xa nhằm phát hiện sớm các rủi ro, sai phạm, qua đó Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam báo cáo Ngân hàng Nhà nước xem xét chấn chỉnh, xử lý.
Suốt thời gian siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện truyền thông chính sách một cách linh hoạt nhằm thích ứng với tình hình thực tế. Ngay sau khi các biện pháp kiểm soát dịch được nới lỏng, hoạt động tuyên truyền chính sách càng được đẩy mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu với hàng chục sự kiện tuyên truyền trực tiếp được tổ chức hướng tới người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các hoạt động này đã tiếp cận khoảng 1,5 vạn người gửi tiền tại nhiều địa phương trên khắp cả nước. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng đã chú trọng các biện pháp truyền thông gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông tại các địa điểm giao dịch về tiền gửi của tổ chức tín dụng… nhằm nâng cao nhận thức về chính sách bảo hiểm tiền gửi. Trên trường quốc tế, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã từng bước khẳng định mình với vai trò một tổ chức bảo hiểm tiền gửi năng động, tích cực tham gia vào các hoạt động của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi (IADI) cũng như các hoạt động song phương, đa phương nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tiếp cận với các thông lệ quốc tế. Cơ quan này cũng đã cử nhân sự tham gia vào một số Ban, Tiểu ban chuyên môn của IADI trong thời gian qua. Qua đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xác định mục tiêu sẽ không ngừng hoàn thiện nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về tổ chức bảo hiểm tiền gửi hiệu quả do IADI khuyến nghị.
Trên khía cạnh nội bộ, ông Vũ Văn Long chia sẻ, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang quyết liệt xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đây sẽ là bước chạy đà để hiện đại hóa toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ cũng như hoạt động nội bộ trên nền tảng công nghệ mới, theo kịp cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 với một tầm nhìn xa, thông suốt, hiệu quả.
Theo thông tin từ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, năm 2023, cơ quan này sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gắn kết chặt chẽ với định hướng đã được xác lập tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng sẽ đóng vai trò tích cực, chủ động nhằm đề xuất những nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi theo định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Các hoạt động nghiệp vụ sẽ không ngừng được cải tiến, hiện đại hóa nhằm thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như thực tế tại Việt Nam./.