Xét trên khía cạnh nguyên nhân đột biến rút tiền từ phía ngân hàng, có thể hiểu “Đột biến rút tiền gửi ngân hàng” là hiện tượng người gửi tiền ồ ạt rút tiền tại ngân hàng do họ sợ rằng ngân hàng mà mình gửi tiền có thể bị đổ vỡ và tiền gửi của họ có thể bị thiệt hại. Với tiến trình phát triển mạnh mẽ của hoạt động ngân hàng trên toàn cầu, sự đóng góp lớn lao của kinh doanh ngân hàng cho thịnh vượng của các ngành và nền kinh tế, đồng thời sự “ra đi” của không ít ngân hàng đã gây nên nhiều hệ lụy cho nhiều đối tác, thôi thúc chúng ta tìm hiểu về hiện tượng đột biến rút tiền gửi và mối nguy hại khôn lường của nó nếu không được kiểm soát.
Lịch sử ngân hàng thế giới đã cho thấy hậu quả nghiêm trọng của nhiều cuộc khủng hoảng ngân hàng gắn liền và bị trầm trọng hơn bởi đột biến rút tiền gửi lan tràn, gây ảnh hưởng lớn tới hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Ở Mỹ, giai đoạn 1929-1933 và nhiều năm sau đó, đột biến rút tiền gửi và đổ vỡ ngân hàng đã gây dấu ấn bởi hậu quả nghiêm trọng của nó.
Ngày nay, với sự có mặt của thể chế bảo vệ người gửi tiền, công cụ chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG), hiện tượng đột biến rút tiền gửi có xu hướng xảy ra lặng lẽ hơn nhưng vẫn là loại rủi ro hiện hữu và có ảnh hưởng lớn. Có thể liệt kê nhiều ngân hàng có qui mô hoạt động lớn đã đóng cửa có hiện diện của đột biến rút tiền gửi, như: ngân hàng quốc gia Franklin (FNB) ở Mỹ bị đổ vỡ năm 1974; phá sản ngân hàng Banco Ambrosiano của Ý năm 1982; sự đổ vỡ dây chuyền của nhiều ngân hàng ở Canada những năm 1985; ngân hàng New England với 1 tỷ đô la tiền gửi bị đột biến rút khỏi đã làm ngân hàng này sụp đổ (1982-1984); hàng loạt quĩ tiết kiệm và cho vay tại bang Maryland và Ohio ở Mỹ đã bị rút tiền ồ ạt trong những năm 1980 (Temzelides, tr.4, 1997). Trong cuộc khủng hoảng Châu Á năm 1997 tại nhiều quốc gia, như Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia, tình trạng đột biến rút tiền gửi đã hiện hữu và để lại ảnh hưởng không nhỏ. Trong giai đoạn này, đỉnh điểm của khủng hoảng lòng tin đã dẫn đến đột biến rút tiền gửi tại 2/3 số ngân hàng tư nhân ở Indonesia, chiếm 1/2 tổng số ngân hàng ở quốc gia này (Heffernan, 2005). Trong các ngày 9-12/11/2006, ngân hàng trách nhiệm hữu hạn Nepal đã đối mặt với đột biến rút tiền gửi trầm trọng, 3 tỷ rupi tiền gửi đã bị rút khỏi ngân hàng trong 3 ngày (net 6) .v.v. Sự kiện diễn ra ở Anh và Mỹ từ cuối năm 2007 tới nay cho thấy nhiều ngân hàng lớn đã trải nghiệm đột biến rút tiền gửi và gánh chịu hậu quả nặng nề. Ngày 14-17 tháng 9/2007, đột biến rút tiền gửi diễn ra tại ngân hàng Northern Rock (NR), ngân hàng cho vay tín chấp lớn thứ 5 tại Anh, không những để lại chi phí lớn cho cổ đông của ngân hàng này mà còn làm giảm giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng khác. Nhận định của các nhà quan sát đánh giá hệ thống chi nhánh của ngân hàng này đã rơi vào tình trạng khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử: cảnh hỗn loạn xảy ra tại 72 chi nhánh, khách hàng ùn ùn kéo đến bủa vây để đòi rút tiền, hàng chục chi nhánh phải làm việc đến tận khuya (net 6). Chỉ trong vòng 4 ngày, tổng số tiền bị rút khỏi ngân hàng này vào khoảng 4 tỷ USD ( 2007). Sau khi NR được ngân hàng Trung ương Anh bơm tiền và các biện pháp trấn an người gửi tiền được thực hiện, tình thế vẫn rất nguy kịch, cuối cùng Chính phủ Anh đã phải đứng ra bảo lãnh cho tiền gửi. Chi phí cho giải pháp cứu nguy NR ước tính khoảng 40-50 triệu bảng Anh, chiếm khoảng 10% lợi nhuận mục tiêu năm 2007 của NR. (net 1, net 2 và net 3).
Trong diễn biến của sự kiện Anh quyết định rời khỏi EU, đột biến rút tiền gửi tái hiện ở Anh với nguyên nhân lo ngại đồng tiền Anh mất giá, người dân đổ xô rút tiền để đổi sang ngoại tệ khác. Trước bối cảnh đó, quốc gia lân cận với Anh đã có kế hoạch kiểm soát ảnh hưởng của đột biến rút tiền có thể xảy ra. Thủ tướng Italia Matteo Renzi cam kết sẵn sàng đưa ra gói cứu trợ trị giá 40 tỉ EUR (tương đương 44,46 tỷ USD) cho thị trường ngân hàng nước này trong nỗ lực bình ổn tình hình và trấn an người dân, tránh đột biến rút tiền gửi (Valentina và Gabriele, 2016).
Làm gì để hạn chế chi phí và kiểm soát đột biến rút tiền?
Thứ nhât, cho dù nguyên nhân nào đi chăng nữa, đột biến rút tiền gửi để lại hậu quả lớn cho nhiều đối tác, đối tượng chịu chi phí đầu tiên, nhìn toàn bộ, là người gửi tiền. Để giảm khả năng này, suy xét và ứng xử thận trọng trước thông tin thất thiệt về ngân hàng mình gửi tiền sẽ giúp họ giảm được chi phí không đáng mất, giúp ngân hàng khắc phục được khó khăn (nếu có), tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng triển khai thuận lợi các thể chế bảo vệ người gửi tiền, thúc đẩy hoạt động ngân hàng an toàn và hiệu quả.
Thứ hai, đột biến rút tiền gửi mặc dù không phải là nguyên nhân chủ yếu và duy nhất dẫn tới đổ vỡ ngân hàng nhưng là yếu tố cộng hưởng, trở nên phức tạp và có ảnh hưởng nghiêm trọng trong tình huống xảy ra ở nhiều ngân hàng. Mỗi ngân hàng cần có những bước chuẩn bị thích hợp để chủ động phòng tránh và kiểm soát tình huống đột biến rút tiền gửi. Nỗ lực hoạt động an toàn và hiệu quả, minh bạch thông tin, có giải pháp thích hợp kiểm soát thông tin, tổ chức tư vấn thông tin bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và phối hợp triển khai chính sách BHTG một cách đầy đủ v.v là các hoạt động được khuyến nghị triển khai nhằm hạn chế khả năng phát sinh đột biến rút tiền gửi. Ở Mỹ, để chống tình trạng tung tin đồn thổi gây đột biến rút tiền gửi ngân hàng, có ngân hàng đã qui định hình thức xử lý rất nặng, treo giải thưởng truy tìm người tung tin đồn thất thiệt gây đột biến rút tiền lên tới $5.000 (thời điểm năm 1986), trong khi đó mức tiền thưởng bắt một tên cướp ngân hàng chỉ $3.000 (George, 1998, tr. 559). Ở Latvia, tung tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng được xem là phạm pháp, và người phạm tội sẽ phải đối mặt với bản án 2 năm tù (net 9).
Thứ ba, tình trạng ngân hàng hoạt động yếu kém dưới mức chấp nhận của thị trường dẫn tới mất khả năng thanh toán, rút khỏi lĩnh vực kinh doanh ngân hàng là giải pháp được áp dụng để nhường chỗ cho sự ra đời ngân hàng mới, kinh doanh hiệu quả, phục vụ cho sự phát triển của các đối tác và nền kinh tế được thịnh vượng. Để tình huống này diễn ra có trật tự, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, các chủ nợ có liên quan và không ảnh hưởng tới các ngân hàng đang hoạt động bình thường, các thiết chế liên quan bao gồm giải quyết ngân hàng có vấn đề, cần được xây dựng đồng bộ, cần thể hiện vai trò, trách nhiệm của tổ chức triển khai chính sách BHTG.
Thứ tư, đột biến rút tiền gửi cùng với sự đổ vỡ ngân hàng hàng loạt là nguyên nhân thôi thúc triển khai, cải tiến và chuẩn hóa chính sách BHTG ở nhiều quốc gia trên thế giới. Với mô hình chính sách BHTG hướng tới xử lý ngân hàng có vấn đề, có chức năng giám sát hoạt động ngân hàng, thông qua đó thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đã có tác dụng tích cực trong việc kiểm soát và hạn chế hiện tượng đột biến rút tiền gửi và đổ vỡ ngân hàng. Điều này được thể hiện qua thành công trong triển khai chính sách BHTG ở Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Ngược lại, nếu đơn thuần triển khai chính sách BHTG theo mô hình tổ chức chi trả tiền bảo hiểm, việc kiểm soát đột biến rút tiền gửi và giải quyết ngân hàng có vấn đề sẽ phức tạp, tốn kém và không hiệu quả. Điều này được minh chứng bằng những trải nghiệm khó khăn và “xa xỉ” mà nước Anh đã đối diện trong giải quyết đột biến rút tiền gửi tại ngân hàng Northern Rock (tháng 9/2007).
Thứ năm, công cụ hỗ trợ tài chính cần được nghiên cứu để triển khai chính thức trong khuôn khổ chính sách BHTG ở Việt Nam. Kinh nghiệm của Mỹ, Nhật Bản và Ba Lan về hỗ trợ tài chính cần được tham khảo và vận dụng linh hoạt. Qui định kiểm soát rủi ro trong thực thi hỗ trợ tài chính, như trích lập dự phòng xử lý nợ xấu, qui định miễn trừ trách nhiệm công vụ trong tình huống đặc biệt v.v. cần được thể chế hóa.
Có thể khẳng định đột biến rút tiền gửi ngân hàng là vấn đề nhạy cảm và khó khăn, có thể xảy ra ngay từ khi hoạt động ngân hàng còn sơ khai và có khả năng tái diễn trong quá trình phát triển hoạt động ngân hàng ở mức độ cao hơn. Đột biến rút tiền gửi thôi thúc sự ra đời, cải tiến và chuẩn hóa BHTG. Cùng với chính sách BHTG công khai được triển khai hiệu quả, thể chế thiết lập và duy trì tính tự giác chấp hành kỷ cương thị trường cần được triển khai đồng bộ, để kiểm soát và vô hiệu hóa cơ hội phát sinh rủi ro trong kinh doanh ngân hàng, trong đó có rủi ro gây nên đột biến rút tiền gửi.
TS. Nguyễn thị Kim Oanh
Chi nhánh BHTGVN tại TP.Hà Nội
Tài liệu tham khảo
1. Valentina P. và Gabriele S. (2016), European Commission Austhorized Italian Government to Support Banks, (30/6/2016), http://www.wsj.com/articles/european-commission-authorized-italian-government-to-support-banks-1467297630
2. http://.sbv.gov.vn/vn/home/tinnghiencuu.jsp?tin=441 (net 1)
3. http://en.wikipedia.org/wiki/bank_run (net 2)
4. Update 1-Northern Rock jumps over 40 pct as fund buy in, www.reuters.com (Oct 10, 2007), (net 3)
5. http://en.wikipedia.org/wiki/IndyMac_Bank (net 5)
6. http://www.answers.com/topic/bank-run (net 7)
7. http://www.fidc.gov/bank/individual/failed/banklist.html (net 8)
8. http://www.livinghistoryfarm.org/farminginthe30s/money_08.html (net 4)
9. http://www.vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2007/09/3B9FA4B4/ (net 6)
10. http :yume.vn/manbayfc/article/dan-latvia-do-xo-rut-tien-vi-tin-don- 35cdbbbc.htm (net 9)