Số liệu trên vừa được Ủy ban quản lý ngành ngân hàng Trung Quốc (CBRC) công bố hồi giữa tuần. Theo đó trong quý 2, nợ xấu của các ngân hàng nước này đã tăng thêm 13 tỷ nhân dân tệ, đưa lượng nợ xấu lên mức cao nhất 17 quý gần đây. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ của nước này hiện ở mức 0,96%, không đổi so với quý I.
So với quý I, nợ xấu trong quý II của các ngân hàng cổ phần và ngân hàng thương mại cấp thành phố tăng nhanh hơn các ngân hàng quốc doanh, số liệu chính thức cho biết.
10 khu vực cấp tỉnh, bao gồm thành phố Thượng Hải, Giang Tô và Chiết Giang có tốc độ tăng nợ xấu cao nhất trong nửa đầu năm nay, ông Shang Fulin, chủ tịch của CBRC từng khẳng định trong phiên họp ngày 31/7.
Các khoản nợ xấu mới phát sinh tại Chiết Giang, Giang Tô và Sơn Đông trong 6 tháng vừa qua đã lên tới 31 tỷ nhân dân tệ, chiếm 67% tổng số nợ xấu mới phát sinh của toàn Trung Quốc trong cùng thời kỳ.
Theo ông An Zhanqiang, phó chủ tịch của công ty tư vấn Unbank Investment Consultant Ltd tại Bắc Kinh, nợ xấu gia tăng có liên quan mật thiết đến sự suy giảm kinh tế, đặc biệt tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất bởi sự giảm tốc của nền kinh tế.
Những khu vực trên, vốn dựa chủ yếu vào doanh nghiệp nhỏ và các nhà sản xuất thép, những người trông cậy nhiều vào nguồn vốn tín dụng, đóng góp lớn nhất vào sự gia tăng nợ xấu. Điều này lý giải vì sao nợ xấu của các ngân hàng thương mại cấp thành phố và ngân hàng cổ phần, những nhà băng có đối tượng khách hàng chính không phải các doanh nghiệp được nhà nước hỗ trợ, lại cao hơn các ngân hàng quy mô lớn.
Không những vậy, còn có ý kiến cho rằng các con số về nợ xấu chính thức có thể không phản ánh đúng tình hình nợ xấu hiện tại, bởi các ngân hàng Trung Quốc thường tìm cách tránh ghi nhận nợ quá hạn thành nợ xấu, Jin Lin, nhà phân tích ngành ngân hàng của công ty chứng khoán Phương Đông khẳng định với tờ thời báo Hoàn Cầu.
Ngân hàng khát vốn
Theo tờ tạp chí phố Wall, sau nhiều năm tăng trưởng tín dụng ở mức cao, khiến tình hình nợ xấu trở nên trầm trọng, ngành ngân hàng Trung Quốc đang cho thấy những rạn nứt về cấu trúc, trong đó có khó khăn về nguồn vốn.
Các khoản tín dụng dễ dãi từ ngân hàng cho các doanh nghiệp quốc doanh và chính quyền địa phương đã dẫn tới sự dư thừa về công suất, tình trạng nợ xấu nghiêm trọng ở các chính quyền địa phương, các công ty và tổ chức tín dụng. Nhiều dự án thiếu hiệu quả ra đời, từ những khu mua sắm, khu nghỉ dưỡng gần như trống không, tới những cây cầu không dẫn tới đâu.
Hiện nhiều ngân hàng nước này đang cố gắng củng cố bảng cân đối kế toán trước tình hình nợ xấu tăng lên, đi đôi với tăng trưởng lợi nhuận chậm lại. Việc tăng vốn nhiều khả năng sẽ không dễ dàng với nhiều ngân hàng do các nhà đầu tư, những người đã bán thảo cổ phiếu ngân hàng, lo sợ trước sức khỏe suy yếu và tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc.
“Những vấn đề các ngân hàng đang đối mặt đó là tâm lý thị trường rất xấu”, Mark Mobius, chủ tịch điều hành của Templeton Emerging Markets Group, một đơn vị trực thuộc quỹ Franklin Templeton Investments với khối tài sản hơn 50 tỷ tại các thị trường mới nổi, cho biết.
Những yếu kém trong ngành ngân hàng Trung Quốc là một phần của những vấn đề rộng lớn hơn của ngành tài chính Trung Quốc. Nhiều nhà đầu tư lo lắng về sự tăng lên của các khoản nợ ngoại bảng, được các ngân hàng sử dụng như là một cách để “lách” trần tăng trưởng tín dụng được cấp.
Hiện tượng này khiến tín dụng tiếp tục đổ tới các chính quyền địa phương và những người vay rủi ro cao. Sự gia tăng của các hoạt động “tín dụng ngầm” từng khiến ngân hàng trung ương Trung Quốc thắt chặt thanh khoản, đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh hồi tháng 6, nhằm hạn chế hoạt động cho vay tràn lan. Khi lãi suất vay ngắn hạn lên gần 30%, các ngân hàng nháo nhào huy động vốn, làm thị trường chứng khoán và trái phiếu nước này gần như hoảng loạn.
Để giải quyết tình trạng khát vốn, 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất nước này vừa được phép phát hành tổng cộng 270 tỷ nhân dân tệ (tương đương 44,1 tỷ USD) chứng khoán trong vòng 2 năm tới. Con số này còn cao hơn tổng số chứng khoán mà “tứ đại gia” này phát hành trong 2 năm trước đó.
Vấn đề là thị trường chứng khoán nước này đang diễn biến rất bất lợi. Trong đó chỉ số Hang Seng China Enterprises Index, theo dõi các doanh nghiệp đại lục niêm yết tại Hồng Kông đã sụt hơn 10% từ đầu năm.
Sau nhiều năm tăng trưởng nóng, với tổng tài sản đạt khoảng 21.000 tỷ USD trong năm ngoái, tăng 126,5% so với 4 năm trước đó, hệ thống ngân hàng Trung Quốc đang trở thành hệ thống ngân hàng tăng tưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế mới nổi, theo đánh giá của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings.
Tuy nhiên, đây cũng là hệ thống có sự vốn hóa thấp nhất trong số các nền kinh tế mới nổi khi vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 6,5% tổng tài sản. Tỷ lệ này ở 48 nền kinh tế mới nổi khác trung bình là 11,2%.
Theo nghiên cứu của ChinaScope Financial, một công ty nghiên cứu có một phần thuộc sở hữu của Moody's Corp, ngành ngân hàng Trung Quốc sẽ cần phải tăng vốn từ 50 – 100 tỷ USD thông qua bán cổ phần trong vòng 2 năm tới để duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu hiện tại.
“Khi các ngân hàng có thể sẽ thấy tỷ lệ lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn, họ cần phải lựa chọn giữa giảm sự mở rộng quy mô bảng cân đối kế toán hoặc chuẩn bị tăng thêm vốn”, Tom Liu, CEO của ChinaScope khẳng định.