Tín dụng chính sách xã hội – một mô hình đặc thù Việt Nam
Nhắc lại những ngày đầu thành lập Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), TS. Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia kinh tế cho biết, Chính phủ từng nhận được nhiều khuyến nghị trái chiều từ các cơ quan, các định chế tài chính quốc tế, bởi đây là một mô hình đặc biệt, chưa có tiền lệ và không hợp lý. Cá nhân ông – thời điểm đó đang công tác tại Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN), được giao nhiệm vụ nghiên cứu triển khai mô hình NHCSXH cũng từng không tin vào sự thành công trong dài hạn của NHCSXH. Tới nay, nhìn vào con số nợ xấu của NHCSXH, ông Nghĩa thấy rất mừng và khẳng định đây là một con số tuyệt vời.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược Ngân hàng phân tích, xuất phát điểm về thể chế của NHCSXH là sự kết hợp giữa 2 giải pháp: mô hình trung gian cải thiện tiếp cận tín dụng và mô hình ngan ahàng chuyên biệt cho khu vực nông nghiệp nông thôn. Sau đó, mô hình này được tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh, trở thành mô hình đặc thù Việt Nam.Về phương thức hoạt động, NHCSXH thực hiện 2 vai trò: là cơ chế tín dụng đặc biệt, cải tiến nguồn cung ứng dịch vụ cho các đối tượng chính sách khi luôn duy trì và phát triển các chương trình tín dụng đặc thù cho từng nhóm đối tượng với các quy trình, điều khoản giao dịch khác biệt với các NHTM thông thường, và cải thiện cả phía cầu dịch vụ khi tận dụng các tổ chức chính trị xã hội, các cán bộ cơ sở để động viên, khuyến khích đúng đối tượng tiếp cận được đúng nguồn tín dụng phù hợp.
Quá trình triển khai tín dụng chính sáchnày trong những năm qua đã đóng góp tích cực vào hỗ trợ thoát nghèo cho người dân, phát huy hiệu quả chính sách, trở thành một trong những định chế tài chính quan trọng đồng thời đảm bảo phát triển một cách bền vững.
Thống kê của NHCSXH cho biết, trong 15 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. NHCSXH đang thực hiện cho vay trên 20 chương trình tín dụng chính sách. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gần 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giúp hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn..., đóng góp quan trọng để thực hiện được các mục tiêu đặt ra tại Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…Đến 30/9/2017, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 169.036 tỷ đồng, gấp hơn 24 lần so với thời điểm thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,2%, với trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh trong toàn hệ thống NH CSXH ở mức rất thấp, chỉ 0,81% tại thời điểm 30/9/2017.
Không chỉ “thoát nghèo” mà phải thoát nghèo bền vững
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, thông qua vốn vay tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội cho con em đi học, đi xuất khẩu lao động, tăng thu nhập cho gia đình, cải thiện đời sống. Nhiều người nghèo đã tự vươn lên thoát nghèo bền vững, đồng thời tạo ra nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, công ăn việc làm cho những hộ nghèo khác.
Cũng về vấn đề này, ông Ngô Trường Thi – Vụ trưởng, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất: tín dụng cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa với hoạt động hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế, thu nhập cho người nghèo trên cơ sở phát huy vai trò của cộng đồng, lấy người nghèo làm chủ thể, lồng ghép với nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, từ các chương trình dự án khác, vốn đối ứng của hộ nghèo để tạo ra gói hỗ trợ đủ độ, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Cùng với đó, cần điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn cho vay hợp lý, tăng dần nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, giúp người nghèo tiếp cận và tham gia được vào chuỗi giá trị thị trường.
Bà Hồ Thị Quý – Trưởng Ban Phụ nữ phát triển kinh tế - TW Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Namnêu ý kiến, cần tập trung nguồn lực để NH Chính sách có thể cho vay thoát nghèo, thậm chí giúp các hộ nghèo trở thành các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hòa – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược Ngân hàng cho rằng một giải pháp quan trọng là triển khai các biện pháp xã hội hóa để tín dụng và các dịch vụ đi kèm đến được với những người nghèo cùng cực, cán bộ cơ sở được đào tạo đặc biệt để hỗ trợ người nghèo nâng cao nhận thức về các thách thức và cơ hội, biết cách tự tổ chức và đưa ra các giải pháp để cải thiện chính điều kiện và tình trạng bản thân. Trong khuôn khổ đó, thay vì một giải pháp đơn lẻ, độc lập, tín dụng chính sách trở thành một bộ phận trong một tiến trình phát triển tổng thể, rộng lớn dành cho người nghèo./.