Việc đẩy mạnh chính sách tín dụng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là tín dụng cho các hộ nghèo của khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ được ngành Ngân hàng đặc biệt quan tâm. Để chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thật sự là công cụ hữu hiệu, ngành ngân hàng nói chung và Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) nói riêng đang thực hiện đúng và có hiệu quả nhiệm vụ, giúp người dân nơi đây có cơ hội tiếp cận vốn, mở rộng phát triển sản xuất, đẩy mạnh khai thác các thế mạnh của khu vực...
Tín dụng chính sách tại NHCSXH
Hiện nay, ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đang thực hiện 22 chương trình tín dụng đối với người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách. Tính đến ngày 31/8/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH tăng 5,7% so với 31/12/2015, với hơn 8,4 triệu khách hàng còn dư nợ. Nợ quá hạn chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ 0,44% trên tổng dư nợ.
Dư nợ tập trung ở một số chương trình: cho vay hộ nghèo đạt 37.661 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 24,9% tổng dư nợ); cho vay hộ cận nghèo đạt 29.381 tỷ đồng (chiếm 19,5% tổng dư nợ); cho vay học sinh, sinh viên đạt 20.316 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 13,4% tổng dư nợ); cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đạt 15.664 tỷ đồng (chiếm 10,3% tổng dư nợ); cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn đạt 22.690 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 15% tổng dư nợ); cho vay hộ mới thoát nghèo tuy mới triển khai từ 05/9/2015 nhưng dư nợ đã đạt 9.036 tỷ đồng (chiếm 6% tổng dư nợ).
Đánh giá về kết quả hoạt động tín dụng chính sách tại NHCSXH trên địa bàn khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, NHNN cho biết: Tính đến ngày 31/8, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại khu vực Tây Bắc đạt 26.506 tỷ đồng, tăng 8,58% (so với cuối năm 2015) với hơn 1,2 triệu khách hàng còn dư nợ và tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,25% tổng dư nợ. Tại Tây Nguyên, tổng dư nợ đạt 13.009 tỷ đồng, tăng 7% với 666.406 hộ còn dư nợ tính theo từng chương trình, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,38%. Tại vùng Tây Nam Bộ, tổng dư nợ đạt 26.550 tỷ đồng, tăng 5,1% với hơn 2 triệu khách hàng còn dư nợ, nợ quá hạn chiếm tỷ trọng 1,03%/tổng dư nợ.
Có thể thấy, thông qua việc tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, hoạt động của NHCSXH đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu; Tập hợp lực lượng, phát triển hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội; Thực hiện nhiệm vụ ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn. Đặc biệt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, việc cho vay ưu đãi, kề vai sát cánh với hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn có tác động quan trọng đối với việc giữ đất, giữ biên cương Tổ quốc; Thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước.
Kết quả thực hiện chính sách tín dụng tại khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ
Theo báo cáo của NHNN, tính đến hết tháng 8, nguồn vốn huy động tại khu vực Tây Bắc đạt 147.472 tỷ đồng, tăng 11,04%; tổng dư nợ tín dụng đạt 208.784 tỷ đồng, tăng 10,75% (so với 31/12/2015). Về kết quả các chương trình tín dụng trọng điểm, NHNN cho biết, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn ước đạt 78.128 tỷ đồng, tăng 7,73%, chiếm 37,42% tổng dư nợ cho vay toàn vùng và chiếm 8,7% dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc. Dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới (tính đến 30/6) tại khu vực đạt 65.224 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay từ nguồn vốn tín dụng thương mại đạt 36.084 tỷ đồng. Về chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tính đến quý II/2016, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Bắc cam kết cho vay mới với số tiền hơn 46.275 tỷ đồng cho 17.308 khách hàng (trong đó có 3.731 doanh nghiệp). Ngoài ra, ngành ngân hàng còn thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ,… với dư nợ 7.554 tỷ đồng. Về kết quả hỗ trợ an sinh xã hội, từ đầu năm đến nay, các TCTD đã cam kết tài trợ 347,44 tỷ đồng, tập trung chủ yếu cho các huyện nghèo, vùng đặc biệt khó khăn.
Tại khu vực Tây Nguyên, tính đến 30/9, nguồn vốn huy động tại khu vực này đạt 116.801 tỷ đồng, tăng 20,47%; tổng dư nợ tín dụng đạt 206.913 tỷ đồng, tăng 11,35% (so với cuối năm 2015). Về kết quả các chương trình tín dụng trọng điểm, trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 91.382 tỷ đồng, tăng 12,55%. Kết quả cho vay xây dựng nông thôn mới đạt 78.910 tỷ đồng, chiếm 88% dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, trong đó dư nợ cho vay từ nguồn vốn tín dụng thương mại đạt 62.598 tỷ đồng (số liệu tính đến 30/6/2016). Về kết quả triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tính đến hết quý II/2016, tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt gần 40.000 tỷ đồng cho khoảng 3.500 khách hàng doanh nghiệp; các hình thức hỗ trợ khác như cơ cấu nợ, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ… đạt dư nợ hơn 3.000 tỷ đồng cho hơn 200 doanh nghiệp.
Tại khu vực Tây Nam bộ, đến cuối tháng 8, huy động vốn của cả vùng ước đạt 369.618 tỷ đồng, tăng 16%; dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn đạt 404.977 tỷ đồng, tăng 5,2%. Đối với triển khai các chương trình tín dụng trọng điểm, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL đạt gần 190.000 tỷ đồng, tăng 10,1%. Về kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến hết tháng 6/2016, dư nợ cho vay nông thôn mới của khu vực đạt 122.604 tỷ đồng... Trong chương trình Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, được triển khai từ năm 2014 đến nay, đã có 6.800 doanh nghiệp được các ngân hàng cam kết tài trợ tổng số tiền hơn 71.600 tỷ đồng thông qua các hình thức hỗ trợ, trong đó cam kết cho vay mới đạt 66.000 tỷ đồng.