Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đến 31/12/2015 có 56 quỹ tín dụng nhân dân (QTD), chiếm 24,45% (56/229) trên tổng số QTD do Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) khu vực Bắc Trung Bộ trực tiếp quản lý. Trong những năm qua, hệ thốngQTD Nghệ An đã phát triển, tăng trưởng cả quy mô và chất lượng, cao hơn mức bình quân các đơn vị trên khu vực.
Tổng nguồn vốn hoạt động của 56 QTD là 4.016,2 tỷ đồng, tăng 17,53% so với năm 2014 (mức bình quân khu vực tăng 15,57%). Trong đó, nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 3.338,9 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2014, mức huy động vốn bình quân 01 đơn vị là 61 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay 3.422,1 tỷ đồng, tăng 20,6% so với năm 2014; mức dư nợ bình quân 01 đơn vị 62 tỷ đồng; nợ quá hạn là 16,9 tỷ đồng, chiếm 0,49%, trong đó: nợ xấu 11,6 tỷ đồng chiếm 0,34% (dưới mức cho phép). Chênh lệch thu nhâp - chi phí là trên 39 tỷ đồng. Nhìn chung, hệ thống QTD Nghệ An đều hoạt động an toàn hiệu quả, không có QTD nào bị xếp vào nhóm 5 (nhóm nguy cơ có khả năng bị giải thể, phá sản).
Là một tổ chức thực hiện chính sách BHTG trên địa bàn với mục tiêu bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, với vai trò, nhiệm vụ của mình, trong những năm qua, hoạt động của Chi nhánh BHTGVN khu vực Bắc Trung Bộ luôn gắn liền với hoạt động của hệ thống QTD. Chi nhánh và các quỹ đã tích cực phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHTG nhằm củng cố, nâng cao niềm tin công chúng, thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư giúp QTD đầu tư cho vay phát triển kinh tế gồm: cho vay thương mại dịch vụ, cho vay sản xuất kinh doanh phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ, góp phần xoá đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế hộ gia đình, hỗ trợ tích cực cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp; đồng thời hỗ trợ đắc lực và kịp thời cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn và góp phần thúc đẩy công cuộc xây dựng nông thôn mới theo đúng chủ trương của Nhà nước trong nền kinh tế hội nhập.
Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động nghiệp vụ BHTG, Chi nhánh luôn sát cánh cùng các đơn vị tiến hành tổ chức thực hiện tái cấu trúc hệ thống QTDND theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát đối với các QTD, Chi nhánh đã phát hiện kịp thời những dấu hiệu rủi ro, biểu hiện yếu kém, vi phạm các quy định về BHTG, an toàn trong hoạt động ngân hàng; từ đó đề xuất, kiến nghị phương án giải quyết phù hợp hoặc tổng hợp báo cáo chi nhánh NHNN có biện pháp xử lý kịp thời. Định kỳ, Chi nhánh thực hiện giám sát đạt 98-100% tổ chức tham gia BHTG, trung bình hàng năm thực hiện kiểm tra đối với hơn 75 lượt đơn vị. Đặc biệt, từ năm 2013 - năm Luật BHTG có hiệu lực đến nay, Chi nhánh luôn bám sát chỉ đạo của Ban lãnh đạo BHTG Việt Nam, phối hợp nhịp nhàng với chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan và chủ động trong triển khai nhiệm vụ với những cách làm năng động, sáng tạo, áp dung công nghệ tin học tiên tiến để kịp thời đề xuất biện pháp xử lý, phòng ngừa đổ vỡ, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Đối với những QTDND có biểu hiện yếu kém, có dấu hiệu rủi ro, Chi nhánh thực hiện kiểm tra đột xuất, áp dụng các biện pháp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Các vấn đề vượt thẩm quyền Chi nhánh có báo cáo đề nghị chi nhánh NHNN xử lý sai phạm theo quy định pháp luật hiện hành.
Theo Luật Bảo hiểm tiền gửi, tuyên truyền chính sách BHTG là một nhiệm vụ trọng tâm của BHTG. Chính vì vậy, Chi nhánh đã đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhiều kênh truyền thông, qua đó đã làm cho cộng đồng dân cư, người gửi tiền hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình, yên tâm dành dụm gửi tiền vào các tổ chức tín dụng để tái đầu tư phát triển kinh tế, giảm tình trạng mua vàng tích trữ, từng bước xóa bỏ nạn cho vay nặng lãi, tín dụng “đen”, góp phần lành mạnh hóa thị trưởng tiền tệ - tín dụng tại địa phương và tăng khả năng huy động vốn của hệ thống QTD.
Đặc biệt, ở Nghệ An đã từng có QTD gặp sự cố, người gửi tiền đến rút tiền gửi hàng loạt, ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản. Chi nhánh BHTGVN khu vực Bắc Trung Bộ đã phối hợp với chi nhánh NHNN trên địa bàn, chính quyền địa phương tổ chức hội nghị khách hàng, thực hiện tuyên truyền, giải thích để nâng cao hiểu biết của người dân về quy định BHTG, làm dịu tin đồn thất thiệt gây xáo trộn tâm lý, hoang mang đối với người gửi tiền, có thể ảnh hưởng không tốt tới sự ổn định của thị trường tài chính tiền tệ, giúp đơn vị dần dần ổn định, trở lại hoạt động bình thường.
Ông Phạm Văn Nhân - Giám đốc QTDND cơ sở xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa, nhớ lại: ... Năm 2006 ở xã Nghĩa Thuận có hiện tượng người dân đến quỹ rút tiền ồ ạt để đầu tư mua đất quy hoạch với số tiền trên 2 tỷ đồng, làm cho QTD lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Trước tình hình đó, QTD đã báo cáo và lập hồ sơ gửi Chi nhánh BHTGVN khu vực Bắc Trung Bộ để xin vay hỗ trợ và đã được Chi nhánh cử đoàn cán bộ trực tiếp về QTD Nghĩa Thuận giải thích, tuyên truyền cho người dân yên tâm khi có tiền gửi vào quỹ. Qua đó, khách hàng đã yên tâm và đăng ký rút tiền theo thứ tự, đơn vị đã tự cân đối được nguồn, hiện tượng rút tiền hàng loạt được ngăn chặn kịp thời. Nhờ vậy, Quỹ tiếp tục hoạt động đảm bảo an toàn, hiệu quả; an sinh xã hội trên địa bàn được giữ vững và nguồn vốn của đơn vị không ngừng lớn mạnh, cụ thể: Tổng nguồn vốn hoạt động năm 2003 là 4,347 tỷ đồng thì đến năm 2006 là 12 tỷ đồng; năm 2007: 18 tỷ đồng; năm 2008: 23 tỷ; năm 2009: 26,288 tỷ đồng, dư nợ cho vay là 24,36 tỷ đồng và đến 31/12/22015 là 174,083 tỷ đồng, dư nợ cho vay 159,094 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa - Giám đốc QTDND xã Hưng Đông, TP Vinh cho biết, từ khi chính sách BHTG được triển khai, hoạt động huy động tiền gửi của Quỹ tăng đáng kể, người dân không còn “mặc cảm” về sự đổ vỡ của hợp tác xã tín dụng những năm 80 - 90 của thời kỳ bao cấp và ngày càng tin tưởng gửi tiền vào Quỹ. Nhờ vậy, Quỹ có nguồn vốn để cho vay phát triển kinh tế trên địa bàn đạt hiệu quả cao, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đời sống cán bộ, nhân dân trong xã được cải thiện.
Bà Hoàng Thị Luyện - xóm 11, xã Nghi Hương - thị xã Cửa Lò – là thành viên của một QTD, tâm sự: “... Tôi cũng có tiền gửi tiết kiệm tại qũy. Gửi tiền ở đây thuận lợi, an toàn. Có BHTG tôi rất yên tâm”. Ông Nguyễn Sinh Hán – cán bộ hưu trí ở xóm Đông Hồng - Đông Hiếu - thị xã Thái hòa cho biết, hàng tháng ông đều đến gửi tiền vào QTD, vừa thuận lợi, vừa an toàn vì quỹ đã tham gia BHTG, nếu có sự cố thì đã được.
Từ những ví dụ cụ thể trên đây, có thể thấy rằng, trong những năm qua, với việc triển khai có hiệu quả chính sách BHTG, Chi nhánh BHTGVN khu vực Bắc Trung Bộ đã luôn đồng hành với QTD trên địa bàn, từng bước góp phần giúp hệ thống QTD phát triển vững mạnh, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền.
Nguyễn Xuân Toàn – Chi nhánh BHTGVN khu vực Bắc Trung Bộ
Tài liệu tham khảo: Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát năm 2015; báo cáo kết quả hoạt động năm 2015 và kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2016 của chi nhánh BHTGn khu vực Bắc Trung Bộ;