Nằm trong chuỗi chương trình “Tiết kiệm hướng đến tương lai”, ngay trong dịp cuối năm, ACB cho biết đã bắt đầu triển khai chương trình dự thưởng “Đón giáng sinh, chào năm mới cùng ACB” dành tặng khách hàng gửi tiết kiệm và gửi tiền tích lũy tại ACB với tổng giá trị giải thưởng lên đến 414.000.000 đồng. Cụ thể, với kỳ hạn gửi từ 1 tháng hay mức gửi tối thiểu 5.000.000 đồng, khách hàng sẽ được cấp mã dự thưởng để tham gia quay số điện tử cuối kỳ dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 11/1/2018.31 khách hàng may mắn của ACB sẽ có cơ hội giành 3 giải đặc biệt, mỗi giải là 1 chuyến du lịch Hong Kong với chương trình tham quan công viên giải trí nổi tiếng tại Hong Kong - Hong Kong Disneyland dành cho gia đình 4 người trị giá 68.000.000 đồng/giải, 14 giải nhất, mỗi giải là 1 sổ tiết kiệm trị giá 10.000.000 đồng/giải và 14 giải nhì, mỗi giải là 1 sổ tích lũy ACB trị giá 5.000.000 đồng/giải.
Tương tự ACB, VietABank cũng nhanh chóng triển khai gói chương trình huy động mùa cuối năm. Theo đó, từ nay đến 11/11/2017, khách hàng tham gia gửi tiền trong chương trình “Gửi tiền trúng lớn” của VietABank có cơ hội trúng xe máy Vespa LXV, Ti vi Samsung 55 inch, Điều hòa Daikin 1 chiều, Inverter… với tổng giá trị chương trình lên tới gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra, với những khách hàng gửi tiền tiết kiệm từ 100 triệu đồng với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên sẽ nhận được quà tặng ngay tại quầy là thẻ ghi nợ nội địa ATM Advance có giá trị từ 50.000 - 350.000 đồng.
Tại ABBank thì không chỉ triển khai nhiều gói quà tặng hấp dẫn mà còn tăng lãi suất gửi tiền tiết kiệm để thu hút khách hàng. Nói như bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó giám đốc khối khách hàng DNNVV của ABBank, cuối năm là mùa cao điểm đón dòng vốn nên các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động. Theo đó, nếu gửi tiền ở thời điểm này tại ABBank, khách hàng không chỉ hưởng lãi suất cao mà còn nhận được nhiều quà tặng có giá trị từ các chương trình ưu đãi, khuyến mãi kèm theo.
Nhìn chung, không chỉ ACB, VietABank hay ABBank mà phần nhiều ngân hàng đã “rục rịch” tăng lãi suất huy động và tung ra các chương trình khuyến mãi cuối năm từ thời điểm này để hút khách hàng gửi tiền. Cái lợi mà khách hàng nhận được từ các chương trình này là lãi suất cũng như quà tặng cao hơn hẳn những chương trình bình thường khoảng 0,1-0,4% (tùy kỳ hạn). Đơn cử tại VPBank, lãi suất niêm yết cho các gói huy động đã là 7,5-7,6%/năm. Các ngân hàng khác như Nam A Bank, NCB, Eximbank, OCB... hiện công bố mức lãi suất huy động kỳ hạn dài cao nhất lên đến 7,9-8%/năm.
Có thể với nhiều người, họ thấy rằng gửi tiết kiệm dù lãi suất có điều chỉnh tăng lên 1-2% hay nhận được quà tặng thì giá trị còn quá bé so với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản. Theo đó, họ khá thờ ơ với những chương trình gửi tiết kiệm mà ngân hàng triển khai. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, việc gửi tiết kiệm cuối năm giải quyết được 2 vấn đề cho người có tiền, đó là đảm bảo được giá trị đồng tiền trong thời gian chờ đợi kênh đầu tư mới mà vẫn được hưởng lợi ích.
Bởi như đã nói ở trên, cuối năm thường là cao điểm để các ngân hàng hút vốn nhằm cung ứng cho hoạt động tín dụng. Chính vì thế, lãi suất huy động luôn trong tình trạng “ngấp nghé” tăng. Nếu tinh ý và theo dõi báo cáo tài chính của các DN hàng năm, dễ thấy rằng ngay cả những DN lớn vẫn mang hàng nghìn tỷ đồng như: Sabeco, Vinamilk, Đạm Phú Mỹ, Kido... thường có mục đi gửi tiền ngân hàng lấy lãi. Rõ ràng, khi ngay cả các DN lớn cũng “lười” mạo hiểm trong bối cảnh cuối năm, nhà đầu tư cá nhân lại càng có lý do để chọn kênh “tiện đủ đường” như tiền gửi: nhanh chóng, thủ tục đơn giản, lợi nhuận tính trước, không cần quá băn khoăn về biến động thị trường.
Trong khi đó, mức lãi suất hiện nay từ 7-8% là khá cao so với lạm phát, không sợ lỗ mà giá trị được gia tăng. Nhìn ở ngắn hạn, nếu nhà đầu tư cần xoay vốn gấp để đầu tư ở chỗ khác thì không nên chần chừ để tiền ở nhà mà cứ gửi ngân hàng ở kỳ hạn hợp lý nhất hay lựa chọn hình thức gửi linh hoạt nhất. Hơn nữa, vàng, bất động sản hay chứng khoán đều là những kênh đầu tư có tiềm năng tạo ra siêu lợi nhuận cao nhưng không thể đảm bảo được giá trị đồng tiền cũng như không phải là nơi quản lý tài chính dễ dàng và miễn phí như ngân hàng.
Ví dụ, nếu cần ngay tiền để đầu tư mà không muốn bị ràng buộc các thủ tục giấy tờ thì người có tiền nhàn rỗi cũng không nên để tiền ở nhà mà nên gửi vào ngân hàng để hưởng dịch vụ tiện ích kèm theo như báo số dư, hưởng lãi suất không kỳ hạn, chuyển tiền online… Đơn cử, tại một ngân hàng ở TPHCM cho biết, nếu khách hàng gửi tiền tiết kiệm mùa cuối năm tại ngân hàng này, họ sẽ cho rút tiền linh hoạt ngay cả với kỳ hạn 1 tháng. Người gửi vẫn được nhận quà cũng như tặng ngay 0,1% số tiền tiết kiệm ngay đầu kỳ hạn. Nhìn chung, cuối năm là dịp để người có tiền nhàn rỗi “liệu cơm gắp mắm” tại các ngân hàng. Theo gợi ý của giới chuyên môn, nếu có khoản tiền ban đầu khá lớn thì nên gửi theo hình thức tiết kiệm bậc thang để hưởng lãi cao nhất. Nếu khoản tiền nhỏ nhưng phát sinh đều đặn hàng tháng thì nên tham gia sản phẩm tiết kiệm gửi góp để tích lũy dần trong tương lai. Còn nếu khoản tiền không cố định thì hãy nghĩ đến tiết kiệm tự động để thuận tiện cho việc gửi tiền…
Hiện nay, có 2 loại tiết kiệm được các ngân hàng theo kỳ hạn là ngắn hạn (từ 1 -dưới 12 tháng) và dài hạn (trên 12 tháng). Cũng có ngân hàng đang có những sản phẩm tiền gửi chỉ 1, 2, 3 tuần. Người gửi xác định mục đích gửi tiền và nên dự trù trước thời gian sử dụng số tiền để đưa ra một kỳ hạn gửi hợp lý, nhằm nhận được số tiền lãi tối đa. Ngoài ra, các ngân hàng đang rất linh hoạt để chiều chuộng khách hàng, do đó, ai gửi tiền số lượng lớn thì chia ra mấy sổ, sổ để lâu dài, sổ để ngắn hạn để có gì thì rút ngay và quan trọng là có thể thỏa thuận lãi suất cho theo từng gói gửi.