Bức tranh chính sách BHTG tại Mỹ
Sau khi Luật ngân hàng được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1933 và sự ra đời Tổng công ty BHTG liên bang (FDIC), mô hình BHTG tại Mỹ được thiết kế và hoàn thiện theo hướng bảo hiểm cho tiền gửi đồng đô la theo giới hạn, gọi là BHTG có hạn mức. Mục tiêu của mô hình này là bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ, không am hiểu tài chính; ổn định tài chính thông qua ngăn chặn tình trạng rút tiền hàng loạt và tạo động lực thị trường trong giám sát ngân hàng. Tuy nhiên, cơ chế này đã vô tình đặt các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, nắm trong tay nhiều thông tin trước nguy cơ rủi ro tín dụng khi quyết định rút tiền gửi từ ngân hàng có chất lượng tài sản thấp hơn hoặc mở nhiều tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng để hưởng lợi từ chính sách BHTG có hạn mức. Mặc dù cơ chế BHTG giúp cải thiện niềm tin người gửi tiền, giảm hiện tượng rút tiền hàng loạt, nó có thể tăng rủi ro đạo đức, làm hệ thống tài chính dễ bị tổn thương. Theo Fed,, hệ thống tài chính với cơ chế BHTG có hạn mức không chỉ khiến người gửi tiền phải bỏ thêm chi phí để mở nhiều tài khoản, mà còn giảm sức cạnh tranh trên thị trường tiền gửi so với các hệ thống áp dụng cơ chế hạn mức BHTG toàn bộ hay không áp dụng BHTG. Mặc dù hạn mức BHTG chịu tác động của lạm phát, nó có thể được điều chỉnh lên xuống theo hướng bảo đảm khả năng chi trả hợp lý và đạt mục tiêu bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ, có ít thông tin và không am hiểu về tài chính. Đối với các nhà đầu tư giàu có và am hiểu tài chính, giới hạn ngoài phạm vi hạn mức BHTG đã tạo ra nhu cầu cao về mở tài khoản tại nhiều ngân hàng.
Theo tính toán của Fed, số dư tiền gửi bình quân của các tài khoản lớn hơn hạn mức BHTG đến ba lần - nghĩa là người gửi tiền có các tài khoản được bảo hiểm một phần (có hạn mức) gần như được bảo hiểm toàn bộ số dư tiền gửi nếu tiền gửi được phân bổ ở nhiều ngân hàng. Báo cáo về NHTM của FDIC về số dư tiền gửi bình quân và Báo cáo khảo sát tài chính tiêu dùng (SCF) về số liệu người gửi tiền cá nhân cho thấy, tổng tài khoản và số dư tiền gửi đều vượt hạn mức BHTG. Gần 60% tài khoản tiền gửi đều dưới hạn mức BHTG mới và gần như toàn bộ tài khoản nằm trong phạm vi 2 lần so với hạn mức. Trong giai đoạn áp dụng hạn mức $100,000 (1980-8/2008), hầu hết các tài khoản tiền gửi được bảo hiểm một phần đều trong phạm vi hai/ ba lần so với hạn mức BHTG.
Mật độ tích lũy số dư tài khoản tiền gửi bình quân vượt $100.000, Q2.2008
Nguồn: Reports on Income and Condition (Call Reports), FDIC
Chính sách BHTG đối với sức cạnh tranh ngân hàng và người gửi tiền
Khi không áp dụng cơ chế BHTG, khách hàng mất toàn bộ tiền gửi của mình khi xảy ra sự cố tại ngân hàng. Khi tất cả các tài khoản ngân hàng được bảo hiểm toàn bộ, người gửi tiền không phải đối mặt với rủi ro mất tiền gửi. Nếu ngân hàng không thực hiện được nghĩa vụ với người gửi tiền, tổ chức BHTG đứng ra chi trả toàn bộ tiền gửi. Đối với cơ chế BHTG có hạn mức,bằng việc đa dạng hóa hình thức phân bổ tiền gửi cho mỗi ngân hàng, toàn bộ tài sản của người gửi tiền sẽ đều được bảo hiểm. Ngược lại, nếu chỉ mở 1 tài khoản ngân hàng, người gửi tiền lại tiết kiệm được chi phí mở tài khoản nhưng lại đặt tiền gửi vào tình trạng không được bảo hiểm.
Lợi ích người gửi tiền, lãi suất tiền gửi, lợi nhuận ngân hàng, và chi phí giải cứu
Nguồn: Limited Deposit Insurance Coverage and Bank Competition, Fed 2014
So sánh ba cơ chế BHTG, có thể thấy:
Lợi ích của người gửi tiền:
- Cơ chế “BHTG toàn bộ” và “không áp dụng BHTG” có lợi hơn cơ chế “BHTG có hạn mức” vì khách hàng với chi phí chuyển mới tài khoản thấp có động lực để trở thành đối tượng hưởng lợi, nhờ vậy loại bỏ được tất cả những rủi ro khi đa dạng hóa gửi tiền ở nhiều nơi; nhưng phí mở tài khoản mới họ phải gánh chịu.
- Trong một hệ thống áp dụng cơ chế BHTG toàn bộ, khách hàng có thể hưởng lợi nhiều hơn từ cạnh tranh lãi suất. Khi xảy ra rủi ro, tổ chức BHTG sẽ hỗ trợ họ.
Tổn thất xã hội:
- Cơ chế BHTG có hạn mức gây tổn thất lớn hơn cho cả tổ chức BHTG (chi phí giải cứu) và người gửi tiền (chi phí mở tài khoản).
Sức cạnh tranh:
- Cơ chế BHTG có hạn mức làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường tiền gửi vì khách hàng chuyển đổi ngân hàng để hưởng lợi chính sách BHTG.
- Cơ chế BHTG có hạn mức làm giảm sự cạnh tranh lãi suất tiền gửi giữa các ngân hàng, giảm cạnh tranh đối với khách hàng có chi phí chuyển đổi ngân hàng thấp.
- Lợi nhuận gắn với BHTG cao hơn lợi nhuận thu được từ cạnh tranh.
- Mô hình của Mỹ tạo cơ hội cho ngân hàng đối thủ với phí mở mới tài khoản thấp giành khách hàng, giúp họ giảm lãi suất mà không mất khách hàng loại này.
Lợi nhuận:
- Bản chất của hệ thống BHTG xác định lợi nhuận bình quân của ngân hàng nên lợi nhuận của “BHTG có hạn mức” > “không áp dụng BHTG” và “BHTG toàn bộ”.
Một số khuyến nghị đối với Việt Nam
Chính sách BHTG nói chung và cơ chế BHTG có hạn mức được xây dựng để đảm bảo tốt hơn quyền lợi người gửi tiền, ổn định tâm lý, ngăn chặn tình trạng rút tiền hàng loạt và tạo dựng niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng. Theo thông lệ quốc tế, hạn mức BHTG là những tiêu chuẩn đáng tin cậy. Hạn mức phải được xây dựng sao cho phần lớn người gửi tiền được bảo vệ, nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể tiền gửi không được bảo hiểm (nghĩa là có cạnh tranh và người gửi tiền phải tìm ngân hàng tốt).
Nghiên cứu của Fed cho thấy có mối quan hệ giữa các cơ chế BHTG - trong đó việc áp dụng cơ chế “BHTG có hạn mức”, “BHTG toàn bộ” và “không áp dụng BHTG” (bảo hiểm ngầm) tác động đến cạnh tranh ngân hàng và lợi ích của người gửi tiền. Sau 16 năm xây dựng và phát triển, Bảo hiểm tiền gửi Viêt Nam đã phát huy hiệu quả vai trò bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng. Để hướng tới trở thành một tổ chức BHTG tiên tiến theo thông lệ quốc tế, việc xây dựng hạn mức hiện đang là một trong những ưu tiên của BHTGVN để hoàn thiện chính sách BHTG. Hạn mức như thế nào là hợp lý để thực hiện tốt các mục tiêu chính sách công cần phải được BHTGVN nghiên cứu, cân nhắc kỹ. Một mặt, cần tham khảo thông lệ quốc tế để đề xuất nâng hạn mức chi trả hợp lý; mặt khác cần rà soát kinh nghiệm của các nước nhằm giải quyết bài toán niềm tin, sự ổn định và sự lành mạnh trong cạnh tranh. BHTGVN cần thực hiện đánh giá lại mức hạn mức hiện hành để đảm bảo phù hợp với các chính sách công, đồng thời nghiên cứu phân tích tác động của chính sách hạn mức đối với người gửi tiền, ngân hàng và xã hội. Kinh nghiệm của Mỹ sẽ có ý nghĩa trong việc đề xuất các gợi ý chính sách cho quá trình xây dựng hạn mức BHTG tại Việt Nam trong thời gian tới.
Phòng NCTH & HTQT
Tài liệu tham khảo:
- Limited Deposit Insurance Cocverage and Bank Competition, Fed 2014
- How Does Deposit Insurance Affect Bank Risk?, WB 2013
- Bank Risk and Deposit Insurance, Luc Laeven 2003
- Deposit Insurance Database, WB 2014
- Đề tài hạn mức của Phòng NCTH & HTQT và Phòng Giám sát, BHTGVN 2015