Thực tế cho thấy, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ, thực thi chính sách theo quy định thì phối hợp, trao đổi thông tin là rất cần thiết, khách quan giúp cho việc nắm bắt chính xác, thực trạng hoạt động của tổ chức tham gia BHTG trên phương diện quản lý nhà nước của BHTGVN và Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trên tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo triển khai Quy chế 2252, Tổ chỉ đạo của Chi nhánh BHTGVN Khu vực ĐBSCL (Chi nhánh) đã được thành lập. Cán bộ tin học của Chi nhánh cùng Phòng Công nghệ tin học, Phòng Giám sát, Phòng Kiểm tra, Phòng Quản lý thu phí và Chi trả đã phối hợp truyền thử Đợt 1 tại Trụ sở chính BHTGVN trong tháng 5/2018.
Chi nhánh đã xây dựng nội dung đào tạo việc truyền file phù hợp với đặc điểm của địa bàn khu vực Chi nhánh và đào tạo tập trung tại thành phố Cần Thơ cho 157 tổ chức, 314 người (đạt 100%.). Đến cuối tháng 6/2018, Chi nhánh làm đầu mối truyền thử Đợt 2 với 03 tổ chức tham gia BHTG (Ngân hàng Kiên Long - Kiên Giang, QTDND Lạc Tấn - Long An, QTDND Vĩnh Long - Vĩnh Long). Chi nhánh đã tích cực hỗ trợ tổ chức tham gia BHTG thực hiện thủ tục đăng ký bổ sung chứng thư số để ký báo cáo gửi BHTGVN và các thủ tục theo Quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm. Thông qua phần mềm Teamview, Ultraview, Chi nhánh đã hỗ trợ các QTDND trên địa bàn cài đặt phần mềm ICM và cấu hình những máy do đơn vị cài đặt nhưng không kết nối được với máy chủ của BHTGVN, hướng dẫn các đơn vị tạo và gửi báo cáo trên ICM. Đến tháng7/2018, Chi nhánh đã hoàn thành việc cài đặt và kết nối thành công phần mềm ICM của tất cả các tổ chức tham gia BHTG trên địa bàn quản lý.
Trước kia, các QTDND thực hiện gửi báo cáo cho NHNN trực thuộc thông qua đường điện thoại (dial-up); việc gửi báo cáo cho BHTGVN tại 100% đơn vị thực hiện dưới hình thức truyền thống là bằng văn bản (báo cáo bằng giấy) qua đường bưu điện. Thời gian chuyển nhanh nhất là 2 ngày, chậm là 5 ngày, chưa kể báo cáo bị thất lạc; ngoại trừ báo cáo tài chính đạt 91% số đơn vị gửi, còn lại các báo cáo thống kê của QTD mới chỉ có trên 70%, các báo cáo gửi chậm là việc thường xuyên; trên 60% đơn vị chưa ứng dụng phần mềm trong công tác kế toán, tín dụng. Hiện nay hoạt động này đã được cải thiện, công tác thu nhận báo cáo BHTG đã thực hiện được 03 quý trong năm 2018, 100% (160 đơn vị) các tổ chức tham gia BHTG trên địa bàn đã nộp đủ báo cáo.
Tổ chỉ đạo thực hiện Quy chế cũng gặp một số khó khăn bởi thời gian đầu các tổ chức tham gia BHTG còn bỡ ngỡ trong việc cài đặt, sử dụng phần mềm. Ngoài ra, các tổ chức tham gia BHTG phải làm song song 2 hệ thống biểu mẫu gửi NHNN và ngân hàng hợp tác; một số đơn vị phải điều chỉnh thủ công vì phần mềm chưa tương thích khi xuất file mẫu biểu báo cáo.
Tuy vậy, công tác triển khai Quy chế 2252 đạt mục tiêu đề ra nhờ những thuận lợi sau: Thứ nhất, Chi nhánh có sự hỗ trợ từ Trụ sở chính và các phòng, ban liên quan, sự liên lạc và hướng dẫn cũng như báo cáo tình hình thường xuyên giữa Ban chỉ đạo và các Tổ chỉ đạo thực hiện Quy chế 2252. Thứ hai, cùng với xu thế phát triển và hội nhập, nhiều QTDND trong khu vực đã năng động trong việc đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, mang lại hiệu quả lớn trong hoạt động. Hầu hết các đơn vị đều mong muốn và có nhu cầu thực hiện gửi báo cáo theo hình thức điện tử (100% đơn vị đã trang bị máy tính và có kết nối internet, là nền tảng tốt cho việc xây dựng hệ thống gửi báo cáo điện tử). Đa phần các tổ chức tham gia BHTG đều đạt yêu cầu nhất định về hệ thống công nghệ tin học để có thể thực hiện việc truyền nhận dữ liệu với BHTGVN và BHTGVN đã dành hơn 6 tháng để các tổ chức tham gia BHTG có thể chủ động sắp xếp số liệu và chuẩn bị hệ thống công nghệ thông tin tại đơn vị để có thể đưa vào sử dụng chính thức từ tháng 7/2018. Thứ ba, các tổ chức tham gia BHTG nhận thấy rõ lợi ích của việc giảm gánh nặng báo cáo cả về chi phí, thời gian mà độ bảo mật thông tin cao khi thực hiện truyền file theo Quy chế 2252.
Quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm là một kênh thông tin chính thống, là cơ sở để BHTGVN, tổ chức nhận tiền gửi và các bên liên quan thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của mình theo quy định của Luật BHTG; giúp cho việc phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin cần thiết giữa BHTGVN và các bên liên quan; tăng năng lực và hiệu quả của hoạt động kiểm tra, giám sát của BHTGVN nhằm thực hiện mục tiêubảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, góp phần ổn định và phát triển hệ thống tổ chức tín dụng.
Việc hỗ trợ công nghệ thực hiện công tác thông tin báo cáo theo Quy chế 2252 đã giúp các QTDND khu vực gửi báo cáo nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển, đi lại. Đáng chú ý, triển khai thành công quy chế cũng giúp BHTGVN củng cố năng lực kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức tham gia BHTG là QTDND, kịp thời có biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro. Đây là điều mà các cơ quan quản lý mong muốn nhằm từng bước hiện đại hoá, nâng cao năng lực hoạt động của QTDND trong giai đoạn hiện nay.