Chính phủ quyết định việc chi trả vượt hạn mức cho người gửi tiền
Trong quá trình hoàn thiện và lấy ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và công chúng quan tâm là quyền lợi của người gửi tiền sẽ được bảo vệ ở mức độ như thế nào trong trường hợp phá sản TCTD. Theo Luật vừa được thông qua, Chính phủ có thẩm quyền “Quyết định áp dụng biện pháp đặc biệt nhằm bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.” (Điểm c, Khoản 1, Điều 146). Như vậy, Luật đã quy định phương án linh hoạt, trao thẩm quyền cho Chính phủ quyết định việc chi trả vượt hạn mức, mức chi trả, nguồn chi trả cho người gửi tiền là cá nhân tùy thuộc vào tình hình nguồn lực nhà nước theo từng thời kỳ và theo mức độ tác động của từng trường hợp phá sản cụ thể.
Trước đó ngày 26/10, giải trình trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã nêu: mục đích của quy định này là để tránh đổ vỡ và gây mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm lợi ích của người gửi tiền, không ảnh hướng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Nguồn sử dụng để hỗ trợ chi trả sẽ không dùng ngân sách Nhà nước, theo đúng nghị quyết của Quốc hội, mà có thể sử dụng các nguồn lực Nhà nước khác để xử lý.
5 phương án cơ cấu lại: trao cơ hội cho TCTD phục hồi
Theo phát biểu của Thống đốc Lê Minh Hưng hôm 26/10, phá sản ngân hàng là biện pháp cuối cùng để xử lý các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Điều này đã được phản ánh trong Luật mới được thông qua, với một hệ thống các quy định được đưa ra nhằm cơ cấu lại TCTD và chỉ thực hiện phá sản khi không còn giải pháp khả thi nào khác. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD quy định 5 án cơ cấu lại, bao gồm: Phương án phục hồi; Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; Phương án giải thể; Phương án chuyển giao bắt buộc; và Phương án phá sản.
Đáng chú ý, Luật đã có quy định áp dụng can thiệp sớm đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm sớm cảnh báo, khắc phục các vấn đề nảy sinh trong quá trình hoạt động, giúp TCTD, chi nhánh NH nước ngoài lành mạnh hóa, tránh rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Khi có văn bản yêu cầu của NHNH, TCTD phải thực hiện các biện pháp được quy định, bao gồm một hoặc một số biện pháp: Thu hẹp nội dung, phạm vi hoạt động, hạn chế các giao dịch lớn; Tăng vốn điều lệ, vốn được cấp; tăng cường nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao; bán, chuyển nhượng tài sản và thực hiện các giải pháp khác để đáp ứng các yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng; Hạn chế chi trả cổ tức, phân phối lợi nhuận; Cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý; hạn chế trả thù lao, lương, thưởng đối với người quản lý, người điều hành; Tăng cường quản trị rủi ro; tổ chức lại bộ máy quản lý, cắt giảm nhân sự; Các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.
TCTD được xem xét đặt vào kiểm soát đặc biệt khi lâm vào một trong các trường hợp sau: Mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của NHNN; Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất; Hai năm liên tục bị xếp hạng yếu kém theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 của Luật này trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời hạn 06 tháng liên tục.
Đối với phương án phục hồi, Luật quy định một số biện pháp hỗ trợ như: tùy theo từng loại hình, TCTD được vay đặc biệt từ nguồn cho vay đặc biệt của NHNN, Quỹ BHTG; nhận tiền gửi, tiền vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi… Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) sẽ tham gia đánh giá tính khả thi đối với phương án phục hồi của các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.
Một điểm mới là Luật chỉ quy định áp dụng phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại mà không áp dụng với QTDND. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, do ngân hàng thương mại là loại hình TCTD được nhận tiền gửi của cá nhân, có quy mô, hoạt động lớn nhất, có tác động lớn nhất đối với sự an toàn của hệ thống TCTD so với các loại hình TCTD khác. Đối với quỹ tín dụng nhân dân có quy mô vốn, tài sản không quá lớn, phạm vi ảnh hưởng nhỏ, thường chỉ trên một địa bàn nhất định, do đó việc cơ cấu lại quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt sẽ áp dụng phương án xử lý khác phù hợp hơn.
Quy định chi tiết việc phá sản TCTD
Trong trường hợp TCTD không thể phục hồi, NHNN sẽ trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Luật này khi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt lâm vào tình trạng phá sản.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, BHTGVN xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trình NHNN xem xét.
Phương án phá sản bao gồm các nội dung tối thiểu: Đánh giá thực trạng và quá trình xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được quyết định chủ trương phá sản; Đánh giá tác động của việc thực hiện phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đối với sự an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng; Phương án chi trả tiền gửi của khách hàng là cá nhân; Lộ trình thực hiện và trách nhiệm triển khai phương án phá sản.
Trường hợp xây dựng phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, BHTGVN và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thực hiện.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phương án phá sản, NHNN có trách nhiệm xem xét, đánh giá tính khả thi của phương án, trình Chính phủ phê duyệt phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TCTD được Quốc hội khóa XIV thông qua đã tạo ra cơ sở pháp lý nhằm củng cố, lành mạnh hóa hệ thống các TCTD trong giai đoạn tới. Theo đó, BHTGVN được trao thêm một số chức năng, nhiệm vụ theo hướng tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD một cách phù hợp với nguồn lực, quy mô, hoạt động của tổ chức, trở thành công cụ hữu hiệu của Chính phủ, NHNN để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD và đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.