Nguyên tắc 15 của “Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi (BHTG) hiệu quả” (IADI, 2014) khuyến nghị: “Hệ thống BHTG phải nhanh chóng chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền nhằm đóng góp vào sự ổn định tài chính”. Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) cũng đưa ra hướng dẫn chi tiết cho nghiệp vụ chi trả về các vấn đề cơ bản có vai trò quyết định tới hiệu quả của hoạt động này, cụ thể:
Về thời gian chi trả: Tổ chức BHTG có thể chi trả cho phần lớn người gửi tiền được bảo hiểm trong vòng 7 ngày làm việc. Nếu hiện tại không thể đạt được mục tiêu này, tổ chức BHTG cần có kế hoạch để thực hiện mục tiêu đó.
Khảo sát của IADI cho thấy đa phần các tổ chức BHTG đều có quy định pháp luật về thời gian chi trả. Thời gian này khác nhau ở mỗi nước, từ “càng sớm càng tốt” (Canada) cho tới cụ thể như “không chậm hơn 6 tháng” (Bahamas) hay các nước thành viên EU phải chi trả trong vòng 20 ngày làm việc kể từ khi ngân hàng bị đóng cửa… Trên thực tế, đa phần các tổ chức BHTG đều xác định một thời hạn mục tiêu chi trả ngắn hơn so với thời gian pháp định. Tiêu biểu có Tổng công ty BHTG Mỹ (FDIC) với khả năng chi trả ngay trong ngày làm việc tiếp theo (thường là 2 ngày lịch), Đài Loan (CDIC) là 3 ngày, Canada (CDIC) bắt đầu chi trả một phần sau 5 ngày và chi trả toàn bộ sau 14 ngày, Anh (FSCS) đặt mục tiêu chi trả trong vòng 7 ngày.
Để thực hiện chi trả hiệu quả và nhanh chóng, cần có sự chuẩn bị từ khi ngân hàng chưa bị đóng cửa, bao gồm các bước sau: phối hợp với các cơ quan liên quan để lấy thông tin hỗ trợ quá trình chi trả, rà soát các quy định hiện hành, lên kế hoạch làm việc và ngân sách, dự kiến khung thời gian chi trả, đánh giá nhu cầu về nguồn vốn và dự phòng khả năng huy động vốn, sắp xếp nguồn nhân lực, rà soát hệ thống ngân hàng và thủ tục lấy thông tin về người gửi tiền, chuyển đổi hồ sơ người gửi tiền thành định dạng quy định của tổ chức BHTG, thống nhất thông tin người gửi tiền với các báo cáo tài chính kế toán của ngân hàng, xác nhận các sản phẩm tài chính/ người gửi tiền/ tài khoản với các quy định pháp luật khác nhau (ví dụ như tính lãi tiền gửi), xác nhận cách thức xử lý các khoản chuyển tiếp trong quá trình thanh toán bù trừ, xây dựng phương thức chi trả và phát triển chiến lược truyền thông.
Vấn đề tiếp cận thông tin chính xác, kịp thời về người gửi tiền: Khó khăn về tiếp cận thông tin là trở ngại lớn nhất trong việc thực hiện chi trả hiệu quả. Ở một số quốc gia, tổ chức BHTG không được tiếp cận thông tin trước khi ngân hàng bị đóng cửa (FSB, 2012). Điều này khiến cho công tác chi trả bị kéo dài thời gian hơn. Chất lượng hồ sơ người gửi tiền không đảm bảo cộng với việc ngân hàng không thể cung cấp thông tin trong khung thời gian yêu cầu là trở ngại tiếp theo. Tại Mexico, để lấy thông về tiền gửi được bảo hiểm, cơ quan BHTG (IPAB) có quyền:
- Yêu cầu các ngân hàng phân loại, cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm theo quy định do IPAB ban hành.
- Phối hợp với Cơ quan giám sát tiến hành kiểm tra các ngân hàng để xác minh, đánh giá mức độ tuân thủ so với khung quy định.
- Ban hành quy định về hạn mức đối với tài khoản đồng sở hữu.
Thông tin nhận được sẽ được xử lý bởi một hệ thống tự động của IPAB để xác nhận dữ liệu trên cơ sở Mã số người gửi tiền. Đây là một chuỗi định dạng nhằm khớp nối tất cả các tài khoản thuộc về cùng một người gửi tiền.
Về hình thức chi trả: IADI khuyến nghị nên đa dạng hình thức chi trả để phù hợp với những hoàn cảnh khác nhau, hoặc có thể sử dụng đồng thời nhiều hình thức linh hoạt để đẩy nhanh quá trình chi trả, bao gồm: séc, chuyển khoản, đại lý thanh toán, chi tiền mặt, chi trả từng phần, chuyển tiền thông qua hợp đồng P&A, tiền điện tử, dịch vụ ngân hàng trên các thiết bị di động.
Bên cạnh đó, nguyên tắc 9 của Bộ nguyên tắc cũng nhấn mạnh việc tổ chức BHTG cần có sẵn nguồn lực về vốn và các cơ chế cấp vốn sẵn sàng để đảm bảo khả năng chi trả kịp thời cho người gửi tiền, bao gồm cả các cơ chế cấp vốn khẩn cấp trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức BHTG không đủ thực hiện nhiệm vụ chi trả cho người gửi tiền. Cần đảm bảo các nguồn lực của tổ chức BHTG phục vụ chi trả, về cơ bản bao gồm (i) Nguồn vốn, (ii) Nguồn nhân lực, (iii) Nguồn lực về công nghệ.
Quá trình chi trả của BHTGVN gặp một số khó khăn nhất định về tiếp cận thông tin tiền gửi được bảo hiểm. Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) là cơ quan quyết định trong việc cấp phép, thanh tra giám sát, kiểm soát đặc biệt, chấm dứt hoạt động và rút giấy phép của TCTD. Tuy nhiên, việc chia sẻ thông tin giám sát của NHNN với BHTGVN còn hạn chế, BHTGVN cũng chưa có vai trò cụ thể trong quá trình kiểm soát đặc biệt, vì thế việc tiếp cận sớm thông tin về tiền gửi và người gửi tiền chưa thực sự hiệu quả.
Luật BHTG (2012) quy định trong thời hạn 60 ngày, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức BHTG có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền. Nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán. BHTGVN không chính thức xác định một thời hạn mục tiêu nào ngắn hơn thời hạn pháp định, tuy nhiên thực tế chi trả 39 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trong 16 năm qua cho thấy có thể đặt mục tiêu thời gian ngắn hơn so với quy định, tuy nhiên đối với ngân hàng thương mại (NHTM) thì cần phải nghiên cứu và cân nhắc các điều kiện thực tế.
Luật BHTG tạo cơ chế nguồn vốn đầy đủ cho BHTGVN thực thi nhiệm vụ, bao gồm vốn ban đầu do Nhà nước cấp, nguồn thu từ phí BHTG, nguồn thu từ hoạt động đầu tư vốn tạm thời nhàn rỗi, các nguồn khác, đồng thời được tiếp nhận hỗ trợ theo nguyên tắc có hoàn trả từ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc vay của tổ chức tín dụng, tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức BHTG tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm; tiếp nhận các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để tăng cường năng lực hoạt động. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản cụ thể hướng dẫn hoạt động tiếp nhận hỗ trợ trong trường hợp thiếu hụt nguồn vốn chi trả và tiếp nhận tài trợ để tăng cường năng lực hoạt động. Bên cạnh đó, nguồn vốn của BHTGVN chưa thực sự đảm bảo chi trả trong trường hợp NHTM bị đóng cửa, thực tế từ trước tới nay mới chỉ chi trả cho các QTDND.
Thực tế nguồn nhân lực của BHTGVN có thể đáp ứng nhu cầu của hoạt động chi trả từ trước tới nay. Luật cũng cho phép tổ chức BHTG trực tiếp trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền hoặc ủy quyền cho tổ chức tham gia BHTG khác thực hiện. Nguồn lực công nghệ thông tin của BHTGVN sẽ được nâng cấp đáng kể sau khi hoàn thành Dự án hệ thống thông tin và hiện đại hóa ngân hàng (FSMIMS) do Ngân hàng thế giới tài trợ. Tuy nhiên, BHTGVN chưa được phép kiểm tra hệ thống công nghệ thông tin của tổ chức tham gia BHTG và số liệu để đảm bảo năng lực xuất ra dữ liệu theo yêu cầu.
Bên cạnh đó, BHTGVN có nhiều lựa chọn chi trả như chi trả tiền mặt trực tiếp, ủy quyền chi trả, cho phép chuyển tiền chi trả, nhưng chưa có tạm ứng chi trả, tạm thời chi trả và chi trả khẩn cấp.
Xây dựng quy trình chi trả BHTG hiệu quả là góp phần nâng cao niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng và thể hiện cam kết của BHTGVN trong bảo vệ quyền lợi người gửi tiền theo quy định của pháp luật. Trong thời gian tới, BHTGVN sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và các nguồn lực về vốn, nhân sự, công nghệ để việc chi trả được triển khai kịp thời; góp phần củng cố vai trò của BHTGVN trong xử lý sau đóng cửa các TCTD và ổn định tâm lý người gửi tiền.
Phòng NCTH&HTQT
Tài liệu tham khảo:
IADI, Core principles for effective deposit insurance systems, 2014
IADI, Enhanced guidance for effective deposit insurance systems: Reimbursement system and processes, 2012
FSB, Thematic review on deposit insurance systems, 2012
Luật bảo hiểm tiền gửi, 2012