Thúc đẩy việc áp dụng Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả
Theo ông David Walker – Tổng Thư ký IADI, tính đến cuối năm 2017, có 27 nước trên thế giới đã tiến hành đánh giá tuân thủ Bộ nguyên tắc cơ bản của IADI (hoặc đã thực hiện đánh giá Khu vực tài chính - FSAP). Tuy nhiên, việc đánh giá Bộ nguyên tắc phụ thuộc vào các vấn đề: Tính chất phức tạp và đa chiều; sự đa dạng về mặt nhiệm vụ của hệ thống BHTG; việc xếp hạng có đánh giá; kiểm soát chất lượng và tính nhất quán của các đánh giá.
Để áp dụng Bộ các nguyên tắc cơ bản hiệu quả, IADI đã xây dựng “Sổ tay phương pháp đánh giá tuân thủ Bộ nguyên tắc cơ bản” nhằm cung cấp thêm các hướng dẫn về quá trình đánh giá tuân thủ của hệ thống BHTG ở mỗi nước với Bộ các nguyên tắc cơ bản. Sổ tay đã được sử dụng để đánh giá thí điểm tại Kosovo, Hàn Quốc và trong chương trình SATAP tại Brazil và Việt Nam.
Trong thời gian tới, thúc đẩy việc tuân thủ Bộ nguyên tắc cơ bản là mục tiêu chiến lược chính mà IADI đặt ra (ví dụ thực hiện SATAPs, FSAPs, hội thảo đào tạo). Việc tuân thủ Bộ nguyên tắc cơ bản đang được cải thiện nhưng vẫn tồn tại những thiếu sót đáng kể. “Cần thêm nhiều tổ chức BHTG để xem xét Bộ nguyên tắc cơ bản theo FSAPs và Đánh giá đồng đẳng. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực để giám sát sự tuân thủ và tác động của Bộ nguyên tắc cơ bản. Để thực hiện mục tiêu này, phương pháp đánh giá tuân thủ Bộ nguyên tắc cơ bản cần được IADI cập nhật và sửa đổi theo thời gian” - ông David Walker cho biết thêm .
Trong phần chia sẻ kinh nghiệm về Hành trình trở thành cơ quan xử lý và bảo vệ người tiêu dùng tài chính tốt nhất, ông Rafiz Azuan Abdullah - Tổng giám đốc PDIM cho biết, năm 2012, Malaysia tham gia Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) (Tiêu chuẩn - Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của IADI) với các bên tham gia là Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM), Ủy ban chứng khoán (SC), Cơ quan dịch vụ tài chính Labuan (LFSA) và Tổng công ty BHTG Malaysia (PIDM).
Với một số điểm mạnh trong mô hình tổ chức và hoạt động như: Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên trong mạng an toàn tài chính, đặc biệt đối với Ngân hàng Trung ương; Cơ chế bảo đảm toàn bộ của Chính phủ áp dụng hiệu quả và chấm dứt đúng thời điểm; Chương trình nâng cao nhận thức công chúng tốt; Liên tục chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống và Cơ chế công khai và minh bạch trong hoạt động và báo cáo; PDIM đã được FSAP đánh giá là đang đi đúng hướng, đồng thời PDIM đã phần lớn tuân theo thông lệ quốc tế tốt nhất về xây dựng mô hình BHTG hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề áp dụng Bộ nguyên tắc cơ bản của IADI tại IDIC, ông Ronald Rulindo - Chuyên gia cao cấp IDIC cho biết, năm 2014, khi IDIC triển khai Chương trình tự đánh giá việc áp dụng Bộ nguyên tắc cơ bản của IADI với sự hỗ trợ của WB, IDIC đã đưa ra 07 nội dung tổ chức này “phần lớn không tuân thủ” trong bộ nguyên tắc và cần được khắc phục, bao gồm: Khung khổ xử lý, Cơ chế cấp vốn, Quá trình chi trả, Cơ cấu quản trị, Phạm vi bảo hiểm, Thiếu sự hợp tác xuyên biên giới và Các bên chịu trách nhiệm về việc đổ vỡ ngân hàng.
Năm 2015, IDIC thực hiện quy trình đánh giá nội bộ, tiếp đó là đánh giá bên ngoài bởi Ủy ban ổn định hệ thống tài chính (FSSC) giai đoạn 2015-2016. Năm 2016, Chính phủ ban hành Luật ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng (PPKSK). Luật này đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự cải tổ của IDIC trong tăng cường áp dụng các Nguyên tắc cơ bản của IADI. Mặc dù không phải tất cả các thay đổi đều đạt đánh giá “Tuân thủ”, nhưng đã có những tác động lớn tới năng lực của IDIC trong việc xử lý ngân hàng đổ vỡ và quản lý khủng hoảng. Hiện tại, IDIC đang trong quá trình xây dựng cơ chế quy định chi tiết, quy trình hoạt động tiêu chuẩn, và các công cụ cảnh báo sớm và can thiệp kịp thời nhằm nâng cao việc áp dụng các Nguyên tắc.
Từ góc nhìn của FDIC về việc thúc đẩy áp dụng Bộ nguyên tắc cơ bản của IADI, bà Maisha Goss-Johns - Cố vấn cao cấp về Hợp tác quốc tế của FDIC cho biết, với hệ thống ngân hàng lớn, đa dạng và phức tạp tại quốc gia này (6739 ngân hàng và Quỹ tiết kiệm được bảo hiểm vào thời điểm 31/3/2014), hiện tại, FDIC đang áp dụng các Nguyên tắc cơ bản bao gồm: Quản lý khủng hoảng/Lập kế hoạch dự phòng; Tăng cường nhận thức công chúng; Cấp vốn và Phối hợp trong Mạng an toàn tài chính.
Nhìn chung, Bộ nguyên tắc cơ bản được thiết kế để phản ánh và thích ứng với các điều kiện, bối cảnh và cơ cấu khác nhau của nhiều vùng lãnh thổ. Cũng như thực tế tại các vùng lãnh thổ khác, hiệu quả của việc áp dụng các nguyên tắc cơ bản phụ thuộc vào sự phối hợp giữa FDIC với các thành viên khác trong mạng an toàn tài chính. “Do sự phức tạp của hệ thống tài chính Mỹ, các biện pháp bổ sung đã được đưa ra để áp dụng hiệu quả Bộ nguyên tắc cơ bản” – Bà Maisha nhấn mạnh .
Kinh nghiệm thực hiện chương trình SATAP tại một số quốc gia
Diễn giả đến từ KDIC, ông Sung Youn đã chia sẻ kinh nghiệm thực hiện SATAP tại tổ chức này. Theo đó, trong bước đánh giá tại chỗ, KDIC sẽ đánh giá theo các nguyên tắc cơ bản, chia sẻ và so sánh các kết quả đánh giá giữa các thành viên nhóm chuyên gia đánh giá, xây dựng các đề xuất; đồng thời tóm tắt kết quả đánh giá cho Quản lý cao cấp và nhân viên của KDIC. Sau giai đoạn đánh giá tại chỗ, nhóm chuyên gia đánh giá dự thảo báo cáo đánh giá trên cơ sở trao đổi các quan điểm về dự thảo báo cáo giữa KDIC và nhóm chuyên gia đánh giá, từ đó hoàn thiện báo cáo cuối cùng về tự đánh giá tuân thủ Bộ Nguyên tắc cơ bản phát triển Hệ thống BHTG hiệu quả của KDIC.
Đối với giai đoạn sau SATAP, KDIC sẽ thực hiện đánh giá một cách khách quan hệ thống BHTG thông qua chi tiết từng nguyên tắc để đưa ra kế hoạch hành động cụ thể của tổ chức, trong đó ưu tiên tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn trước. Để đạt được những mục tiêu trên, bước tiếp theo KDIC thực hiện là phân loại và thuyết phục các bên có liên quan như: Chính phủ, Cơ quan giám sát, Ngân hàng Trung ương…; đồng thời điều chỉnh các đề xuất thay đổi pháp lý trên cơ sở báo cáo SATAP là tiêu chuẩn quốc tế được thừa nhận.
Theo bà Josefina J. Velilla - Phó Tổng giám đốc PDIC, quá trình Tự đánh giá tuân thủ bộ nguyên tắc cơ bản của IADI tại PDIC được thực hiện với 02 mục tiêu rõ ràng, bao gồm: đánh giá sự tuân thủ Bộ nguyên tắc cơ bản; xác định những thiếu sót về mặt pháp luật, chính sách và kế hoạch. Theo đó, trong 6 tháng triển khai quá trình tự đánh giá, PDIC thành lập nhóm đánh giá nội bộ; tham vấn ý kiến các cơ quan trong mạng an toàn tài chính/các bên liên quan; thảo luận, viết báo cáo và tiến hành rà soát để trình bày kết quả đánh giá với Hội đồng quản trị, Ban điều hành PDIC và các cơ quan khác trong mạng an toàn tài chính.
Các hoạt động sau đánh giá cũng tiếp tục được triển khai, trong đó bao gồm việc Nhóm chuyên gia đánh giá của IADI tiến hành thẩm định kết quả tự đánh giá. Kết quả này sẽ được chia sẻ với các cơ quan có thẩm quyền về tài chính và lập pháp để phục vụ việc sửa đổi Điều lệ của PDIC (tháng 6/2016) và khắc phục một số thiếu sót trong các nguyên tắc mà PDIC đang thực hiện tự đánh giá, bao gồm: Thẩm quyền, Phát hiện sớm, Can thiệp kịp thời & Xử lý hiệu quả (phần lớn không tuân thủ) và Quản trị (phần lớn tuân thủ).
Chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện Chương trình hỗ trợ kỹ thuật tự đánh giá (SATAP) tại Việt Nam, bà Phan Thị Thanh Bình - Trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp và Hợp tác quốc tế DIV đã trình bày một số đánh giá ban đầu của chuyên gia về mức độ tuân thủ Bộ Nguyên tắc cơ bản của BHTGVN liên quan đến các nội dung: Mục tiêu chính sách công, nhiệm vụ và quyền hạn; Quản trị; Mối quan hệ giữa các thành viên khác trong MATTC; Vai trò của tổ chức BHTG trong lập kế hoạch dự phòng và quản lý khủng hoảng; Thành viên; Hạn mức; Nguồn và sử dụng nguồn vốn; Nhận thức công chúng; Xử lý các bên có lỗi trong đổ vỡ ngân hàng; Thu hồi tài sản…
“SATAP giúp DIV tự đánh giá lại hoạt động của tổ chức và chính sách BHTG theo Bộ nguyên tắc cơ bản T11/2014; là cơ hội tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm về BHTG của các chuyên gia IADI; từ đó nhận được những khuyến nghị nhằm củng cố chính sách BHTG cũng như hoạt động của DIV; góp phần vào quá trình hoàn thiện Chiến lược phát triển DIV đến năm 2030 của tổ chức” – bà Phan Thị Thanh Bình nhấn mạnh.
Trong phần thảo luận cuối phiên, các diễn giả đều nhất trí với quan điểm, để thực hiện SATAP, cần có sự đồng thuận của lãnh đạo cấp cao trong việc hoàn thiện tự đánh giá tuân thủ Bộ nguyên tắc cơ bản trước khi đề nghị IADI hỗ trợ kỹ thuật; hạn chế khuynh hướng đánh giá bản thân cao hơn thực tế. Nhóm chuyên gia không đánh giá nhằm mục đích chỉ trích hoặc thực hiện xếp hạng. Họ tới để giúp tổ chức BHTG thực hiện đánh giá đúng cách, qua đó hướng đến hoàn thiện mô hình BHTG hiệu quả theo khuyến nghị của IADI.