Trong bối cảnh các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính khác chưa đẩy mạnh hoạt động ở khu vực xa các trung tâm đô thị, sự ra đời của hệ thống QTDND vào năm 1993 đã thiết lập một mô hình tín dụng hợp tác mới, góp phần bổ sung vào khoảng trống trong hoạt động ngân hàng tại các vùng nông thôn. QTDND do chính những thành viên ở địa phương tự nguyện thành lập, hoạt động tương trợ cộng đồng giữa các thành viên không vì mục tiêu lợi nhuận, thực sự thích hợp với tình hình kinh tế thị trường khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Thái Bình với đặc thù của một tỉnh thuần nông đã nhanh chóng triển khai thành lập hệ thống QTDND nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có 85 QTDND hoạt động trên địa bàn 157 xã, phường, thị trấn, trong đó có 48 QTDND mở rộng địa bàn sang 72 xã liền kề. Hoạt động của hệ thống QTDND đã đạt được những thành tựu nhất định góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế ở địa phương và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, giảm nạn cho vay nặng lãi trên các địa bàn, đặc biệt trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, hệ thống QTDND còn có nhiệm vụ quan trọng cung ứng vốn cho thành viên cùng với tập thể thực hiện chủ trương này, qua đó khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của một tổ chức tín dụng (TCTD) gần dân, hiểu dân từ phương thức làm ăn, mục đích sản xuất kinh doanh, phong tục tập quán, có điều kiện giúp nhau phát tiển kinh tế để làm giầu, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, tạo công ăn việc làm, góp phần nâng cao ý thức tiết kiệm và tích lũy của người dân, nâng cao tinh thần tương thân, tương ái, xây dựng cộng đồng làng, xã thân thiện, xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế chính trị xã hội địa phương.
Ông Lê Viết Đang phát biểu trong buổi làm việc với đoàn công tác của BHTGVN
Với thành công trong quá trình xây dựng và phát triển đó, hệ thống QTDND tỉnh Thái Bình luôn nhận được sự chỉ đạo, quản lý chặt chẽ của NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình, của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Đặc biệt, không thể thiếu vai trò phối hợp quan trọng của Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc Bộ. Bởi với tính chất và mô hình hoạt động đặc thù của QTDND, quy mô hoạt động hạn chế, người dân có tâm lý lo ngại có thể mất tiền gửi do "bị đóng cửa", thì sự đồng hành của tổ chức BHTG ngay từ khi thành lập QTDND với cam kết bảo vệ người gửi tiền thông qua hoạt động cấp chứng nhận tham gia BHTG, thông tin tuyên truyền về chính sách BHTG đến công chúng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các QTDND mới ra đời phát triển, tâm lý e ngại của người gửi tiền được giải toả, niềm tin của người dân vào hệ thống QTDND được cải thiện rõ rệt, từ đó giúp cho hoạt động huy động vốn của hệ thống QTDND tăng trưởng ổn định, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương.
Mặt khác, bất kỳ TCTD nào trong quá trình hoạt động đều tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro, có khả năng gây mất an toàn hệ thống. Riêng đối với QTDND, bên cạnh ưu thế hiểu địa bàn, chi phí hoạt động thấp, mục tiêu hoạt động mang tính chất tương trợ thành viên và những yếu tố tích cực, hệ thống QTDND cũng vẫn gặp một số hạn chế nhất định như: hoạt động của toàn hệ thống còn đơn điệu, chưa khai thác hết tiềm năng, chủ yếu là huy động và cho vay, rủi ro tiềm ẩn, nhất là rủi ro đạo đức - nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của các QTDND.
Hầu hết các QTDND “có vấn đề” đều bắt đầu từ những sai phạm trong quản lý của lãnh đạo một số quỹ như cố tình chiếm đoạt tài sản chung, cho vay sai nguyên tắc… khiến quỹ bị thua lỗ hoặc đổ vỡ phá sản. Chính vì vậy, Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc Bộ với vai trò bảo vệ trực tiếp lợi ích hợp pháp của người gửi tiền bằng việc thực hiện chi trả tiền bảo hiểm công khai cho người gửi tiền theo đúng quy định của pháp luật; gián tiếp bảo vệ người gửi tiền tích cực bằng các hoạt động phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro đối với hoạt động của hệ thống QTDND thông qua các hoạt động giám sát, kiểm tra và tham gia kiểm soát đặc biệt cùng với NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình đối với QTDND bị kiểm soát đặc biệt đã góp phần giảm thiểu rủi ro trong hoạt động, đảm bảo sự an toàn và phát triển bền vững của hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, vai trò của tổ chức BHTG càng trở nên quan trọng khi BHTG được xem như cam kết công khai và là công cụ hữu hiệu của Chính phủ nhằm củng cố lòng tin của công chúng vào hệ thống QTDND, hạn chế tình trạng rút tiền hàng loạt vì nghe tin đồn thất thiệt, không có cơ sở về tình hình hoạt động tài chính kém lành mạnh của một QTDND nào đó; hoặc thậm chí ngay cả trong trường hợp thực sự có sự đổ vỡ của QTDND thì biện pháp can thiệt kịp thời của các cơ quan chức năng, trong đó việc Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc Bộ tiến hành chi trả tiền gửi kịp thời cho người gửi tiền đã tránh được sự lây lan, mất an toàn hệ thống.
Sau 15 năm triển khai chính sách BHTG, Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc Bộ luôn khẳng định tốt vai trò bảo vệ người gửi tiền và duy trì ổn định hoạt động hệ thống QTDND trên địa bàn. Việc tăng cường công tác phối hợp giữa Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc Bộ với Chi nhánh NHNN tỉnh Thái Bình và các cấp chính quyền, địa phương trong thời gian tới sẽ góp phần hiệu quả vào quá trình tái cấu trúc hệ thống QTDND trên địa bàn, đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước đã giao phó.
LÊ VIẾT ĐANG
Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội QTDND Việt Nam tại Thái Bình, Giám đốc QTDND Vũ Vinh