Doanh nghiệp dựa rất nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, ngoài việc tham gia trực tiếp trên thị trường vốn với vai trò Nhà đầu tư và Nhà phát hành, TCTD còn cho vay đối với các chủ thể tham gia thị trường vốn.
Bám sát chủ trương và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN luôn quan tâm theo sát diễn biến thị trường chứng khoán, hàng năm ngay từ đầu năm, Thống đốc NHNN đều ban hành Chỉ thị 01 chỉ đạo hệ thống ngân hàng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có đầu tư kinh doanh chứng khoán.
NHNN ban hành nhiều văn bản chỉ đạo TCTD kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với mục đích đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Đồng thời, hoàn thiện các quy định kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán như quy định hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi để đầu tư kinh doanh chứng khoán là 150%...và cũng có những quy định là TCTD chỉ được cấp tín dụng với thời hạn đến 01 năm cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, TPDN. Khi cấp tín dụng phải đáp ứng một số điều kiện nhất định. TCTD không được cấp tín dụng cho khách hàng là công ty con, công ty liên kết để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu...
Với vai trò gián tiếp hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển thông qua việc cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán và với tinh thần thận trọng như đề cập ở trên thì dư nợ tín dụng đối với khách hàng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán còn khá nhỏ (chiếm tỷ trọng khoảng 0,5% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống).
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá, thị trường TPDN của Việt Nam có qui mô còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Bởi vậy, doanh nghiệp dựa rất nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung dài hạn (năm 2021, quy mô tín dụng đạt 124,3% GDP). Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro lớn cho hệ thống TCTD khi nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn (tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn chiếm khoảng 82% tổng huy động vốn). Đồng thời, tạo sức ép và rủi ro chênh lệch kỳ hạn cho hệ thống.
Do đó, việc thị trường TPDN phát triển minh bạch, hiệu quả giúp cân bằng, hài hòa theo hướng vốn ngắn hạn dựa vào hệ thống ngân hàng, vốn trung dài hạn dựa vào thị trường vốn. Từ đó giảm rủi ro chênh lệch kỳ hạn, tạo thuận lợi cho hệthống TCTD phát triển lành mạnh, hiệu quả. Về phía doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đầu tư, sản xuất kinh doanh với nguồn vốn trung dài hạn.
Các nhà đầu tư TPDN như các doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán chưa khẳng định vai trò chủ đạo trên thị trường; hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện, các quỹ tương hỗ chưa phát triển, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường TPDN còn hạn chế. Nhà đầu tư cá nhân có xu hướng gia tăng mua, nắm giữ TPDN nhưng khả năng phân tích, đánh giá và quản trị rủi ro
khi mua TPDN, đặc biệt trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nên cũng hạn chế đáng kể việc đánh giá và ra quyết địnhcủa các nhà đầu tư.
Trong điều kiện thị trường hiện nay, hầu hết TPDN chưa được niêm yết, phát hành riêng lẻ, nhà đầu tư khó nắm bắt thông tin, khả năng thanh khoản thấp, giao dịch trên thị trường thứ cấp còn hạn chế. Bên cạnh đó, chưa có thị trường TPDN chuyên biệt nên khi phát sinh nhu cầu mua, bán TPDN trên thị trường thứ cấp nhà đầu tư và nhà phát hành phải chào mua, chào bán tới từng tổ chức, cá nhân.
Việc xây dựng được thị trường TPDN chuyên biệt theo thông lệ quốc tế đòi hỏi phải hình thành đồng bộ được các yếu tố cấu thành bao gồm cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng, hệ thống thanh toán, bù trừ chuyên biệt, các thành viên giao dịch chuyên nghiệp…Đây là những nội hàm quan trọng để thị trường TPDN có thể phát triển bền vững trong thời gian tới và hoàn thành mục tiêu cân đối vốn trung dài hạn cho nền kinh tế.
Giảm áp lực tới nguồn vốn tín dụng từ hệ thống các TCTD
Để phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính theo hướng hoạt động an toàn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, cân đối giữa thị trường tiền tệ, tín dụng với thị trường vốn, NHNN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường tài chính, tiền tệ để kịp thời thực hiện biện pháp ổn định thị trường, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, phát triển đồng bộ các phân khúc của thị trường tài chính (thị trường trái phiếu, cổ phiếu, chứng khoán phái sinh…) theo hướng tập trung hiện đại hóa công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng phục vụ giao dịch thị trường; đa dạng hoá các nhà đầu tư tham gia thị trường, khuyến khích các quỹ, công ty bảo hiểm... tham gia sâu và rộng hơn vào thị trường; thành lập các công ty xếp hạng tín nhiệm uy tín, nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường.
Rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý và triển khai các giải pháp tạo điều kiện phát triển thị trường vốn (trong đó có thị trường TPDN), giảm áp lực tới nguồn vốn tín dụng từ hệ thống các TCTD, nhất là vốn trung dài hạn. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK), trong đó có thị trường TPDN.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK.
Về phía doanh nghiệp: Tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, áp dụng chuẩn mực quốc tế về quản trị, hạch toán, kế toán và công bố thông tin trong hoạt động; đa dạng hóa mô hình, chiến lược kinh doanh;… để tang niềm tin của nhà đầu tư, gia tăng mức độ hấp dẫn của trái phiếu, cổ phiếu được phát hành, từ đó nâng cao khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán.
Ở góc độ chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, nền tảng nhà đầu tư chuyên nghiệp (các công ty quản lý
quỹ, quỹ đầu tư, nhà đầu tư cá nhân đủ năng lực; vai trò, trách nhiệm của các trung gian tài chính…).
Đồng quan điểm, TS Đặng Công Hoàn nhận định, cần khuyến khích sự phát triển của các quỹ đầu tư tại VN. Với gần 99% số tài khoản chứng khoán và 85% giá trị giao dịch chứng khoán đến từ nhà đầu tư cá nhân là một tỷ lệ ớn và luôn đi kèm với những rủi ro, hạn chế cố hữu của nhà đầu tư cá nhân.
Vì vậy, một trong các chiến lược phù hợp để giảm thiểu những biến động bất lợi và hậu quả gây ra bới năng lực hạn chế của nhà đầu tư cá nhân là khuyến khích cơ chế đầu tư gián tiếp thông qua các tổ chức quản lý đầu tư chuyên nghiệp, từ đó từng bước nâng cao các thiết kế mềm bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân thông qua hoạt động của các tổ chức chuyên nghiệp và từng bước minh bạch hoạt động của thị trường, đảm bảo sự phát triển bền vững.