Đây là bằng chứng báo hiệu thực trạng ổn định hơn của lĩnh vực tài chính, tạo đà cho sự phát triển bền vững hơn trong những năm tới của nền kinh tế lớn nhất thế giới
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn báo cáo công bố ngày 15/10 của Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong tài khóa 2014 (kết thúc ngày 30/9 vừa qua), tổng thu ngân sách của nước này đạt 3.020 tỷ USD, tăng 8,9% so với mức thu 2.770 tỷ USD tài khóa 2013.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách đạt 3.500 tỷ USD, chỉ tăng 1,4% so với mức chi 3.450 tỷ USD của năm 2013.
Như vậy, thâm hụt cán cân thu chi ngân sách liên bang trong tài khóa 2014 là 483,4 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức thâm hụt 680,2 tỷ USD của tài khóa 2013 và mức thâm hụt đỉnh điểm 1.400 tỷ USD trong tài khóa 2009.
Đây cũng là mức thâm hụt thấp nhất kể từ mức chênh lệch 459 tỷ USD của tài khóa 2008.
Như vậy, trong 6 năm ông Obama cầm quyền, đây là năm thứ hai thâm hụt cán cân thu chi của Mỹ giảm xuống dưới 1.000 tỷ USD.
Riêng trong tháng Chín vừa qua, cán cân thu chi ngân sách của Mỹ đạt thặng dư 105,8 tỷ USD so với mức thặng dư 75 tỷ USD cùng kỳ năm trước.
Phát biểu với báo giới khi công bố báo cáo này, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew và Giám đốc Ngân sách Nhà Trắng Shaun Donovan cho biết với mức thâm hụt này, nền tài chính Mỹ năm 2014 đã trở lại trạng thái bình thường, mở ra một thời kỳ ổn định mới tạo nền tảng bền vững hơn cho sự phát triển của nền kinh tế.
Theo ông Jack Lew, 483,4 tỷ USD là mức thâm hụt chiếm tỷ trọng nhỏ nhất trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước Mỹ, chỉ 2,8%.
Ông lạc quan khẳng định nền tài chính Mỹ giờ đây “không còn trong tình trạng khẩn cấp nữa,” đồng thời cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay là duy trì ổn định của cỗ máy kinh tế cho sự phát triển trong các năm tới, thậm chí 10 năm tới.
Người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ cho rằng sự cải thiện trong lĩnh vực tài chính một phần là do sự phát triển chung của nền kinh tế, dẫn tới sự cải thiện của thị trường việc làm với tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Chín chỉ còn ở mức 5,9%, so với 7,2% cách đây một năm.
Mức thâm hụt ngân sách liên tục giảm cùng với tốc độ phát triển khả quan hơn của nền kinh tế trong vài năm qua được các chuyên gia phân tích nhìn nhận là một yếu tố thuận lợi cho các ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 4/11 tới./.