Khái quát về chính sách hạn mức BHTG
Hạn mức chi trả tiền gửi là khoản tiền tối đa mà tổ chức BHTG sẽ thanh toán cho người gửi tiền thuộc đối tượng được bảo hiểm tại các tổ chức tham gia BHTG bị giải thể hay phá sản. Có hai hình thức chi trả bảo hiểm phổ biến ở các hệ thống BHTG trên thế giới: Chi trả toàn bộ số tiền gửi (gốc + lãi) được gọi là bảo hiểm toàn phần; hoặc chi trả tới giới hạn nhất định gọi là bảo hiểm có hạn mức.
Trong giai đoạn kinh tế phát triển ổn định, hạn mức BHTG cần được duy trì ở mức độ phù hợp. Hạn mức quá thấp có thể làm sụt giảm niềm tin người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng, tuy nhiên, hạn mức quá lớn sẽ dẫn tới rủi ro đạo đức vì người gửi tiền có xu hướng lựa chọn ngân hàng nào trả lãi suất cao để gửi tiền với quan niệm: “BHTG sẽ đứng ra xử lý ngân hàng gặp vấn đề”. Theo số liệu của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI), hạn mức chi trả trung bình thế giới trước khủng hoảng bằng khoảng 2,5 lần GDP bình quân đầu người, tỷ lệ trung bình khu vực Châu Á là 3 lần. Các nước có hệ thống ngân hàng hoạt động rủi ro lớn duy trì xu hướng hạn mức cao hơn để bảo vệ tốt nhất người gửi tiền.
Thay đổi hạn mức bảo hiểm là một cấu phần không thể thiếu trong tổng thể giải pháp chính sách ứng phó với những diễn biến xấu của hệ thống tài chính. Trong khủng hoảng, niềm tin của người dân nói chung và người gửi tiền nói riêng có xu hướng sụt giảm, vì vậy, tăng hạn mức hoặc chuyển sang chi trả không giới hạn giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền, tạo tâm lý yên tâm cho họ, qua đó hạn chế tình trạng rút tiền hàng loạt khi có sự cố về ngân hàng.
Như vậy, hạn mức BHTG là công cụ quan trọng của Tổ chức BHTG trong việc bảo vệ người gửi tiền và góp phần ngăn ngừa hoảng loạn ngân hàng, qua đó đóng góp vào việc thực thi nhiệm vụ duy trì ổn định hệ thống tài chính.
Thực tiễn chính sách hạn mức BHTG trong khủng hoảng ở một số quốc gia, khu vực
Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, việc tăng hạn mức BHTG được thực hiện nhằm đảm bảo các mục tiêu: i) duy trì niềm tin của người gửi tiền – giúp ngăn chặn tình trạng hoảng loạn và rút tiền hàng loạt; ii) khẳng định cam kết của chính phủ trong bảo vệ người gửi tiền thông qua tổ chức BHTG; iii) đảm bảo sự đồng nhất tương đối về hạn mức bảo hiểm tại một số nước trong khu vực, đặc biệt là tại các khu vực có tính liên kết cao về hệ thống tài chính ngân hàng.
Kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nay, có 48 nước và vùng lãnh thổ thực hiện giải pháp mới trong chính sách BHTG. Trong đó, 19 nước áp dụng hình thức bảo đảm toàn bộ cho người gửi tiền, 23 nước tăng hạn mức không xác định thời hạn kết thúc và 6 nước tăng hạn mức tạm thời. Một số đặc điểm chủ yếu của chính sách hạn mức BHTG trong giai đoạn khủng hoảng:
Thứ nhất, xu hướng thay đổi hạn mức chủ yếu được thực hiện vào nửa cuối năm 2008, giai đoạn “nóng nhất” của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua.
Trong giai đoạn này, nhiều nước Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ nâng hạn mức; một số nước chuyển từ tăng hạn mức tạm thời sang dài hạn hoặc bảo đảm toàn bộ. Sau tháng 12 năm 2008, chênh lệch và diễn biến thay đổi về hạn mức bảo hiểm là không nhiều – phản ánh thực tế thời điểm sau tháng 12 năm 2008 không còn là giai đoạn nóng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thực tiễn việc tăng hạn mức bảo hiểm đã thể hiện sự ứng phó kịp thời và nhanh nhạy của các cơ quan chức năng và tổ chức BHTG tại các quốc gia trong cuộc chiến chống khủng hoảng
Thứ hai, xu hướng các quốc gia chuyển sang áp dụng mức BHTG ở mức rất cao (trên 100.000 USD), trái ngược lại với xu hướng chủ yếu áp dụng mức thấp (< 50.000 USD) trước khủng hoảng.
Tại các quốc gia thành viên tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế Châu Âu (OECD), có nhiều sự thay đổi trong chính sách hạn mức bảo hiểm tiền gửi. Trong tổng số 6 nhóm hạn mức khác nhau (xem sơ đồ), có đến hơn một nửa chứng kiến sự thay đổi về số lượng tổ chức áp dụng trong tháng 12 so với tháng 4 năm 2008. Cụ thể, nhóm hạn mức càng cao, càng nhiều tổ chức bảo hiềm tiền gửi áp dụng. Nhóm hạn mức cao nhất (125.000 USD) có đến 13 tổ chức trong khu vực áp dụng trong tháng 12 - cao hơn 6,5 lần số lượng tổ chức áp dụng vào thời điểm cuối tháng 4 năm 2008. Nhóm hạn mức thấp nhất (≤25.000 USD) không có tổ chức nào áp dụng trong tháng 12/2008. Xu hướng này thể hiện cam kết của các nước trong bảo vệ người gửi tiền và một hạn mức BHTG lớn sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu cam kết.
Thứ ba, xuất phát từ thực trạng của hệ thống tài chính và đặc điểm lịch sử, chính sách tăng hạn mức có sự khác nhau giữa các quốc gia và khu vực trên thế giới.
Hoa Kỳ tăng hạn mức một cách tương đối thận trọng và không chuyển sang bảo hiểm toàn bộ ngay lập tức do xuất phát từ thực tế tại Hoa Kỳ đã có một cơ chế BHTG lâu đời, một nền kinh tế thị trường phát triển và ý thức của người dân về vấn đề hạn mức bảo hiểm rất tốt.
Châu Âu tăng hạn mức một cách có hệ thống qua hai lần - lần điều chỉnh đầu tiên lên mức tham chiếu chung 50.000 Euro và lần điều chỉnh sau lên mức 100.000 Euro thống nhất toàn khu vực. Chính sách tăng mạnh hạn mức trong toàn hệ thống tại Châu Âu cho thấy hệ thống BHTG tại Châu Âu chưa thực sự phát triển trước khủng hoảng (hạn mức bảo hiểm thấp và thời gian chi trả chậm so với các nước phát triển khác); tính liên kết của hệ thống tài chính ngân hàng Châu Âu rất chặt chẽ nên cần có nỗ lực tăng hạn mức chung cho cả khu vực.
Châu Á có hạn mức rất cao, thể hiện quan điểm thận trọng của khu vực từ kinh nghiệm của cuộc khủng hoảng ngân hàng 1997-1998. Các nước Châu Á duy trì mức độ bảo vệ từ 5 lần đến hơn 80 lần GDP đầu người. Minh chứng là trường hợp của Indonesia và New Zealand có hạn mức BHTG mới cao hơn GDP bình quân đầu người tương ứng là 82,5 và 23,3 lần.
Có thể nói, chính sách hạn mức là biện pháp không hoàn toàn phải bỏ chi phí nếu thực tế không xảy ra đổ vỡ ngân hàng nhưng lại là công cụ quan trọng để duy trì niềm tin của tổ chức BHTG ngay cả khi có đổ vỡ. Các quốc gia có hạn mức bảo hiểm đủ lớn và có cơ chế tiếp cận nhanh với khoản tiền gửi được bảo hiểm có thể ngăn ngừa hoảng loạn ngân hàng, qua đó giảm thiểu tác động của khủng hoảng. Những con số về các quốc gia tăng hạn mức (48) trên tổng số nước có tổ chức BHTG (106) là tương đối lớn nhưng chưa phản ánh đầy đủ chính sách hạn mức được các nước áp dụng. Nhiều nước không tăng hạn mức chính thức mà chỉ có tuyên bố chính trị sẽ bảo đảm toàn bộ tiền gửi ngân hàng khi cần.
Khuyến nghị dành cho Việt Nam
Tại Việt Nam, hạn mức được nâng từ mức 30 triệu VNĐ lên 50 triệu VNĐ và duy trì mức cố định này kể từ năm 2005 đến nay. Vào thời điểm năm 2005, hạn mức này đã đáp ứng được tốt các tiêu chí đặt ra: i) tương đương 5 lần GDP bình quân đầu người; ii) bảo vệ được khoảng 80% tổng số người gửi tiền. So với tương quan khu vực Châu Á vào thời điểm đó, đây là hạn mức tương đối cao (hạn mức trung bình của châu Á bằng khoảng 3 lần GDP bình quân đầu người).
Tuy nhiên, sau 5 năm, hạn mức nói trên đã không còn phù hợp do các yếu tố: i) GDP bình quân đầu người tăng nhanh trong giai đoạn 2005-2010, hạn mức 50 triệu đồng hiện chỉ tương đương 2,2 lần GDP bình quân đầu người – tương đối thấp so với mức bình quân ở khu vực; ii) lạm phát tăng cao khiến giá trị thực của hạn mức chi trả thấp đi; iii) xu hướng tăng hạn mức trong và sau khủng hoảng tài chính tại một loạt các quốc gia trên toàn thế giới. Điều này làm hạn mức tại Việt Nam tiếp tục thấp đi tương đối so với các quốc gia khác.
Dựa trên tính toán ở Bảng số liệu, trước mắt, bài viết đề xuất nâng hạn mức lên 100 triệu đồng. Hạn mức mới sẽ tương đương với 5 lần GDP bình quân đầu người, bằng đúng tỷ lệ này vào năm 2005, khi hạn mức được điều chỉnh từ mức 30 triệu VNĐ lên 50 triệu VNĐ. Việc đề xuất tăng hạn mức lên 100 triệu VNĐ dựa trên các yếu tố: i) tránh để hạn mức BHTG tại Việt Nam lạc hậu, thấp hơn nhiều so với hạn mức của các quốc gia trong khu vực; ii) không tăng quá lớn hạn mức trong nước, gây áp lực cho Quỹ BHTG khi phải tiến hành chi trả.
Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu xây dựng điều khoản mở trong Luật BHTG, cho phép điều chỉnh hạn mức BHTG trong những điều kiện nhất định. Ví dụ, BHTGVN có thể đề xuất tăng hạn mức khi: (1) xảy ra hiện tượng người gửi tiền rút lượng lớn tiền khỏi hệ thống ngân hàng (hiện tượng rút tiền hàng loạt); (2) Tỷ lệ lạm phát cao kéo dài trong một số năm; (3) Đồng nội tệ bị mất giá trong thời gian dài, tỷ lệ mất giá cao; (4) Số lượng người gửi tiền có số dư tiền gửi nằm trong hạn mức chi trả xuống thấp hơn mức 80%; (5) Xảy ra khủng hoảng tài chính.
Có thể nói, hạn mức BHTG là công cụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả của chính sách BHTG. Vì vậy, cần đảm bảo duy trì hạn mức bảo hiểm phù hợp, làm tăng sức hấp dẫn của tiền đồng Việt Nam đối với người gửi tiền và cải thiện niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng.
Tài liệu tham khảo:
- José Vinals and Martin J. Gruenberg, Updates on Unwinding Temporary Deposit Insurance Arrangements, IMF and IADI submitted to Financial Stability Board – FSB, June 2010,
-Summit Conference on Strengthening DIS Systems in Crisis and Post-crisis Situation, Cebu – Philippines, April 2010,
-Financial Crisis: Reform and Exit Strategies, Preliminary OECD Secretariat estimates Sept. 2009,
-Sebastian Schich, Financial Crisis: Deposit Insurance and Related Financial Safety Net Aspects, OECD, 2008.