Với thủ tục vay đơn giản, nhiều người dân có thu nhập thấp đã tiếp cận được khoản vay tại các công ty tài chính
Theo các chuyên gia tài chính, việc cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) áp dụng lãi suất thỏa thuận với người vay sẽ góp phần giúp người nghèo có thêm khả năng tiếp cận vốn cũng như "cởi trói" cho các TCTD.
Trần lãi suất làm "méo mó" hoạt động tín dụng
Theo Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh, Bộ luật Dân sự 2015 tuy quy định “lãi suất thỏa thuận không được vượt quá 20%” nhưng đã loại trừ các TCTD bằng điều khoản “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Nghĩa là, đối tượng chịu sự điều chỉnh của quy định này chỉ là các quan hệ vay mượn dân sự. Bộ luật này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2017. Trong đó, Điều 468 của Bộ luật quy định, “Lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20% của khoản tiền vay trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Quy định này được đánh giá như là một công cụ hữu hiệu, giúp cơ quan quản lý nhà nước thể hiện được vai trò trong việc ngăn chặn nạn tín dụng "đen” đang bùng phát mạnh mẽ những năm gần đây.
Tuy nhiên, vì mức trần lãi suất 20% sẽ gặp khó khăn cho hoạt động của các TCTD nên Luật đã bổ sung thêm quy định “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” liền sau phần giải thích “lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%”, để chỉ rõ lãi suất trần 20% chỉ áp dụng đối với các quan hệ vay mượn dân sự trong dân. Đối với hệ thống các TCTD, bao gồm: ngân hàng thương mại, các công ty tài chính, các tổ chức tài chính vi mô… được áp dụng theo luật chuyên ngành mà ở đây là Luật Các TCTD.
Trước đó, Luật Các TCTD năm 2010 đã quy định: “Các TCTD và khách hàng được quyền thỏa thuận về lãi suất”. Điều đó có nghĩa rằng, tùy vào lịch sử tín dụng của khách hàng, quan hệ cung cầu và diễn biến trên thị trường tài chính, ngân hàng hoặc công ty tài chính (CTTC) có thể đưa ra mức lãi suất thỏa thuận đối với sản phẩm cho vay. Ngược lại, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền lựa chọn, thỏa thuận và quyết định có nên vay gói sản phẩm đó hay không.
Nhận xét về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc để các ngân hàng và CTTC hoạt động theo Luật Các TCTD là hướng đi đúng. Bởi nếu áp trần lãi suất đối với các TCTD sẽ làm “méo mó” hoạt động tín dụng. “Không cứ là lãi suất, vẫn còn có rất nhiều giải pháp để chống nạn tín dụng đen, như: tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng, đẩy mạnh việc công khai minh bạch và tính thượng tôn pháp luật, tăng cường phát triển tài chính vi mô, quỹ tín dụng đầu tư, thẻ tín dụng…”, TS Cấn Văn Lực khẳng định.
Liên quan đến điều này, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cũng từng nêu quan điểm: việc áp dụng trần lãi suất tại Bộ luật Dân sự 2015 đối với hoạt động kinh doanh của các TCTD là không cần thiết và bất hợp lý, bởi đây có thể hiểu là một sự can thiệp bằng biện pháp hành chính vào thị trường tài chính. Sự can thiệp hành chính này đi ngược lại với nguyên tắc thị trường, không phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các cam kết quốc tế về cải cách hệ thống ngân hàng, khi mà Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
Luật rõ ràng, người dân hưởng lợi
Tại một cuộc hội thảo về tín dụng tiêu dùng do Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương tổ chức mới đây, ông Phan Thế Thắng, Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã phân tích, các khoản vay tiêu dùng thường nhỏ lẻ, số tiền vay không lớn, nhóm đối tượng vay ẩn chứa nhiều rủi ro, trong khi chi phí quản lý khoản vay lại khá cao... Những yếu tố này buộc vay tiêu dùng phải áp mức lãi suất cao để bù đắp chi phí rủi ro từ phía khách hàng đem lại. Theo cách mà các CTTC tính toán, áp trần lãi suất 20% thực sự là không khả thi.
Để Bộ luật Dân sự 2015 sớm đi vào cuộc sống, giới chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành Thông tư, hướng dẫn quy định chi tiết điều này. Các TCTD cần được hiểu là những đối tượng thuộc nhóm đối tượng không chịu sự điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự và sẽ hoạt động theo Luật chuyên ngành mà ở đây là Luật Các TCTD.
Điều này không chỉ kích thích thị trường cho vay mà còn góp phần bảo vệ người tiêu dùng trong khía cạnh tiếp cận nguồn vốn vay từ các TCTD có uy tín và ngăn ngừa bùng phát tín dụng "đen". Việc được hoạt động theo luật chuyên ngành cũng sẽ giúp các TCTD có thể phát triển bền vững, từ đó đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế-xã hội. Bởi trên thực tế, mọi hoạt động cho vay của TCTD, trong đó có cho vay tiêu dùng đã và đang đóng góp đáng kể vào việc kích thích sản xuất và tiêu dùng hàng hóa trong nước, từng bước cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt với các đối thượng thu nhập thấp.