Giá vàng tăng mạnh nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Trên thị trường, giá bán vàng SJC được duy trì nhiều ngày qua trên mức 74 triệu đồng/lượng. Giá mua vào trên 73 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước tăng theo đà tăng của giá vàng thế giới. Dù vậy, giao dịch trên thị trường khá trầm lắng.
Giới chuyên gia cho rằng, hiệu ứng tăng giá vàng từ sự dịch chuyển chính sách tiền tệ của Mỹ đang giảm dần, khiến xung lực tăng của giá kim loại này còn lại không nhiều. Giá vàng đã tăng mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây phát tín hiệu hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất và có thể cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024. Một số chuyên gia cũng cho rằng thị trường đã đặt kỳ vọng quá lớn vào các đợt giảm lãi suất của Fed trong năm tới, dẫn tới rủi ro giá vàng điều chỉnh giảm sâu nếu xuất hiện trở ngại nào đó đối với kỳ vọng như vậy.
Báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng của Hội đồng Vàng Thế giới vừa cho biết, nhu cầu tiêu dùng vàng tại Việt Nam trong quý III/2023 đạt 11,9 tấn, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2022. Sự suy giảm này chủ yếu do nhu cầu trang sức trong nước giảm 14% so với cùng kỳ (từ 3,5 tấn trong quý III/2022 xuống còn 3 tấn trong quý III/2023), nhu cầu trang sức ở Việt Nam trong quý III đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2021. Tuy nhiên, nhu cầu mua vàng thỏi và xu vàng có xu hướng tăng, với mức chênh lệch 4% so với cùng kỳ (từ 8,5 tấn trong quý III/2022 lên 8,8 tấn trong quý III/2023).
Các chuyên gia cho rằng, lạm phát cao cùng mức độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn kỳ vọng đã ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.
Trong năm vừa qua, tỷ suất sinh lời của kênh đầu tư vàng chỉ ở mức trung bình, không thực sự hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác. Đây là kênh đầu tư phụ thuộc nhiều vào tình hình quốc tế, đặc biệt là tình hình căng thẳng tại Ukraine, cũng như động thái của ngân hàng trung ương các nước và biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế. Nếu các yếu tố trên diễn biến căng thẳng, phức tạp hơn, sẽ tác động mạnh hơn đến thị trường tài chính. Khi đó, vàng sẽ nổi lên là kênh trú ẩn an toàn, ổn định.
Tuy nhiên, cần lưu ý, rủi ro đối với kênh đầu tư vàng là rất lớn và đây không dành cho số đông nhà đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh giá vàng trong nước không thực sự liên thông với thị trường quốc tế, rủi ro sẽ càng lớn hơn; nhất là khi thị trường tài chính có biến động mạnh, giá vàng biến động mạnh, nhanh, thậm chí theo giờ.
Đồng thời, việc Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chính sách ổn định thị trường, kiên định mục tiêu giảm tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế, do đó, sẽ giảm mức hấp dẫn của kênh đầu tư vàng. Vì vậy, tùy khẩu vị, nhà đầu tư có thể cân nhắc, phân bổ một phần vừa phải đối với kênh đầu tư vàng.
Tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng dù lãi suất giảm
Kênh gửi tiết kiệm tại các ngân hàng được xem là an toàn, hiệu quả, đem lại lãi suất cao, dễ thực hiện đối với tất cả các nhà đầu tư trong năm 2023 trong bối cảnh những rủi ro, bất định từ môi trường vĩ mô quốc tế vẫn chưa chấm dứt.
Hiện mặt bằng lãi suất đã chạm “đáy” sâu. Trong đó, tại các ngân hàng thương mại (NHTM), kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống có mức cao nhất là 4-4,5%/năm; kỳ hạn 6-12 tháng dao động 4,5-5% và 12 tháng trở lên là 5-5,5%/năm, (một số ít ngân hàng áp dụng mức 5,6-5,7%/năm kỳ hạn 12 tháng trở lên).
Theo số liệu của NHNN, huy động vốn đến 28/11 đạt 13,28 triệu tỷ đồng, tăng 9,03% so với cuối năm trước, tăng 1,48% so với cuối tháng trước. Tiền gửi VND của tổ chức kinh tế tiếp tục tăng 8,73% so với cuối năm trước; tăng 2,31% so với tháng trước. Tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng 11,05% so với cuối năm trước; tăng 0,76% so với tháng trước.
Nếu so với thời điểm trước dịch, mặt bằng lãi suất huy động hiện tại đã thấp hơn. Tuy nhiên, trước bối cảnh thị trường khó khăn, các kênh đầu tư khác (chứng khoán, bất động sản...) chưa hồi phục, nên tiền nhàn rỗi vẫn chọn ngân hàng.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện lãi suất không còn nhiều dư địa để giảm thêm, vì chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới, đặc biệt là Mỹ, đang hẹp lại. Lãi suất tại Mỹ hiện tại khoảng 5%, còn ở Việt Nam là 5-6%/năm. Mặt bằng lãi suất năm 2024 duy trì như hiện nay là đã tích cực. Mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và lãi suất huy động, cho vay của các ngân hàng thương mại đến thời điểm hiện này đã vượt kỳ vọng đặt ra từ đầu năm. Do đó, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia phân tích tài chính cho rằng, cần tập trung sử dụng nhiều hơn chính sách tài khóa; đẩy mạnh các giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thay vì chỉ kích cung vốn hiện nay, trong khi sức hấp thu yếu.
Trước đây, giảm lãi suất góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế, nhưng đến mức bão hòa hiện nay thì nếu giảm tiếp lãi suất, kinh tế vẫn đi ngang. Mặt khác, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, không phải ai cũng có điều kiện để vay vốn. Vì khó khăn, doanh nghiệp giảm lương, thu nhập của người lao động giảm, nên áp lực trả lãi suất vay là bài toán mà khách hàng cần tính kỹ. Đó cũng chính là nguyên nhân tín dụng tăng trưởng chậm trong 11 tháng đầu năm nay.
Thị trường chứng khoán có tín hiệu khả quan
Trong khi đó, thị trường chứng khoán đang điều chỉnh trong ngắn hạn nhưng xét về trung và dài hạn khá tích cực khi nhìn vào tín hiệu khả quan của nền kinh tế. Trong ba quý đầu năm 2023, kinh tế có sự tăng trưởng cải thiện dần, đặc biệt là trong quý III tăng trưởng trên 5,3%. Hơn nữa, xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu quay trở lại với tốc độ tăng trưởng dương và đây là một trong những điều kiện tiền đề cho năm 2024 để bắt đầu trở lại giai đoạn tăng trưởng bền vững. Việc Chính phủ năm nay đưa ra rất nhiều chính sách để có thể kích thích kinh tế, từ việc thúc đẩy nhanh đầu tư công hay xử lý, giải quyết các vấn đề trên thị trường trái phiếu, cũng như tháo gỡ các vấn đề pháp lý về thị trường bất động sản, giảm lãi suất và thúc đẩy các ngân hàng triển khai các giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể hấp thụ được vốn thì nhà đầu tư có thể kỳ vọng tăng trưởng quý IV sẽ bắt đầu tăng tốc.
Trái phiếu phù hợp với nhà đầu tư chuyên nghiệp
Kênh đầu tư trái phiếu, trong thời gian qua, các vụ việc trên thị trường này cho thấy rủi ro của kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là khá lớn.
Chính vì vậy, Chính phủ đã có nhiều động thái siết chặt hoạt động phát hành TPDN, giúp thị trường trở nên an toàn, phát triển bền vững hơn về dài hạn như: Ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP bổ sung, sửa đổi một số nội dung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP; đồng thời quyết liệt xử lý những vi phạm liên quan đến phát hành TPDN.
Về dài hạn, đây vẫn là kênh đầu tư đáng để cân nhắc, song không phù hợp với phần đông các nhà đầu tư trên thị trường; chủ yếu thích hợp với các nhà đầu tư có kiến thức, kinh nghiệm trên thị trường tài chính, hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính và đa dạng hóa được danh mục đầu tư.
Thị trường bất động sản cần được hỗ trợ về pháp lý
Trong thời gian qua, thị trường bất động sản chững lại do một số khó khăn, vướng mắc, nổi cộm nhất là vấn đề pháp lý và khả năng tiếp cận nguồn vốn.
Chính phủ, các bộ, ngành đã nỗ lực hoàn thiện môi trường pháp lý liên quan đến ngành, trong đó có Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng 28/11/2023. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày /1/2025. Đồng thời, Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực thi các giải pháp lành mạnh, minh bạch hóa thị trường, quyết liệt xử lý các vụ việc vi phạm trong thời gian qua.
Để hỗ trợ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững, ngay từ đầu năm, NHNN đã định hướng và yêu cầu các tổ chức tín dụng nỗ lực giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trong đó hỗ trợ người mua nhà và các dự án bất động sản đáp ứng đầy đủ điều kiện về pháp lý, có khả năng trả nợ...
Đây là điều được thực hiện kiên định, quyết liệt, tạo dấu ấn tích cực cho thị trường, bởi chi phí vốn giảm và giá bán hấp dẫn hơn do chủ đầu tư tiếp cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất hợp lý hơn; nhu cầu mua bất động sản của khách hàng khởi sắc hơn do với mức lãi suất thấp hơn, chắc chắn sẽ thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm, giao dịch bất động sản của khách hàng; tạo tâm lý tích cực hơn cho thị trường bất động sản.
Thời gian qua hình thành tâm lý “chờ đợi giá bất động sản giảm tiếp”, làm thanh khoản thị trường giảm sút.
Vì vậy, trong bối cảnh lãi suất giảm, dự báo tình trạng trên sẽ giảm dần và tâm lý nhà đầu tư sẽ tích cực hơn. So với đầu năm, lãi suất cho vay hiện đã giảm 1,5 - 2%, nhiều ngân hàng đã đưa ra các gói tín dụng ưu đãi và kỳ vọng tiếp tục giảm nhẹ trong thời gian tới. Do đó, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ phục hồi từ quý II/2024.
Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam lưu ý, tác động của việc giảm lãi suất sẽ phân hóa giữa các chủ đầu tư, dự án khác nhau.
Theo đó, các chủ đầu tư uy tín, có kinh nghiệm triển khai thành công nhiều dự án, có năng lực tài chính lành mạnh; các dự án có pháp lý rõ ràng, minh bạch, vị trí đẹp... sẽ có nhiều lợi thế hơn, được các ngân hàng ưu tiên giảm lãi suất và được khách hàng quan tâm, lựa chọn nhiều hơn.
Đối với các nhà đầu tư, nếu điều kiện tài chính lành mạnh, triển vọng thị trường tích cực, có thể xem xét sử dụng tỷ lệ đòn bẩy 60-70% (vốn tự có) và 30-35% (vốn vay) vì hiện nay điều kiện thị trường biến đổi quá nhanh, khó lường, đặc biệt trong thời gian dài 10-20 năm nữa.
Trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư bất động sản có thể xem xét, nên tập trung vào nhu cầu thực như: Phân khúc chung cư, nhà ở riêng lẻ phục vụ nhu cầu để ở, kinh doanh, cho thuê hoặc để đầu tư dài hạn.
Nói chung, việc chọn lựa kênh đầu tư phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro và khả năng tài chính của từng nhà đầu tư. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tại từng thời điểm, các nhà đầu tư cần giữ nguyên tắc phân bổ nguồn vốn của mình vào các kênh khác nhau, không "bỏ hết trứng vào một giỏ" để phân tán rủi ro.
Hà Linh