Xử lý ngân hàng đổ vỡ
Năm 2023, tại Mỹ đã xảy ra khủng hoảng ngân hàng đánh dấu giai đoạn căng thẳng của hệ thống ngân hàng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Theo đó, FDIC đã thực hiện tiếp nhận và xử lý 4 ngân hàng đổ vỡ.
Ngày 10/3/2023 khi Ngân hàng Silicon Valley (SVB) thông báo chính thức dừng hoạt động, Sở Dịch vụ Tài chính Tiểu bang New York đã chỉ định FDIC là đơn vị tiếp nhận SVB. Cùng ngày, FDIC đã nhanh chóng thành lập Ngân hàng BHTG quốc gia Santa Clara (DINB). Chỉ sau đó 2 ngày, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang và Chủ tịch FDIC đã cùng công bố phê duyệt trường hợp ngoại lệ đặc biệt liên quan đến rủi ro hệ thống (SRE) và thành lập Ngân hàng bắc cầu Silicon Valley vào ngày tiếp theo để chi trả tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm và không được bảo hiểm của SVB cũng như duy trì hoạt động bình thường của SVB. Đây được xem như hình thức bảo đảm toàn bộ tạm thời cho một trường hợp đặc biệt. Đến ngày 26/3/2023, sau 2 tuần kể từ khi SVB đổ vỡ, FDIC đã ký với ngân hàng First Citizens về thỏa thuận mua lại và tiếp nhận nợ (P&A) về khoản tiền gửi và khoản vay của SVB.
Ngày 12/3/2023, sau khi Sở Dịch vụ Tài chính Tiểu bang New York chỉ định FDIC là đơn vị tiếp nhận Ngân hàng Signature (SB) khi ngân hàng này đổ vỡ, FDIC đã ngay lập tức thành lập Ngân hàng bắc cầu Signature. 1 tuần sau đó, vào ngày 19/3/2023, FDIC đã đồng ý cho Ngân hàng Flagstar - một chi nhánh của Tập đoàn ngân hàng New York Community - mua lại toàn bộ khoản tiền gửi và một số danh mục cho vay, cũng như tiếp quản toàn bộ 40 chi nhánh của Signature Bank.
Ngày 1/5/2023 khi Ngân hàng First Republic (FRB) được công bố đổ vỡ, Sở Dịch vụ Tài chính Tiểu bang New York đã chỉ định FDIC là đơn vị tiếp nhận và FDIC đã ký kết với JPMorgan Chase về việc mua lại và xử lý nợ cho FRB trong cùng ngày. Trước đó, FDIC đã tiến hành liên hệ và đàm phán với các tổ chức tài chính có khả năng mua lại FRB trong thời gian từ 28 đến 30/4/2023 và đạt được thoả thuận với Ngân hàng JPMorgan Chase trong việc mua lại, tiếp nhận FRB. JPMorgan Chase mua lại “phần lớn tài sản”, nhận các khoản tiền gửi được bảo hiểm và không được bảo hiểm của FRB từ FDIC. Theo thỏa thuận, FDIC sẽ chi trả 80% các tổn thất phát sinh trong danh mục các khoản vay thế chấp nhà ở dành cho gia đình và các khoản vay thương mại của FRB trong vòng 5 đến 7 năm tới. JPMorgan Chase sẽ không nhận khoản nợ doanh nghiệp của FRB và sẽ nhận được khoản vay 50 tỷ USD trong 5 năm với lãi suất cố định từ FDIC để hoàn tất thương vụ. Ngoài ra, JPMorgan Chase sẽ thanh toán 10,6 tỷ USD cho FDIC, trả lại 25 tỷ USD tiền mà các ngân hàng khác đã gửi tại FRB vào ngày 16/3/2023 và sẽ xóa khoản tiền gửi 5 tỷ USD với FRB.
Ngày 28/7/2023, FDIC tiếp nhận và kiểm soát hoạt động của ngân hàng Heartland Tri-State Bank khi ngân hàng này đổ vỡ. FDIC đã tìm được ngân hàng đồng ý mua lại Heartland Tri-State là ngân hàng Dream First Bank. Dream First Bank tiếp nhận toàn bộ tài sản và nghĩa vụ tài chính của Heartland Tri-State. Kể từ 31/7/2023, toàn bộ 4 chi nhánh của Heartland Tri-State đã mở cửa trở lại với tư cách chi nhánh của Dream First Bank. Việc chuyển giao không gây gián đoạn hoạt động của ngân hàng, toàn bộ khách hàng không bị thiệt hại.
Thực tế cho thấy, FDIC có thể tham gia xử lý đổ vỡ ngân hàng hiệu quả như vậy là nhờ có đầy đủ cơ sở pháp lý. Cụ thể, tại Khoản (c)(4)(G) Chương 13 Luật BHTG Mỹ quy định trường hợp rủi ro hệ thống, với sự đồng thuận của Bộ trưởng Tài chính, FDIC có thể thực hiện các hành động khác hoặc cung cấp sự hỗ trợ nhằm mục đích ngăn chặn tổ chức nhận tiền gửi được bảo hiểm mà FDIC đã được chỉ định là cơ quan tiếp nhận khi cần thiết để tránh hoặc giảm thiểu các ảnh hưởng đó. Nhờ đó, chỉ sau 2 ngày SVB thông báo chính thức dừng hoạt động, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang và Chủ tịch FDIC đã cùng công bố phê duyệt trường hợp ngoại lệ đặc biệt liên quan đến rủi ro hệ thống (SRE) và thành lập Ngân hàng bắc cầu Silicon Valley vào ngày tiếp theo để chi trả tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm và không được bảo hiểm của SVB cũng như duy trì hoạt động bình thường của SVB. Điều này đã góp phần đáng kể ổn định tâm lý người gửi tiền, giảm thiểu làn sóng rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng khác, nhờ đó ổn định hệ thống tài chính.
Củng cố hệ thống BHTG
Trong bối cảnh xảy ra khủng hoảng ngân hàng và liên tục tiếp nhận xử lý ngân hàng đổ vỡ, FDIC đã nhanh chóng thực hiện các hoạt động theo dõi, khắc phục hậu quả, đồng thời đề xuất phương án cải cách hệ thống BHTG.
Cụ thể, vào ngày 28/4/2023, FDIC công bố báo cáo giám sát SB từ năm 2017 đến thời điểm phá sản vào tháng 3/2023. Báo cáo xác định rõ rằng nguyên nhân chính là sự quản lý yếu kém, ban lãnh đạo đã theo đuổi tăng trưởng lợi nhuận nhanh chóng mà không chú trọng vào duy trì các biện pháp kiểm soát rủi ro hiệu quả dù đã được FDIC khuyến khích giám sát. Báo cáo cũng chỉ ra thách thức của đội ngũ kiểm tra trong FDIC khi SB đã không chú trọng đến việc giám sát chất lượng các khoản tiền gửi rủi ro.
Đến ngày 1/5/2023, FDIC công bố Báo cáo tổng quan về Hệ thống BHTG và các phương án cải cách BHTG để giải quyết những lo ngại về ổn định tài chính bắt nguồn từ các vụ đổ vỡ ngân hàng. Báo cáo đưa ra ba phương án cải cách hệ thống BHTG gồm: (i) duy trì cấu trúc hạn mức BHTG có giới hạn như hiện tại, trong đó có thể tăng hạn mức BHTG; (ii) bảo hiểm không giới hạn cho tất cả các khoản tiền gửi; và (iii) bảo hiểm theo mục tiêu, theo đó quy định các hạn mức BHTG khác nhau giữa các loại tài khoản, trong đó các tài khoản thanh toán doanh nghiệp có thể được bảo hiểm với hạn mức cao hơn đáng kể so với các tài khoản khác. Báo cáo cũng lưu ý rằng, thay đổi công nghệ cũng có thể làm tăng nguy cơ rút tiền hàng loạt tại ngân hàng. Tốc độ phổ biến thông tin và tốc độ người gửi tiền tiếp cận thông tin làm hoạt động rút tiền hàng loạt tại ngân hàng nhanh hơn và gây nhiều thiệt hại hơn. Trong số các phương án này, báo cáo xác định phương án bảo hiểm theo mục tiêu có tiềm năng lớn nhất để đáp ứng các mục tiêu cơ bản của BHTG so với chi phí của nó. Tài khoản thanh toán doanh nghiệp là mối lo ngại đối với sự ổn định tài chính so với các tài khoản khác do việc không thể truy cập các tài khoản này có thể dẫn đến những tác động kinh tế lớn hơn. Các phương án này sẽ được đề xuất trình lên Quốc hội.
Ngoài ra, vào ngày 11/5/2023, FDIC cũng công bố đề xuất Chính sách thu phí đặc biệt để thu hồi các chi phí trong việc bảo vệ các khoản tiền gửi không được bảo hiểm sau sự kiện đổ vỡ của SVB và SB để bù đắp tổn thất cho Quỹ BHTG Liên bang (DIF). Theo khoản (b)(5) Chương 7 Luật BHTG Mỹ, FDIC có thể áp dụng 1 hoặc nhiều loại phí đặc biệt đối với các tổ chức nhận tiền gửi được bảo hiểm với mức do FDIC xác định nếu phí đó là cần thiết để thu hồi đủ số tiền từ việc thu phí để hoàn trả các khoản đã vay từ Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ, thu hồi đủ số tiền từ việc thu phí để hoàn trả các nghĩa vụ phải trả và các khoản khác đã vay từ các tổ chức nhận tiền gửi được bảo hiểm và cho bất kỳ mục đích nào khác mà FDIC có thể thấy cần thiết.
Bên cạnh đó, FDIC nhận thấy cần nâng cao nhận thức người tiêu dùng về BHTG cũng như cách bảo vệ tiền của họ. Ngày 11/10/2023, FDIC đã chính thức phát động chiến dịch quốc gia mang tên “Nhận biết rủi ro của bạn – Bảo vệ tiền của bạn” với mục tiêu nâng cao nhận thức công chúng về BHTG. Chiến dịch tập trung hướng tới đối tượng là các cá nhân không tin tưởng vào hệ thống ngân hàng, những người không có tài khoản ngân hàng cũng như những người sử dụng hệ thống thanh toán di động, các dịch vụ ngân hàng thay thế và các sản phẩm tài chính bị hiểu lầm là được FDIC bảo vệ. Chiến dịch này bao gồm các quảng cáo hiển thị kỹ thuật số, các biểu ngữ, cũng như tiếp thị trên công cụ tìm kiếm và hoạt động quảng cáo thông qua tài trợ trên phương tiện truyền thông xã hội nhằm kết nối người tiêu dùng với thông tin và dữ liệu về BHTG trên trang web của FDIC bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Chiến dịch diễn ra trong suốt tháng 11/2023 và tiếp tục vào tháng 1/2024 khi bắt đầu mùa khai thuế và người tiêu dùng nhận được các khoản tiền hoàn thuế.
Khuyến nghị đối với Việt Nam
Từ kinh nghiệm xử lý ngân hàng đổ vỡ và củng cố hệ thống BHTG trong năm 2023 của FDIC có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam như sau:
Xem xét tăng cường hoạt động giám sát các tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng.
Nghiên cứu, đề xuất bổ sung thêm các biện pháp xử lý đổ vỡ êm thấm như giao dịch P&A hay ngân hàng bắc cầu. Việc có sẵn nhiều biện pháp xử lý hơn sẽ giúp BHTGVN tham gia xử lý tổ chức tham gia BHTG một cách linh hoạt hơn với chi phí thấp hơn chi phí chi trả BHTG và thanh lý.
Nghiên cứu việc bảo hiểm theo mục tiêu, theo đó quy định các hạn mức BHTG khác nhau giữa các loại tài khoản, trong đó các tài khoản thanh toán doanh nghiệp có thể được bảo hiểm với hạn mức cao hơn đáng kể so với các tài khoản khác.
Nghiên cứu bổ sung quy định về xử lý trong trường hợp rủi ro hệ thống hoặc khủng khoảng ngân hàng để có thể nhanh chóng quyết định biện pháp xử lý đổ vỡ ngân hàng cũng như đưa ra các biện pháp ổn định tâm lý người gửi tiền, giảm thiểu làn sóng rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng khác, từ đó ổn định hệ thống tài chính.
Cần có cơ chế, biện pháp bù đắp tổn thất quỹ BHTG khi thực hiện xử lý và chi trả như tăng cường, mở rộng hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, thu trước phí BHTG, thu các loại phí đặc biệt… nhằm đảm bảo nguồn quỹ của tổ chức BHTG.
Phòng NCTH và HTQT
Tài liệu tham khảo
https://www.fdic.gov/news/press-releases/2023/pr23033.html
https://www.fdic.gov/news/press-releases/2023/pr23035.html