BHTG ngày càng có vai trò quan trọng
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đặt ra nhiều yêu cầu về thay đổi chính sách tiền tệ để điều chỉnh hoạt động của các TCTD, trong đó vấn đề xử lý các TCTD đổ vỡ là một thách thức rất lớn. Xuất phát từ thực tế đổ vỡ hàng loạt các hợp tác xã tín dụng đầu thập niên 90 và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á giai đoạn 1996-1997. Trước bối cảnh này, Chính phủ đã quyết định thành lập tổ chức BHTG nhằm bảo vệ người gửi tiền trước những rủi ro tiềm ẩn của hoạt động ngân hàng, đồng thời thiết lập một cơ chế giám sát chặt chẽ hệ thống tài chính.
Trong chiến lược phát triển thị trường tài chính - tiền tệ quốc gia đến năm 2020, bên cạnh Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thực hiện quyền quản lý Nhà nước và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, BHTGVN được xác định là cơ quan đóng vai trò quan trọng trong quá trình giám sát, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính và thực hiện các chính sách tiền tệ.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Dũng – Phó tổng giám đốc BHTGVN đưa ra nhận định: Quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD đã khiến nhiều ngân hàng phải rời khỏi thị trường hoặc sáp nhập với các ngân hàng mạnh, ít nhiều gây tâm lý bất ổn, lo lắng cho người gửi tiền về “số phận” tiền gửi của họ tại các ngân hàng. Chính vì vậy, BHTGVN là một định chế tài chính ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, củng cố niềm tin công chúng trong mọi trường hợp, kể cả khi ngân hàng sáp nhập, chia tách hay thậm chí rời khỏi thị trường.
Ngân hàng là tổ chức trung gian huy động tiền gửi từ dân cư để cho các doanh nghiệp vay. Muốn huy động được tiền từ dân chúng, các ngân hàng phải có uy tín. Do vậy, niềm tin của người gửi tiền có ý nghĩa sống còn đối với sự hoạt động và tồn vong của các ngân hàng.
Nhận thức rõ việc phải có một Định chế tài chính độc lập đứng ra để củng cố niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng, ngày 9/11/1999, Chính phủ đã thành lập BHTGVN với một thông điệp gửi tới công chúng nói chung và người gửi tiền nói riêng: “ Nếu các ngân hàng và tổ chức nhận tiền gửi bị phá sản, BHTGVN sẽ thay mặt hệ thống ngân hàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền. Thông điệp của BHTGVN đã khiến cho hàng chục triệu người gửi tiền yên tâm về số phận tiền gửi của họ tại các ngân hàng”.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng nhấn mạnh: mười lăm năm qua, BHTGVN đã chi trả tiền bảo hiểm cho hàng nghìn người gửi tiền tại hơn 20 tổ chức nhận tiền gửi bị giải thể hoặc phá sản ở 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. Việc chi trả tiền gửi bảo hiểm được tiến hành nhanh, chính xác, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, từ đó củng cố và nâng cao niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng.
Chú trọng phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro
BHTGVN có hai nhiệm vụ chính: bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền khi xảy ra đổ vỡ ngân hàng, tuy nhiên, nhiệm vụ thứ hai - giám sát từ xa được đánh giá là vô cùng quan trọng vì thông qua đó rủi ro được kiểm soát, ngăn ngừa sớm. Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Dũng cho biết: BHTGVN thực hiện giám sát theo định kỳ hàng tháng, quý và năm đối với hơn 1.200 tổ chức tham gia BHTG gồm các ngân hàng thương mại, các chi nhành ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, các tổ chức tài chính vi mô Và Ngân hàng Hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân. Trên cơ sở phân tích số liệu từ các tổ chức tham gia BHTG cung cấp, BHTGVN sẽ cảnh báo những tổ chức có sai phạm, đồng thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để có phương án xử lý thích hợp và kịp thời với phương châm đề phòng sai phạm tích tụ có thể dẫn đến đổ vỡ, qua đó nắm thế chủ động trong việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.
Nhận xét về hiệu quả hoạt động của BHTGVN thời gian qua, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng: Thành công lớn nhất của tổ chức BHTG trong mười lăm năm qua là đã tạo dựng được niềm tin cho người gửi tiền, qua đó khẳng định thông điệp, đó là: trong bất kì rủi ro nào có thể xảy ra đối với các TCTD, quyền lợi của người gửi tiền cũng không bị ảnh hưởng. Và một minh chứng cho tính hiệu quả của hoạt động BHTG đó là việc Quốc hội thông qua Luật BHTG. Đây là cơ sở pháp lý góp phần nâng cao vị thế của BHTGVN trong mạng an toàn tài chính quốc gia, đồng thời luật hóa được vai trò của tổ chức BHTG cùng với NHNN trong quá trình giám sát hoạt động của các TCTD theo phương châm: “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, giám sát kịp thời từ xa từng quý, từng tháng, phát hiện và cảnh báo các TCTD “có vấn đề” nhằm duy trì sự phát triển ổn định của hệ thống các TCTD và bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.
Những bất cập của chính sách và một số kiến nghị
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, chính sách BHTG trong quá trình triển khai cũng bộc lộ một số bất cập, ảnh hưởng không tốt đến quyền lợi của người gửi tiền và các tổ chức tham gia BHTG, nổi lên là những quy định về phí BHTG và hạn mức trả tiền bảo hiểm.
Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, hạn mức trả tiền bảo hiểm 50 triệu đồng được áp dụng từ năm 2005 tới nay là quá thấp, không còn phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay. Qua số liệu thống kê và khảo sát, số người có lượng tiền gửi hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đã xuất hiện rất nhiều do mức sống của người dân và thu nhập bình quân đầu người hiện tại khá cao. Hạn mức trả tiền bảo hiểm thấp không bảo vệ được quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời ảnh hưởng lớn đến quá trình huy động vốn nhàn rỗi trong dân, dễ tạo tâm lý hoang mang cho người gửi tiền khi xảy ra TCTD gặp sự cố.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng nhấn mạnh: hạn mức này cần được thay đổi để phù hợp với thực tế cũng như kỳ vọng của người gửi tiền. Hiện BHTGVN đang cân nhắc, tính toán và báo cáo NHNN trình Thủ tướng Chính phủ tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm theo chiều hướng phù hợp với các chỉ số kinh tế vĩ mô, nguyện vọng của người gửi tiền, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng trong quá trình huy động vốn nhàn rỗi từ dân cư.
Ông Nguyễn Đức Kiên cho biết: trên thế giới hiện nay không có quy chuẩn nào về hạn mức trả tiền bảo hiểm. Mức chi trả BHTG phụ thuộc vào một số yếu tố như: tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ bình quân mức tiền gửi của từng tài khoản… Lấy ví dụ của các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc… hạn mức trả tiền bảo hiểm thường được xác định cao gấp 4-10 lần GDP bình quân đầu người. Tại Việt Nam, từ năm 2007 trở lại đây, nền kinh tế có nhiều biến động do các chỉ số vĩ mô không ổn định, GDP bình quân đầu người tăng lên (khoảng gần 2000 USD thời điểm năm 2013) dẫn đến nhu cầu tất yếu về việc điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm theo xu hướng tăng lên để sát với thực tế và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền.
Đánh giá về mức phí “cào bằng” 0,15% đang được áp dụng đối với tất cả các tổ chức tham gia BHTG hiện nay, các ý kiến đều cho rằng mức này là không công bằng, không tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các TCTD. Việc thu phí đồng hạng không tạo động lực cho các ngân hàng thăng hạng cao để hưởng mức phí BHTG theo đúng xếp hạng tín nhiệm. Phí BHTG phải được “áp” trên cơ sở đánh giá, xếp hạng các TCTD theo hiệu quả hoạt động, mức độ rủi ro, tín nhiệm…
Luật BHTG giao trách nhiệm cho NHNN với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước công bố đánh giá, xếp hạng các TCTD, qua đó đưa ra quy định về mức phí phù hợp đối với từng tổ chức. NHNN trong năm 2012 đã công khai danh sách các TCTD được phép huy động tín dụng trong dân với hạn mức từ 10-16%. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Kiên, quy trình này phải được NHNN thực hiện thường xuyên hơn, qua đó BHTGVN sẽ có cơ sở nhằm đưa ra mức phí BHTG phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như nền kinh tế thị trường tại Việt Nam.
Các ý kiến đều đồng tình, để hướng tới cải cách chính sách BHTG, vấn đề quan trọng đầu tiên cần thực hiện tốt Luật BHTG, trong đó yêu cầu các cơ quan tham mưu chính sách như NHNN, BHTGVN phát huy trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, cơ chế phối kết hợp, phân chia trách nhiệm, quy định về việc cung cấp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan giám sát phải được tiến hành triệt để; những vấn đề Luật đã quy định ủy quyền cho Chính phủ, NHNN cần xây dựng các văn bản hướng dẫn để tổ chức thực hiện. Có như vậy chính sách BHTG mới phát huy tối phát huy vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội đất nước, đúng như mục tiêu Đảng và Nhà nước ta đã đề ra – đó là an dân để phát triển bền vững.