Từ đầu năm 2016 đến nay, NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, linh hoạt để quản lý hiệu quả thị trường vàng, duy trì các kết quả đã đạt được sau 4 năm triển khai Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24), cụ thể như sau: (i) Tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thị trường vàng; (ii) Tiếp tục kiện toàn mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng để đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân và phù hợp với nhu cầu của thực tiễn; (iii) Phối hợp với các Bộ, ngành chức năng có liên quan để quản lý chặt chẽ thị trường vàng theo chủ trương và chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ; (iv) Tăng cường công tác truyền thông để dư luận hiểu rõ các chính sách quản lý thị trường vàng của Nhà nước, đồng thời kịp thời ổn định tâm lý thị trường khi thị trường vàng thế giới và trong nước biến động mạnh; (v) Chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp thị trường vàng khi cần thiết.
Thị trường vàng đã đạt được những kết quả tích cực
Với các giải pháp đồng bộ của NHNN, từ đầu năm 2016 đến nay, nhìn chung giá vàng trong nước diễn biến tương đối ổn định và bám sát với giá vàng thế giới, thậm chí nhiều thời điểm giá vàng trong nước còn thấp hơn giá vàng thế giới. Tuy nhiên, tại một số thời điểm, giá vàng trong nước có biến động tăng mạnh, đặc biệt sau sự kiện Brexit, giá vàng trong nước đã tăng đột biến trong hai ngày (chiều ngày 5/7/2016 đến 6/7/2016). Đánh giá nguyên nhân chủ yếu khiến thị trường vàng bị biến động tăng mạnh là do yếu tố tâm lý (người có vàng không muốn bán vàng ra thị trường, trong khi đó một số đối tượng lại có nhu cầu mua vàng đầu tư, cất trữ, đã tạo ra tình trạng khan hiếm nguồn cung vàng tạm thời). Trước diễn biến tăng nóng của giá vàng, ngay trong chiều ngày 6/7/2016, NHNN đã kịp thời có khuyến nghị người dân thận trọng khi quyết định mua, bán vàng; đồng thời đưa ra thông điệp NHNN sẵn sàng triển khai các giải pháp và có đủ nguồn lực để can thiệp bình ổn thị trường vàng khi cần thiết. Ngay sau phát ngôn của NHNN, giá vàng trong nước đã giảm trở lại, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện đang dao động quanh mức dưới 1 triệu đồng/lượng.
Nhìn chung từ đầu năm đến nay, cung cầu vàng miếng tương đối cân bằng (ngoại trừ một số thời điểm do ảnh hưởng của giá vàng thế giới và yếu tố tâm lý trong nước), nhu cầu vàng miếng có xu hướng giảm. Doanh số mua, bán vàng miếng trên thị trường đã giảm đáng kể, nhiều thời điểm giảm hơn 50% so với năm 2013. Thị trường không xuất hiện các ”cơn sốt” vàng miếng, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ và nền kinh tế như giai đoạn trước khi Nghị định 24 được ban hành. Tình trạng ”vàng hóa” đã từng bước được hạn chế, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được ngăn chặn.
Về chuyển hóa nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế xã hội
Trong những năm gần đây, với chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhất quán của Chính phủ đã kiểm soát được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, niềm tin vào VND được củng cố đã giảm các nhu cầu đầu tư, cất trữ bằng vàng, giao dịch mua, bán vàng có xu hướng giảm. Đồng thời, với việc triển khai các giải pháp đồng bộ quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 đã phát huy hiệu quả, biến động của giá vàng không còn ảnh hưởng đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và sự ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường không còn các ”cơn sốt” vàng, nhu cầu vàng miếng trên thị trường đã suy giảm, nguồn lực vàng trong nền kinh tế đang có xu hướng chuyển hóa thành các kênh đầu tư khác.
Theo Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN), kể từ năm 2014 đến nay, thị trường vàng miếng tự cân đối tốt, NHNN chưa phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng can thiệp, bình ổn thị trường vàng miếng. Thị trường vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cũng tự điều tiết tốt. Giá vàng nguyên liệu trong nước có xu hướng bám sát với giá vàng thế giới. Đặc biệt từ năm 2016 đến nay, giá vàng nguyên liệu trong nước thường thấp hơn hơn giá vàng thế giới. Trung bình mỗi năm, nhu cầu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ khoảng 10 -15 tấn/năm. Nhưng từ năm 2012 đến nay, để tận dụng nguồn lực vàng trong nước, NHNN đã không cấp phép nhập khẩu vàng cho các doanh nghiệp trong nước sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các doanh nghiệp đều tự cân đối, mua vàng nguyên liệu trên thị trường để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Như vậy, có thể thấy nền kinh tế đã tiết kiệm được một lượng ngoại tệ lớn do không phải nhập khẩu vàng, chủ trương thu hút nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội đã bước đầu được thực hiện.
Trong thời gian tới, để tiếp tục chuyển hóa nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao lòng tin vào giá trị đồng Việt Nam, cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay NHNN Việt Nam đang nghiên cứu, đánh giá, tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, có đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng hiệu quả hơn trong thời gian tới. Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhấn mạnh như vậy khi trả lời câu hỏi của báo giới về quan điểm của Chính phủ đối với đề xuất thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VNBA) mới đây.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, sau 4 năm NHNN nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ để quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay thị trường vàng đang diễn biến ổn định, biến động của giá vàng không còn tác động lớn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ cũng như ổn định kinh tế vĩ mô, nhu cầu về vàng miếng đang ngày càng giảm, tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn, nguồn vốn bằng vàng đang có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác.
“Hiện nay, quản lý hoạt động mua, bán vàng miếng đã đi vào nề nếp và cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân”, ông Dũng nhấn mạnh. Ông cũng cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay NHNN Việt Nam đang nghiên cứu, đánh giá, tổng kết Nghị định 24, có đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng hiệu quả hơn trong thời gian tới, theo hướng tiếp tục duy trì sự ổn định thị trường vàng, ngăn chặn tình trạng "vàng hoá" trong nền kinh tế, tạo tiền đề để tiếp tục chuyển hoá nguồn lực vàng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội. “Tất cả các ý kiến đề xuất thành lập hay phản đối thành lập sàn vàng đều là những ý kiến để NHNN phân tích, cân nhắc hết sức thận trọng trước khi đưa ra các biện pháp quản lý thị trường vàng theo đúng chủ trương của Chính phủ”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Theo ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy bán Giám sát tài chính quốc gia, việc chống vàng hóa không chỉ xuất phát từ ý chí của nhà nước, mà còn từ thực tiễn bởi bất cứ quốc gia nào cũng phải tạo lập các điều kiện cho đồng nội tệ vững mạnh. Trong 10 năm qua, việc chống vàng hóa đã làm cho tỷ giá ổn định, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp, tăng giá trị cho VND. Do đó, chủ trương chống vàng hóa cần kiên trì thực hiện để VND tiếp tục vững mạnh, tỷ giá hối đoái tiếp tục ổn định, lạm phát luôn được kiểm soát ở mức thấp nhằm kích thích nhà đầu tư nước ngoài chuyển vốn vào Việt Nam thay thế cho việc huy động vàng rồi thế chấp ở nước ngoài vay USD.
Còn PGS – TS. Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, nhận định việc tái khởi động huy động vàng có thể kích thích tâm lý găm giữ vàng, tác động không tốt đến tỷ giá và không có lợi cho nền kinh tế lẫn người dân bởi giá vàng biến động khó lường. “Tại sao người dân phải nắm giữ vàng mà giá cả của nó được quyết định bởi giá quốc tế, ngoài tầm kiểm soát, khó dự báo, thậm chí có thời điểm còn bị giới tài phiệt làm giá khiến cho không ít cá nhân, tổ chức, ngân hàng ở VN “te tua” vào nhiều năm trước” – TS. Ngân nói.