Các quốc gia thuộc OECD đang thúc giục New Zealand áp dụng cơ chế bảo hiểm tiền gửi (BHTG) nhằm hạn chế những tổn thất đối với người gửi tiền trong trường hợp xảy ra đổ vỡ ngân hàng. Hạn mức trả tiền bảo hiểm tối đa tại các nước trong khu vực này lên đến 100.000 Euro tại châu Âu và 250.000 USD tại Mỹ.
Trong khi đó, "một ý tưởng rất mới lạ" hay một chính sách thay thế chính sách BHTG được gọi giải pháp ngân hàng mở (OBR) –đang được Ngân hàng Dự trữ quốc gia New Zealand cân nhắc triển khai. Cụ thể, trước đó, trong tháng 4/2013, Chính phủ New Zealand đã lên kế hoạch thúc đẩy một giải pháp xử lý ngân hàng mở này (giống như Quốc đảo Síp đã áp dụng để xử lý đổ vỡ ngân hàng trong tháng 3/2013) bằng việc yêu cầu người gửi tiền nhỏ lẻ đóng góp một số lượng tiền tiết kiệm nhất định để hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng lớn.
Trên thực tế các quốc gia thuộc OECD đều có cơ chế BHTG, ngoại trừ New Zealand. Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách BHTG được xem như một “van an toàn” dự phòng hữu ích ngay cả khi một quốc gia đã có giải pháp OBR. Cơ chế xử lý ngân hàng mở này sẽ là không đủ để ngăn chặn tình trạng rút tiền hàng loạt trong tất cả các trường hợp bởi một khi OBR được áp dụng cho một ngân hàng, người gửi tiền có thể lo sợ rủi ro sẽ lan sang những ngân hàng khác. Theo OECD, đây là lý giải quan trọng tại sao một cơ chế BHTG lại cần thiết và có thể giúp giảm thiểu rủi ro của tình trạng rút tiền hàng loạt.
Mặc dù cơ chế BHTG nếu không được áp dụng hiệu quả có thể làm gia tăng rủi ro về đạo đức, việc giám sát ngân hàng chặt chẽ hơn có thể khắc phục được những yếu điểm của vấn đề này. Trong trường hợp khẩn cấp, các ngân hàng đều có thể thực hiện chính sách BHTG. Trên thực tế, cơ chế BHTG đã được áp dụng trong trường hợp khẩn cấp vào năm 2008 – thời điểm nóng nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cụ thể là hàng loạt các nước thực hiện chính sách tăng hạn mức lên rất cao hoặc chuyển đổi từ chính sách hạn mức có giới hạn sang bảo đảm toàn bộ nhằm duy trì niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng. Báo cáo của OCED nói trên cũng nhấn mạnh, BHTG sẽ là một biện pháp bảo vệ hệ thống ngân hàng tốt hơn trước những tổn thương do một số các ngân hàng lớn gây ra.