Giới thiệu tổng quan về Tổng công ty BHTG Philippines
Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Philippines (PDIC) là cơ quan tài chính trực thuộc Bộ Tài chính và hoạt động độc lập. PDIC được thành lập với mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ lợi ích của người gửi tiền thông qua việc cung cấp bảo hiểm cho các khoản tiền gửi. Đồng thời, việc PDIC tăng cường hệ thống BHTG sẽ góp phần hình thành, bảo vệ và duy trì niềm tin vào hệ thống ngân hàng, phòng tránh những hoạt động có tính chất vi phạm pháp luật. Để thực hiện các mục tiêu trên, PDIC có những nhiệm vụ chính như bảo hiểm tiền gửi, kiểm tra và xử lý, tiếp nhận và thanh lý.
Các tổ chức là thành viên của PDIC bao gồm: ngân hàng hoạt động theo luật của Philippines bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng tiết kiệm, ngân hàng thế chấp, hiệp hội cho vay - tiết kiệm – chứng khoán, ngân hàng phát triển, ngân hàng hợp tác xã, và ngân hàng nông thôn, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Tính đến tháng 3 năm 2016, PDIC có 622 ngân hàng thành viên, trong đó có 41 ngân hàng thương mại (bao gồm chi nhánh các ngân hàng nước ngoài), 66 ngân hàng tiết kiệm (ngân hàng tiết kiệm, ngân hàng thế chấp, hiệp hội cho vay và tiết kiệm, ngân hàng phát triển), và 515 ngân hàng nông thôn (bao gồm ngân hàng hợp tác xã).
PDIC thực hiện bảo hiểm với hạn mức là 500.000 Peso (khoảng 9.500 USD)/người gửi tiền/ngân hàng. Tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người gửi tiền tại ngân hàng đóng cửa sẽ được cộng dồn và đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ ban đầu. Hạn mức bảo hiểm cho tất cả các loại tiền gửi trong ngân hàng bao gồm cả nội tệ và ngoại tệ.
Cơ sở pháp lý
PDIC được thành lập ngày 22 tháng 6 năm 1963 theo Luật Cộng hòa 3591 có tên Đạo luật thành lập Tổng công ty BHTG Philippines, quyền hạn, trách nhiệm và những vấn đề liên quan khác.
Mô hình, chức năng, nhiệm vụ
Mô hình: Chi trả mở rộng
Chức năng: PDIC có chức năng BHTG cho người gửi tiền nhằm ổn định niềm tin của công chúng. PDIC đảm bảo thanh toán kịp thời các khoản tiền gửi được bảo hiểm, thực hiện chức năng giám sát, xử lý và thanh lý tài sản đối với các ngân hàng tham gia BHTG.
Nhiệm vụ:
Bảo hiểm tiền gửi: PDIC cung cấp hạn mức bảo hiểm tối đa 500.000 Peso cho mỗi người gửi tiền tại mỗi ngân hàng. Nhằm chi trả tiền gửi được bảo hiểm, PDIC xây dựng quỹ BHTG chủ yếu thông qua việc thu phí đối với các ngân hàng thành viên với mức phí đồng hạng là 0,2% tổng số dư tiền gửi.
Kiểm tra và xử lý: PDIC phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng trung ương Philippines trong việc duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng. PDIC được ủy quyền ban hành các quy định nhằm thực hiện mục tiêu chính sách công, tiến hành kiểm tra ngân hàng và các cuộc điều tra nhằm đánh giá mức độ an toàn tài chính và hoạt động lành mạnh của các ngân hàng, hỗ trợ tài chính tới các ngân hàng có vấn đề.
Tiếp nhận và thanh lý: PDIC là tổ chức tiếp nhận và thanh lý các ngân hàng đóng cửa. Theo các quyết định của Ủy ban tiền tệ thuộc Ngân hàng trung ương Philippines, PDIC sẽ tiếp quản các ngân hàng đã bị đóng cửa, quản lý tài sản, duy trì hoạt động của ngân hàng nhằm đảm bảo quyền lợi của các chủ nợ của ngân hàng đã bị đóng cửa. Trong vòng 90 ngày, PDIC phải xác định liệu ngân hàng bị đóng cửa đó có thể phục hồi được không và phải báo cáo kết quả với Ngân hàng trung ương Philippines. Trong trường hợp phải tiến hành thanh lý ngân hàng, tài sản của ngân hàng đó sẽ được bán đi để trả cho các chủ nợ theo thứ tự ưu tiên và quy định về sự trùng nợ theo Luật dân sự Philippines.
Cơ cấu tổ chức
Quỹ BHTG
Tổng nguồn quỹ BHTG của PDIC là 100 tỷ PHP (tương đương 2,2 tỷ USD).
Vai trò của hệ thống BHTG trong mạng an toàn tài chính
Tổng quan mạng an toàn tài chính
Mạng an toàn tài chính Philippines gồm 4 thành viên:
- Ngân hàng Trung ương (BSP) là cơ quan quản lý tiền tệ Trung ương, kiểm soát ngân hàng và là người cho vay cuối cùng.
- Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái (SEC) - cơ quan quản lý công ty tư nhân, chứng khoán và giám sát các trung gian tài chính phi ngân hàng.
- Ủy ban bảo hiểm (OIC) là cơ quan quản lý các công ty bảo hiểm.
- BHTG Philippines (PDIC) - cơ quan bảo hiểm nhà nước.
4 thành viên trên đã thành lập Diễn đàn tài chính (FSF) vào năm 2004 nhằm tăng cường liên ngành trong hỗ trợ các chính sách liên quan đến giám sát và quản lý. Chủ tịch của Diễn đàn tài chính là Thống đốc Ngân hàng Trung ương.
Vai trò của hệ thống BHTG trong mạng an toàn tài chính
PDIC với tư cách là thành viên trong mạng an toàn tài chính, đóng vai trò quan trọng trong mạng an toàn tài chính tại Philippines. Do được trang bị đầy đủ thẩm quyền để thực hiện cơ chế BHTG, quản lý tiếp nhận và thanh lý, giám sát và kiểm tra an toàn các ngân hàng, PDIC đã và đang đóng góp nhiều công sức và nỗ lực trong việc cải thiện môi trường hoạt động của hệ thống ngân hàng, nâng cao kỷ luật thị trường và hỗ trợ các ngân hàng phát triển bền vững.
Vai trò của PDIC trong việc duy trì sự ổn định tài chính được thể hiện trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Để giữ vững niềm tin của người gửi tiền, PDIC thực hiện cơ chế BHTG, đồng thời điều tra và xử lý các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo. Tại thời điểm đó, PDIC đã tiến hành cải tiến Quy trình giải quyết khiếu nại liên quan đến chi trả và bồi hoàn nhằm tiếp cận công chúng một cách nhanh chóng và kịp thời. Quy trình này đã được tổ chức quốc tế cấp chứng nhận ISO 9001:2008 vào tháng 6 năm 2010, qua đó, nâng cao vị thế của PDIC ngang tầm quốc tế trong quá trình xử lý, chi trả và bồi hoàn. Ngoài ra, PDIC đặc biệt chú ý đến quyền lợi của những người gửi tiền nhỏ lẻ, được xác định là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong các cuộc khủng hoảng ngân hàng
Năm 2009, PDIC đã tiến hành sửa đổi Điều lệ hoạt động. Theo đó, tăng cường vai trò giám sát kiểm tra quy định an toàn đối với các ngân hàng, bao gồm quyền tiến hành kiểm tra đặc biệt, giám sát ngân hàng khi ngân hàng hoạt động không an toàn, và phân loại, xác định các loại tiền gửi sẽ không được bảo hiểm. Phương pháp này không những nhất quán với Nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả của IADI, mà còn đóng góp vào sự phát triển hệ thống tài chính lành mạnh. Ngoài ra, hạn mức bảo hiểm được nâng lên từ 250.000 Peso lên 500.000 Peso cho phép chế độ bảo vệ rộng hơn đối với công chúng người gửi tiền, đặc biệt đối với người gửi tiền nhỏ lẻ. Thêm vào đó, việc xây dựng Quỹ bảo hiểm tiền gửi cũng phản ánh sự vững mạnh của hệ thống và khả năng chi trả của PDIC khi có yêu cầu đặt ra.
Phòng NCTH&HTQT
Nguồn tài liệu tham khảo:
http://www.pdic.gov.ph/