Đưa chính sách vào cuộc sống
Tại một số nơi, vì ham lãi suất cao, người dân đã đem những đồng tiền tích góp được của mình gửi vào các doanh nghiệp, cá nhân không được phép huy động vốn dẫn đến rủi ro rất lớn, đồng tiền mồ hôi công sức của mình coi như mất trắng.
Tại Vĩnh Phúc, gần đây, nhiều người dân mang băng rôn, giấy tờ tới tiệm vàng Duy Đông thuộc Công ty Duy Hiên, trụ sở tại đường Trần Hưng Đạo, TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc, để đòi nợ. Dưới mác kinh doanh hoành tráng, Công ty Duy Hiên đã huy động hàng trăm tỷ đồng từ người dân, sau đó chây ỳ không trả. Sự việc đã kéo dài hơn hai năm nay.
Ông Nguyễn Văn Tâm – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: “Mong rằng bà con nếu có tiền nhàn rỗi thì nên gửi vào các tổ chức tín dụng có tham gia bảo hiểm tiền gửi – đó là những nơi đồng tiền gửi của mình được pháp luật bảo hộ, đảm bảo sự an toàn”.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay có 25 chi nhánh ngân hàng cấp I, 31 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), 1 tổ chức tài chính vi mô có mạng lưới rộng khắp trong toàn tỉnh, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Tính đến cuối tháng 7/2018, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt gần 63.000 tỷ đồng, trong đó nguồn tiền gửi tiết kiệm của dân cư là chủ yếu (chiếm hơn 60%).
Để thu hút được dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư, các tổ chức tín dụng phải tạo dựng được niềm tin của người dân, mà chính sách bảo hiểm tiền gửi là một trong những đảm bảo để người dân tin tưởng gửi tiền vào các tổ chức tín dụng.
Trước đây, đại bộ phận dân chúng còn tâm lý e ngại khi gửi tiền vào các tổ chức tín dụng nhỏ, đặc biệt là các QTDND. Song hiện nay, cùng với sự nỗ lực cố gắng của các QTDND, cộng với hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thông qua việc triển khai, tuyên truyền tích cực, hiệu quả chính sách bảo hiểm tiền gửi tới công chúng và người gửi tiền nên công tác huy động vốn của các QTDND nói chung đã khởi sắc, tốc độ huy động nguồn vốn năm sau luôn cao hơn năm trước. QTDND Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc là một ví dụ.
Thanh Lãng là thị trấn có nghề mộc truyền thống, kinh tế phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc. Nhờ việc tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi có hiệu quả và tạo dựng được lòng tin với người dân bằng những việc làm cụ thể, QTDND Thanh Lãng đã và đang hoạt động khá hiệu quả. Tính đến cuối tháng 7/2018, tổng số dư tiền gửi của Quỹ đạt 176 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó khẳng định người dân và các thành viên rất tin tưởng vào hoạt động của quỹ, đồng nghĩa với việc hạn chế được tình trạng “tín dụng đen”.
“Có thể nói, nhờ đưa chính sách bảo hiểm tiền gửi vào cuộc sống đã thay đổi nhận thức sâu sắc của hầu hết bộ phận dân cư trên địa bàn, củng cố niềm tin người gửi tiền đối với hệ thống QTDND. Thực tiễn đó đã khẳng định sự đúng đắn hợp lòng dân của chính sách bảo hiểm tiền gửi, tác động tích cực đến lòng tin của dân chúng, người gửi tiền, cải thiện tâm lý e ngại, phân biệt đối với các QTDND, giúp cho việc huy động vốn của các QTDND tăng trưởng và phát triển bền vững” – ông Lưu Tuấn Đào – Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Thanh Lãng khẳng định.
Tạo dựng được niềm tin của người dân
Đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Năm, một khách hàng quen thuộc của Quỹ, tại khu công nghiệp làng nghề thị trấn Thanh Lãng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước cơ ngơi khang trang mà vợ chồng ông đã gây dựng sau bao nhiêu năm làm kinh tế. Tiếp chúng tôi trong căn nhà 3 tầng đầy đủ tiện nghi, ông Năm tâm sự: “Gia đình tôi có được cơ ngơi như ngày hôm nay cũng một phần nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của QTDND thị trấn Thanh Lãng”. Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề mộc, nhưng vì kinh tế khó khăn, ông Năm phải đi làm thuê, làm mướn ở khắp nơi. Năm 1997, với số vốn ít ỏi tích luỹ được, cùng sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, ông trở về quê mở xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, nhưng với quy mô nhỏ lẻ, làm được đến đâu tiêu hết đến đó. Sau nhiều đêm trăn trở tìmlối thoát cho xưởng mộc của mình, năm 2000, ông đã mạnh dạn vay vốn từ QTDND thị trấn Thanh Lãng để mua sắm máy móc, mở rộng xưởng sản xuất. Xưởng mộc của gia đình ông ngày càng phát triển. Đến nay, gia đình đã có của ăn của để, mua được đất, xây được nhà, mở rộng xưởng sản xuất với nhiều máy móc hiện đại. Không chỉ vậy, mỗi khi có nguồn vốn nhàn rỗi, ông Năm lại gửi vào QTDND, vừa có thêm thu nhập, vừa để giúp các gia đình khác phát triển kinh tế.
“Tôi đã được nghe Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tuyên truyền về chính sách bảo hiểm tiền gửi. Gửi tiền vào QTDND vừa có lãi lại không lo mất vốn do đã được nhà nước bảo hộ. Vì vậy cứ có tiền nhàn rỗi tôi lại gửi vào quỹ tín dụng nhân dân địa phương” – ông Năm nói.
Ông Lưu Văn Lệ (61 tuổi) – một khách hàng của QTDND Thanh Lãng nắm khá rõ về chính sách bảo hiểm tiền gửi, từ hạn mức bảo hiểm tiền gửi hiện giờ là 75 triệu đồng, đến việc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không chỉ chi trả mà còn giám sát, kiểm tra để quỹ tín dụng nhân dân hoạt động lành mạnh. Ông ghi nhớ và giải thích về hạn mức 75 triệu đồng một cách khá cặn kẽ: “Gửi tiền tiết kiệm là một hình thức đầu tư, đầu tư nhiều thì phải chấp nhận rủi ro. Chính sách bảo hiểm tiền gửi chủ yếu dành cho những người gửi tiền nhỏ lẻ, ít thông tin. Số tiền vượt hạn mức vẫn sẽ được tiếp tục chi trả trong quá trình thanh lý tài sản của quỹ nếu chẳng may quỹ đổ vỡ”.
Ông Lệ là một trong số không ít khách hàng của QTDND thể hiện sự yên tâm và quan điểm sẵn sàng là “tuyên truyền viên” về BHTG để lan tỏa, nhân rộng sự tin tưởng của mình.
Những tâm tư của người dân phần nào thể hiện hiệu quả cũng như thành công của việc triển khai chính sách BHTG. Nhận thức của người dân được nâng cao góp phần tạo dựng niềm tin, sự yên tâm khi họ cầm những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình mang tới gửi các tổ chức tín dụng. Thực tế đó đã được chứng minh khi ngày càng nhiều người mang tiền tới các quỹ tín dụng nhân dân gửi tiết kiệm, đẩy lùi tệ nạn “tín dụng đen”.