Những năm 1988-1990, hàng loạt hợp tác xã tín dụng đổ vỡ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, mà hoạt động bảo hiểm tiền gửi của Bảo Việt lại có phạm vi quá hẹp, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ năm 1997 ở Châu Á đã gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu.. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) để bảo vệ số đông người gửi tiền, hướng đến đối tượng là những người gửi tiền nhỏ lẻ, thiếu thông tin về hoạt động ngân hàng.
Khác với các loại hình bảo hiểm khác, BHTGVN là một định chế tài chính đặc biệt do Chính phủ thành lập và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Hoạt động của BHTGVN nhằm đưa chính sách đảm bảo an sinh xã hội trong lĩnh vực tài chính ngân hàng của Đảng và Nhà nước ta vào cuộc sống (thường gọi là chính sách bảo hiểm tiền gửi). Chính vì vậy, Điều 3 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 quy định: “Bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng”.
Một phần của mục đích nêu trên còn đặt ra cho bảo hiểm tiền gửi (hay BHTGVN) là “góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng”. Thoạt nghe, chúng ta có thể hiểu BHTGVN cùng Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng khác thực hiện chức năng “vì sự phát triển an toàn” của nền tài chính ngân hàng của đất nước. Tuy nhiên, nếu xét về nguồn gốc của mục đích này, ở một khía cạnh khác, BHTGVN cũng đang thực hiện chức năng bảo vệ người gửi tiền, góp phần hạn chế tối đa các rủi ro dẫn đến đổ vỡ, phải thực hiện chi trả. Vì nếu để vấn đề chi trả tiền gửi xảy ra, không thể đảm bảo được 100% tiền gửi của mọi người gửi tiền sẽ được chi trả sau khi đã nhận tối đa số tiền bằng hạn mức chi trả theo quy định (điều này tùy thuộc vào quá trình thanh lý tài sản diễn ra như thế nào, có hiệu quả không, nguồn thu về có đáp ứng đủ chi trả cho người gửi tiền hay không). Vì vậy, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động từng tổ chức nhận tiền gửi nói riêng là biện pháp bảo vệ người gửi tiền một cách hữu hiệu nhất, làm tốt nhiệm vụ này thì tiền gửi của người gửi tiền sẽ bảo toàn, phát triển và sinh lợi.
Ngoài ra, BHTGVN góp phần cùng Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan thanh tra, giám sát duy trì sự ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng, thông qua các hoạt động nghiệp vụ được quy định tại Điều 13 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 như: theo dõi (giám sát), kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG; tổng hợp, phân tích các thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời các vi phạm về an toàn trong hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thông ngân hàng; tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG sau khi chi trả tiền gửi được bảo hiểm; tổ chức tuyên truyền chính sách và pháp luật về bảo hiểm tiền gửi đến các tổ chức tham gia BHTG cũng như công chúng….
Trải qua hơn 17 năm đi vào hoạt động, BHTGVN đã từng bước thực hiện tốt chức năng bảo vệ người gửi tiền một cách trực tiếp (thông qua công tác chi trả) cũng như bảo vệ người gửi tiền một cách gián tiếp (thông qua việc góp phần đảm bảo hoạt động an toàn của các tổ chức tham gia BHTG). Ngoài ra, BHTGVN còn không ngừng nâng cao, bảo toàn và phát triển nguồn vốn hoạt động của mình nhằm đảm bảo năng lực tài chính lâu dài, đáp ứng yêu cầu chi trả cho người gửi tiền theo quy định. Công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHTG cũng là một hoạt động quan trọng mà BHTGVN luôn quan tâm làm mới, đa dạng phương thức thực hiện, để người dân biết được quyền lợi của mình khi gửi tiền tại các tổ chức tín dụng có tham gia BHTG, đó là: Không phải nộp phí BHTG mà vẫn được trả tiền bảo hiểm. Tóm lại, mọi hoạt động của BHTGVN đều nhằm “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền”.