Nhân dịp Hội thảo quốc tế với chủ đề “Vai trò của tổ chức BHTG đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm quy mô vừa và nhỏ” và Hội nghị thường niên lần thứ 16 của Ủy ban châu Á – Thái Bình Dương (APRC) – Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 16-17/4/2018, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú về ý nghĩa và vai trò, cũng như chính sách của cơ quan quản lý đối với BHTG và các TCTD quy mô vừa và nhỏ.
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo |
Xin Phó Thống đốc cho biết đánh giá về ý nghĩa của các TCTD vừa và nhỏ đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam?
Trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam không ngừng lớn mạnh về quy mô vốn cũng như tài sản với tổng vốn tự có toàn hệ thống đạt hơn 700.000 tỷ đồng (khoảng hơn 31 tỷ USD) và tổng tài sản toàn hệ thống đạt hơn 10 triệu tỷ đồng (trên 400 tỷ USD, gấp đôi GDP 2017).
Hệ thống ngân hàng đảm bảo nhiệm vụ lưu thông vốn và đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Trong sự phát triển chung của hệ thống tài chính - ngân hàng, các TCTD vừa và nhỏ mà tiêu biểu là hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đã phát triển nhanh chóng với 1.177 QTDND hoạt động ở 57/63 tỉnh, thành khắp Việt Nam có tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng (trên 4,5 tỷ USD).
Hệ thống QTDND đã và đang từng bước khẳng định được vị thế và vai trò của mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực tiền tệ - tín dụng. Cùng với đó, các tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính cũng đã được hình thành và tổ chức ở một số nơi góp phần cho mạng lưới hệ thống các TCTD huy động và cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Điều quan trọng nhất là các TCTD này đã phát huy vai trò tích cực huy động nguồn lực phù hợp với đặc điểm kinh tế Việt Nam đến 70% người dân sinh sống ở khu vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là huy động các nguồn vốn có tính chất nhỏ lẻ tại chỗ để cung ứng kịp thời nhu cầu vốn cho kinh tế hộ gia đình, kinh tế cá thể, cũng như DNNVV phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống. Qua đó, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Có thể nói, vai trò của các TCTD vừa và nhỏ đó là vừa linh hoạt, đáp ứng nhanh, trực tiếp, tạo thuận lợi cho người gửi tiền, người vay tiền với chi phí thấp tạo hiệu quả cao hơn cho nền kinh tế, cho DN cũng như người dân, phù hợp đặc điểm kinh tế-xã hội của nước ta, phù hợp với các đối tượng kinh tế tư nhân cá thể, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất nhỏ, các DNNVV trong lĩnh vực nông nghiệp, phù hợp với phong tục và tập quán ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Các TCTD vừa và nhỏ nói riêng, các TCTD nói chung của Việt Nam sẽ “tiếp nhận” được những bài học kinh nghiệm gì tại hội thảo này, thưa Phó Thống đốc?
Hội thảo hôm nay của Hiệp hội các tổ chức BHTG khu vực châu Á – Thái Bình Dương có vai trò, vị trí hết sức quan trọng. Chúng tôi đánh giá cao việc tổ chức tại Hà Nội lần này bởi lẽ đây cũng là một cơ hội quan trọng cho Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV) tiếp thu, chia sẻ, học tập những kinh nghiệm, bài học của những quốc gia đi trước. Đặc biệt trong vấn đề bảo đảm BHTG cho những TCTD tham gia đóng góp phí tiền gửi và bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người dân nhất là đối với hệ thống QTDND cũng đã hình thành và hoạt động gần 25 năm qua.
Thực tế, nhiều nước trong khu vực, đặc biệt là những nước có mô hình nền kinh tế cũng như mô hình hoạt động BHTG giống Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý tiền gửi của người dân, khi các TCTD vừa và nhỏ gặp sự cố hoặc yếu kém trong hoạt động… Đó vừa là kinh nghiệm, vừa là bài học lớn đối với Việt Nam. Nhất là hội thảo được tổ chức vào đúng thời điểm chúng ta đang tiến hành tái cơ cấu hệ thống các TCTD, và Luật Các TCTD vừa được sửa đổi, nâng cao vai trò và trách nhiệm của DIV trong vấn đề xử lý yếu kém của các TCTD, đặc biệt là các TCTD nhỏ và vừa khi lâm vào những trường hợp khó khăn.
Đứng trước bối cảnh cơ hội và thách thức đang chờ đợi DIV, từ góc độ cơ quan quản lý, tôi cũng đánh giá cao việc Ủy ban Khu vực châu Á – Thái Bình Dương thuộc IADI đã hỗ trợ DIV thực hiện tự đánh giá việc tuân thủ Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả do Hiệp hội BHTG Quốc tế và Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng ban hành vào đầu năm 2018.
Trong đợt công tác tại Việt Nam của đoàn chuyên gia của Ủy ban vào đầu năm 2018, tôi đã có buổi làm việc với đoàn và ghi nhận các ý kiến của chuyên gia đã giúp chúng tôi đánh giá khách quan về chính sách BHTG hiện hành tại Việt Nam và là cơ sở để DIV xác định định hướng phát triển mang tính chiến lược trong tương lai.
Mặt khác, tôi cho rằng, hội thảo này cũng là cơ hội để các cơ quan BHTG trong khu vực tăng cường hợp tác, nâng cao năng lực và chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời kết nối được chương trình hợp tác song phương giữa các cơ quan BHTG thành viên. Qua đó góp phần hỗ trợ các cơ quan BHTG trong khu vực thực hiện tốt vai trò của mình trong việc đảm bảo sự phát triển ổn định và lành mạnh của hệ thống tài chính - ngân hàng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới.
NHNN định hướng chính sách áp dụng các thông lệ quốc tế đối với BHTG tại Việt Nam trong thời gian tới ra sao, thưa Phó Thống đốc?
Có thể nói chủ trương, chính sách nhằm từng bước tạo điều kiện phát triển BHTG là một trong những nội dung xác định rất rõ trong xây dựng hệ thống pháp lý cách đây 5 năm kể từ khi Luật về BHTG ra đời.
Hiện tại, Chính phủ và NHNN Việt Nam đang tích cực triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, trong đó xác định vai trò ngày càng quan trọng của DIV trong việc xử lý các TCTD yếu kém có quy mô nhỏ, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các TCTD, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, từ đó đảm bảo ổn định kinh tế-xã hội.
Cuối năm 2017 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật bổ sung Luật về hoạt động các TCTD, trong đó đã tăng cường thêm một số chức năng nhiệm vụ rất quan trọng cho DIV nâng cao vai trò trách nhiệm trong việc duy trì sự ổn định kiện toàn hệ thống, xử lý những bất ổn của hệ thống tiền gửi xảy ra đối với các TCTD yếu kém.
Vì vậy, trong thời gian tới, NHNN Việt Nam sẽ tiếp tục tư vấn cho Chính phủ để ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tạo điều kiện để DIV đóng góp nhiều hơn vào quá trình tái cấu trúc hệ thống các TCTD. Đồng thời phát huy hơn nữa vai trò là công cụ tham gia giám sát hoạt động của TCTD, nhất là TCTD vừa và nhỏ; góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống TCTD và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.
Với quá trình phát triển mạnh mẽ và những kết quả tích cực gần 20 năm qua, thời gian tới, tôi mong rằng DIV sẽ phát huy nội lực và tranh thủ thời cơ để nâng cao vai trò, vị thế của mình trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, phát triển thành một tổ chức BHTG hiệu quả, hiện đại, ngày càng hội nhập sâu rộng và tiến gần hơn với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Xin cảm ơn Phó Thống đốc!