“Mua bán, trao đổi sản phẩm dịch vụ qua mạng nhưng cuối cùng lại giao sản phẩm, nhận bằng tiền mặt” là một trong những nguyên nhân mà bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, đưa ra để lý giải vì sao thương mại điện tử Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Gần đây, liên tiếp các vụ chủ thẻ, chủ tài khoản bị mất tiền càng làm người dùng lo lắng khi thanh toán hàng hóa qua mạng.
Chuộng trả tiền mặt
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), lĩnh vực thương mại điện tử được dự đoán sẽ tăng trưởng hơn 30% mỗi năm từ nay đến 2020, với quy mô giá trị vào năm 2020 ước đạt 10 tỉ USD, chiếm khoảng 5% thị trường bán lẻ. Kênh thương mại này được thúc đẩy nhờ nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng công nghệ, viễn thông, internet được phổ cập rộng rãi và lượng người dùng smartphone (điện thoại thông minh) tăng mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng thanh toán, thương mại điện tử Việt Nam không lớn nổi như kỳ vọng.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, ở Việt Nam, trung bình mỗi người có 1,5 cái smartphone nhưng rất ít khi dùng để thanh toán dịch vụ, hàng hóa qua các kênh điện tử do lòng tin của người dùng chưa cao. Điều này lý giải vì sao thương mại điện tử có rất nhiều trang mạng mua bán, quảng cáo nhưng chủ yếu chỉ là giao hàng thu tiền mặt.
“Thời gian đầu, chúng ta còn cười bỏ qua vì nghĩ rằng thói quen trả tiền mặt của người dùng chưa thể thay đổi một sớm một chiều nhưng không thể kéo dài trong 5-10 năm được. Vấn đề lúc này là làm sao để thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán an toàn và các nhà bán lẻ cũng tham gia vào quá trình này” - bà Loan đặt vấn đề. Tuy nhiên, sau những vụ tin tặc tấn công vào trang website của một hãng hàng không và khách hàng bị mất 500 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng… đang làm khách hàng e ngại với các phương thức không dùng tiền mặt.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lớn tại Hà Nội cho rằng hiện tượng gian lận, lừa đảo liên quan đến giao dịch tài chính cá nhân xuất hiện rất nhiều gần đây tại Việt Nam không phải tình trạng mới. Các vụ việc tương tự đã xuất hiện từ rất lâu ở các quốc gia phát triển, đặc biệt là Mỹ, châu Âu và thay đổi liên tục dưới các dạng chiêu trò khác nhau. “Tại Việt Nam, với gần 50 triệu tài khoản thanh toán và thẻ ATM đang hoạt động, hàng chục triệu giao dịch thanh toán mỗi năm, việc một số trường hợp bị mất mã xác thực OTP (mật khẩu qua tin nhắn) hay thông tin giao dịch chỉ là con số rất nhỏ. Trong khi thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh ngân hàng điện tử vẫn được đánh giá là phương thức thanh toán tiện lợi, hiện đại, phù hợp với xu hướng thế giới” - vị lãnh đạo ngân hàng này tin tưởng.
Doanh nghiệp cũng không mặn mà
Không chỉ khách hàng ngại thanh toán qua mạng, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa dịch vụ cũng chưa chú trọng kênh bán hàng này, ngại giao dịch với khách hàng qua mạng vì hầu hết đều thích trả bằng tiền mặt.
Kết quả khảo sát các doanh nghiệp trên cả nước của VECOM trong báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2015 cho thấy mức độ thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử trong các giao dịch trực tuyến giữa doanh nghiệp với khách hàng cá nhân còn rất thấp và chưa có dấu hiệu tăng lên. Tỉ lệ doanh nghiệp chấp nhận thẻ thanh toán chỉ 16%, không có sự khác biệt lớn so với các năm trước. Hình thức thanh toán qua ví điện tử cũng chỉ được 4% doanh nghiệp sử dụng và chưa có xu hướng thay đổi rõ ràng. Trong khi các kênh thanh toán hiện đại như qua các thiết bị di động mới đang hình thành thì ở Việt Nam, giao hàng thu tiền vẫn là kênh thanh toán phổ biến nhất.
Một công ty hóa mỹ phẩm có tiếng tại TP HCM, hàng hóa xuất khẩu đi nhiều nước trong khu vực và thế giới nhưng đến nay, công ty mới tập tành đầu tư website để bán hàng cho người tiêu dùng trong nước. “Do đặc thù hàng tiêu dùng chi phí vận chuyển cao nên bán hàng qua mạng doanh thu sẽ không nhiều như các kênh phân phối trực tiếp qua đại lý, chợ truyền thống. Nhưng xu hướng bán hàng online là tất yếu nên chúng tôi đang bước đầu thử nghiệm” - tổng giám đốc doanh nghiệp này bộc bạch.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho biết một số doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào công nghệ, phát triển kênh bán hàng trực tuyến đến tay người tiêu dùng nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp sau một thời gian triển khai bị hụt hơi do giao dịch ít, không thể bù đắp chi phí đầu tư. Các doanh nghiệp khác thấy vậy cũng nản và không đầu tư cho kênh này. “Nhiều doanh nghiệp cũng e ngại những rủi ro trong thanh toán trực tuyến nên cho khách hàng đặt qua mạng rồi giao sản phẩm, thu tiền mặt” - ông Minh thông tin.
Đại diện một số trang thương mại điện tử cũng nhìn nhận giao dịch qua kênh thương mại điện tử tăng trưởng tốt nhưng tỉ lệ đơn hàng thành công không cải thiện nhiều, chất lượng giao dịch không thay đổi nhiều và tỉ lệ khách hàng quay lại cũng không tăng như kỳ vọng. Dưới góc độ người mua, nhiều khách hàng chia sẻ lý do ngại trả tiền trước vì sợ chất lượng sản phẩm không như quảng cáo. Nên để thay đổi điều này phụ thuộc rất lớn vào nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong việc tạo niềm tin cho khách hàng.
Để khuyến khích thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, theo các chuyên gia kinh tế, nhà nước cần có chính sách miễn giảm thuế hoặc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư lớn cho thương mại điện tử hoặc các doanh nghiệp có mức giao dịch không dùng tiền mặt lớn. Ngay trong thương mại điện tử, muốn thay đổi tâm lý e ngại của người dùng cần thúc đẩy các kênh thanh toán trung gian (giống như mở thư tín dụng ở ngân hàng) sẽ giúp cả người mua và người bán yên tâm trả tiền trực tuyến.
TS Bùi Quang Tín, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP HCM:
Xây dựng “chợ chung” về bảo mật cho các ngân hàng
Phát triển các kênh ngân hàng điện tử để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là rất cần thiết nhưng đi kèm với tiện ích phải là an toàn, bảo mật cho người dùng. Đầu tư công nghệ bảo mật ở các ngân hàng hiện nay không rẻ nhưng có thực tế là đang thiếu sự liên thông, liên kết giữa các ngân hàng mà “mạnh ai nấy làm”.
Hệ thống thanh toán chung nhưng bảo mật lại riêng từng ngân hàng đầu tư. Do đó, nếu các ngân hàng thương mại hợp tác với nhau xây dựng một “chợ chung” về bảo mật để chia sẻ chi phí, cùng hưởng lợi và chăm sóc khách hàng được tốt hơn. Khi đó, thanh toán qua kênh ngân hàng điện tử sẽ phát triển bền vững hơn.
TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính ngân hàng:
Thói quen dùng tiền mặt đã ăn sâu
Các kênh thanh toán không dùng tiền mặt chưa phát triển mạnh ở Việt Nam một phần do yếu tố văn hóa và thói quen trả tiền mặt đã “ăn sâu” vào người dân, cùng với cơ sở hạ tầng cho các giao dịch không dùng tiền mặt còn hạn chế, ngay cả ở các thành phố lớn. Mới đây, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 khoảng 50% thị dân không dùng tiền mặt, mục tiêu này chắc chắn gặp thách thức không nhỏ, nhất là khi người dân bị tác động khá lớn về tâm lý từ những vụ việc chủ thẻ, chủ tài khoản bị mất tiền dù không giao dịch gần đây. Yếu tố bảo mật, an toàn khi giao dịch chưa khiến người dùng an tâm. Do đó, cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thêm tiện ích cho người dùng nhất là ở các kênh bán lẻ.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế:
Trước hết phải cung cấp hạ tầng thanh toán tiện lợi
Muốn thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân, trước hết các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán phải tạo những tiện ích đủ thuyết phục. Hiện có nhiều đơn vị không đầu tư tương xứng cho tiện ích thì rất khó để người dùng thanh toán không tiền mặt. Đơn cử như việc cà thẻ qua máy POS ở các cửa hàng dịch vụ… khách hàng phải tốn phí 2,5%-3% trên tổng hóa đơn, trong khi trả tiền mặt tiện lợi hơn thì không ai chọn cà thẻ. Có vẻ như chúng ta đang khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt nhưng quá trình thực hiện lại đẩy khó cho khách hàng.
Thái Phương ghi